Sức mạnh hạt nhân dưới lòng đại dương: Nga hay Mỹ mạnh hơn?

Minh Anh Thứ tư, ngày 11/05/2016 08:22 AM (GMT+7)
Trong bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) là loại có khả năng sống sót cao và nguy hiểm nhất do có thể lẩn trốn dưới đáy biển và ra đòn tấn công bất ngờ. Nga và Mỹ chắc chắn là 2 nước có lực lượng tàu ngầm SSBN hùng mạnh nhất trên thế giới, nhưng ai mới là người dẫn đầu?
Bình luận 0

Tính đến tháng 1.2016, Mỹ có 1.538 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.012 đầu đạn (chiếm 66%) được triển khai lên 236 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II, các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất Minuteman III mang 441 đầu đạn (chiếm 28,5%) và các máy bay ném bom chiến lược mang theo 85 đầu đạn (5,5%).

Đối với Nga, nước này được cho là có khoảng 1.735 đầu đạn hạt nhân, trong đó 900 đầu đạn (52%) triển khai lên các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên bộ ở nhiều phiên bản khác nhau, 700 đầu đạn (40%) đang xuất hiện trên các tàu ngầm SSBN và số còn lại nằm trên các máy bay ném bom chiến lược.

Bằng so sánh đơn giản, có thể thấy, lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ tập trung vào tàu ngầm, trong khi phần lớn đầu đạn hạt nhân của Nga lại được triển khai trên bộ. Tuy nhiên, điều này chưa thể chứng minh Nga chịu thua về sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Mỹ là nhất?

Hải quân Mỹ chỉ có một loại SSBN duy nhất để triển khai hạt nhân là tàu lớp Ohio. Đã có 18 chiếc Ohio được sản xuất, nhưng 4 chiếc được được biến đổi để mang theo tên lửa hành trình Tomahawk chứ không phải các tên lửa đạn đạo.

Mỗi chiếc SSBN lớp Ohio có thể mang được tổng cộng 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II. Đây có thể được coi là kỉ lục thế giới vì các tàu ngầm lớp Borei của Nga cũng chỉ mang được và 16 tên lửa SLBM Bulava, mặc dù 2 tàu này có kích thước tương đương tàu Ohio. Tàu lớp Ohio được đóng trong thời gian từ 1976 – 1997, nên có thể coi là vẫn còn khá tốt. Chỉ có duy nhất một vụ thủy thủ chết trên tàu này từ khi nó được đưa vào biên chế, tuy nhiên, đây không phải là do lỗi của chiếc tàu.

img

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ

Đối với tên lửa SLBM Trident II, đây không phải là một loại tên lửa mới nếu so sánh với loại Bulava của của Nga, tuy nhiên nó nặng hơn, tầm bắn xa hơn và vẫn là vô địch thế giới về độ chính xác với sai số mục tiêu từ 90 – 120m, bằng 1/3 so với Bulava của Nga là 250 – 350m. Sự chuẩn xác này cho phép Trident II mang theo được 14 đầu đạn hạng nhẹ W-76 với sức công phá 100 kiloton. Trident II cũng giữ một kỉ lục đáng nể về việc phóng thành công liền 134 lần, và trong tổng cộng 156 lần phóng, chỉ có 4 lần thất bại.

img

Tên lửa Trident II đã xuất hiện từ lâu nhưng hoạt động vẫn vô cùng hiệu quả

Mỹ hiện nay đã có kế hoạch tìm “tàu kế nhiệm” tàu Ohio với “chương trình thay thế Ohio” hay còn gọi là SSBN(X). Các công việc chuẩn bị ban đầu như thiết kế nguyên mẫu và dự tính thông số kĩ thuật đều đang được thực hiện tại trung tâm phát triển của công ty General Dynamics Electric Boat. Đây sẽ là chương trình kéo dài đến năm 2085. Các tàu ngầm sẽ bắt đầu được đóng mới từ năm 2021, hoàn thành vào năm 2028 và tham gia làm nhiệm vụ vào năm 2031.

Tàu ngầm mới sẽ có thiết kế dài 185 mét, mang theo được 16 tên lửa Trident II D5, phóng từ ống phóng 14 mét, và trang bị công nghệ tàng hình, cũng như phòng thủ hạt nhân công nghệ cao. Tổng chi phí sản xuất cho 12 chiếc tàu ngầm thay thế Ohio được dự toán khoảng 12,4 tỉ USD, trong đó, 4,8 tỉ tiền là tiền nghiên cứu và phát triển công nghệ, thiết kế, còn lại 7,6 tỉ USD dành cho đóng tàu.

Những chiếc tàu ngầm mới được mong chờ có những khả năng vượt trội như tuần tra bí mật dưới đáy biển và có khả  năng đáp trả được một đợt tấn công hạt nhân của kẻ thù.

Về tên lửa mới thay thế Trident II, vẫn chưa có nhiều thông tin được tiết lộ, tuy nhiên, với sự vượt trội mà Trident II đang có, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành nâng cấp nó thay vì nghiên cứu một loại tên lửa hoàn toàn mới.

Hải quân Nga là lực lượng đầu tiên có SSBN thế hệ 4

Lực lượng tàu ngầm Nga không có sự đồng nhất như của Mỹ. Hiện nay, Nga có nhiều loại tàu ngầm có thể mang được tên lửa SLBM bao gồm 3 chiếc tàu lớp Delta III trang bị tên lửa R-29R Stingray, 6 chiếc tàu ngầm Delta IV sử dụng tên lửa R-29RMU2.1 Liner và 29RMU2 Sineva, cùng với đó là 3 chiếc Borei mang theo tên lửa S-30 Bulava. Ngoài ra, Nga còn có một tàu ngầm lớp Typhoon mang theo được một tên lửa Bulava duy nhất.

img

Tàu ngầm lớp Delta II của Nga

Tàu ngầm Delta III đang đi đến cuối vòng đời của mình và có thể được loại khỏi biên chế vào năm 2020. Tên lửa Stingray mang được 3 đầu đạn, trong đó sai số của mỗi đầu đạn là 900m, một tham số không thể chấp nhận với một sản phẩm hiện đại, tuy nhiên, những tính năng khác của nó đều vẫn rất tốt.

Trong khi đó, tàu ngầm Delta IV mới được biên chế trong thời gian từ 1984 – 1990 nên vẫn còn hoạt động ổn định. Tên lửa R-29RMU2.1 Liner mà Delta IV mà Delta IV sử dụng có thể mang theo được từ 4 đến 11 đầu đạn và tầm bắn có thể lên tới 11.000km. Delta IV cũng là chiếc tàu ngầm nắm giữ kỉ lục độc nhất vô nhị trên thế giới khi có thể phóng liên tục toàn bộ 16 tên lửa SLBM trong cuộc tập trận Behemoth-2 vào năm 1991.  

img

Tàu ngầm lớp Borei của Nga

Tàu ngầm SSBN đáng chú ý nhất của Nga là lớp Borei. Đây là chiếc tàu ngầm thế hệ 4 đầu tiên. Hiện đang có 3 chiếc Borei đang ở trong biên chế hải quân Nga. Vào năm 2021, con số này sẽ tăng lên 8 chiếc, trong đó kể từ chiếc thứ 5 trở đi nó sẽ là một phiên bản nâng cấp hiện đại hơn 4 tàu chiếc trước đó.

Những tàu lớp Borei của Nga mang nhiều hứa hẹn như thế hệ tàu SSBN(X) của Mỹ. 2 mẫu tàu ngầm này có cùng kích cỡ, lượng giãn nước  và đều mang được theo 16 tên lửa SLBM  cùng hoạt động ít gây ra tiếng ồn hơn các tàu thế hệ 3. Tuy nhiên, khi SSBN(X) mới chỉ ở trên giấy thì Borei đã đi vào hoạt động.

Đối với tên lửa dùng nhiên liệu rắn R-30 Bulava, quá trình chế tạo nó đã gây rất nhiều khó khăn cho Nga. 8 trong 24 lần phóng thử đã thất bại, tuy nhiên, sau 8 lần thành công liên tiếp Bulava đã được đưa vào biên chế trong năm 2013.

img

Tên lửa Bulava phóng thử

Nếu mới nhìn vào thông số của Bulava, nhiều người nó sẽ đánh giá nó không phải là một loại tên lửa xuất sắc khi trọng lượng khi rời bệ phóng chỉ bằng 1/2 của Trident II hay R-29RMU2.1 Liner và sai số khoảng 250 – 350m. Tên lửa có thể mang theo 10 đầu đạn với sức công phá mỗi đầu đạn khoảng 150 kiloton. Tuy nhiên, Bulava lại được biết đến là một loại tên lửa có thể thay đổi đường bay nhanh hơn các tên lửa cùng loại, ngoài ra khả năng bay ở độ cao thấp khiến nó đi tới mục tiêu nhanh hơn vì phải bay một quãng đường ngắn hơn. Nga luôn giải thích rằng, vấn đề về độ chính xác và sức công phá của Bulava là để bù trừ cho khả năng chống lại các hệ thống phòng không của đối phương.

Kết luận

Có thể thấy, hiện nay, Mỹ đang có tên lửa tối ưu nhất là Trident II. Tuy nhiên tên lửa R-29RMU2.1 Liner đang theo rất sát. Những thử nghiệm thực tế cho thấy Nga còn có thể phóng liên tục 16 tên lửa R-29RMU2.1 Liner, trong khi đó, chưa bao giờ 4 tên lửa Trident II được phóng cùng lúc. Đối với R-30 Bulava, có thể đánh giá đây là một “viên ngọc thô” và nếu Nga có thể cả thiện được các tính năng của nó trong tương lai, đây sẽ là sức mạnh răn đe đáng sợ của hải quân nước này.

Về các loại tàu ngầm SSBN, Ohio của Mỹ đang thua kém về khả năng vận hành êm ái so với Borei của Nga. Với việc SSBN(X) sẽ chỉ có mặt vào khoảng năm 2030, Nga sẽ tận hưởng lợi thế này so với Mỹ trong khoảng 15 năm nữa nếu Mỹ không  có bất kì động thái mới nào trong việc nâng cấp Ohio.

Như vậy, sẽ rất khó để nói lực lượng răn đe hạt nhân của Nga hay Mỹ mạnh hơn và cả 2 đều có thể gây ra những tổn thật không thể phục hồi nếu sử dụng vũ lực với nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem