Shinzo Abe niềm hi vọng mới của nước Nhật?

Thứ hai, ngày 17/12/2012 06:55 AM (GMT+7)
Dân Việt - Sáu năm trước, Shinzo Abe đã từng làm Thủ tướng Nhật Bản và chỉ sau một năm cầm quyền, ông đã phải từ chức vì đánh mất sự ủng hộ. Nay, cuộc bầu cử ngày 16.12, được cho là dọn đường để Shinzo Abe trở lại.
Bình luận 0

Chờ đợi

Ngày 16.12, hàng triệu cư tri Nhật Bản đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử này được cho là sẽ đưa đảng Dân chủ Tự do (LDP) trở lại cầm quyền sau 3 năm quyền lực rơi vào tay đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), tạo cơ hội để lãnh đạo LDP, cựu Thủ tướng Shinzo Abe trở lại làm thủ tướng Nhật Bản.

Theo kết quả các cuộc khảo sát trên các phương tiện truyền thông, LDP sẽ giành lại đa số trong Hạ viện Nhật Bản quyền lực gồm 480 ghế, chỉ 3 năm sau thất bại thảm hại đặt dấu chấm hết cho 50 năm nắm quyền của đảng này.

img
Ông Shinzo Abe được chờ đợi trở thành thủ tướng Nhật Bản. Ảnh CNN

Dự định, LDP sẽ thành lập một chính phủ cam kết có lập trường cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, theo đuổi chính sách năng lượng hạt nhân bất chấp thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái và có thể tiến hành chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, chi tiêu mạnh tay hơn để giải quyết tình trạng giảm phát và ngăn đồng yên tăng mạnh. Cùng với một đảng liên minh nhỏ hơn, LDP của ông Abe cũng có thể giành được 2/3 đa số ghế trong Hạ viện, mức cần để "khai thông" mọi chính sách được thông qua tại quốc hội vốn từng bị "bế tắc" trong các đời chính phủ Nhật Bản kế nhiệm suốt 5 năm qua.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, ông Shinzo Abe được cho là có khả năng trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của Nhật Bản. Ông Abe từng giữ chức Thủ tướng trong thời gian từ năm 2006-2007 trước khi từ chức vì đánh mất sự ủng hộ và vì lý do sức khỏe.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Abe cam kết đẩy mạnh chi tiêu công để khắc phục tình hình kinh tế trì trệ, nhấn mạnh vai trò của điện hạt nhân bất chấp Nhật Bản đã trải qua thảm họa kép hồi năm 2011. Đảng DPJ thì hứa sẽ đẩy mạnh đầu tư cho phúc lợi và xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn. Tuy nhiên việc thực hiện hai điều này được đánh giá khó khăn trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản suy thoái và trận động đất năm 2011 còn để lại hậu quả nặng nề.

Có làm nên phép màu?

Tuy nhiên, cho dù mang màu sắc chính trị nào, thì đảng chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là khôi phục nền kinh tế và xử lý quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Cử tri Nhật Bản sẽ tập trung chú ý xem liệu chính phủ mới và các đảng cầm quyền có đem lại sự thay đổi tốt đẹp hơn cho đất nước bằng việc thực hiện những chính sách mà họ đã đưa vào cương lĩnh tranh cử và nhờ đó giành được phiếu bầu của cử tri hay không.

Trong vài năm gần đây Nhật Bản đã phải nhường "ngôi vị" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc, với tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt quá 200%. Giới quan sát cũng nhận định, Nhật Bản đang trong tình trạng: Kinh tế "hụt hơi"; Ngoại giao "mất tiếng nói". Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang có những dấu hiệu mệt mỏi, không chỉ bị đè nặng bởi món nợ khổng lồ, mà còn hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima.

Các cuộc khủng hoảng triền miên đã làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật vốn nhận được sự nể trọng và khâm phục về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh. Giới phân tích cho rằng tiến trình này đáng lo ngại bởi vì ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế.

Bởi vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là làm thế nào để kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng, sau khi đã rơi vào suy thoái tới 5 lần trong vòng 15 năm qua. Trước những lựa chọn khó khăn giữa một bên là việc tiếp tục chi tiêu để rồi "lún sâu" hơn nữa vào vòng xoáy nợ công; còn một bên là cắt giảm chi tiêu và tiếp tục chứng kiến nền kinh tế ngày càng "tụt dốc”, cái tên Shinzo Abe như niềm hi vọng vực dậy nền kinh tế nước Nhật.

Chưa có gì là chắc chắn việc ông Shinzo có mang lại phép màu cho nền kinh tế Nhật Bản hay không, tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn, việc một người nổi tiếng là “diều hâu” như ông Abe trở lại cầm quyền ở Tokyo, sẽ làm cho Bắc Kinh phải nhức đầu, ít ra là trong thời gian trước mắt, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang càng lúc càng căng thẳng trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 Ngày 16.12, các nghị sỹ Nhật Bản cho biết Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba cùng người đồng cấp Đảng Công Minh Mới Yoshihisa Inoue đã xác nhận hai đảng này sẽ thành lập một chính phủ liên minh nếu giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra cùng ngày.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem