Lãnh đạo Trung Quốc bị điều tra: Bố làm to, con làm giàu?

Chủ nhật, ngày 08/09/2013 09:02 AM (GMT+7)
Công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình - tiếp tục có thêm những cán bộ cấp cao bị điều tra, theo đúng chủ trương “đả cọp đập ruồi” của ông Tập.
Bình luận 0
Báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP, của Hong Kong) ngày 30.8 nêu “nguồn tin thân cận với lãnh đạo” cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ) vừa đồng ý mở cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đối với ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa 17. Bắc Kinh không bình luận về việc ông Chu có bị điều tra hay không.
Ông Chu Vĩnh Khang (trái) ngồi cạnh Thủ tướng Lý Khắc Cường
Ông Chu Vĩnh Khang (trái) ngồi cạnh Thủ tướng Lý Khắc Cường

Nếu đúng như thông tin của tờ báo thì đó là một động thái lạ của Bắc Kinh, vì Đảng Cộng sản TQ (CPC) có sự hiểu ngầm là các cựu và đương kim ủy viên Trung ương Đảng đều được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Và ông Chu sẽ là lãnh đạo cấp cao nhất bị điều tra từ thập niên 1980 đến nay.

Ông Chu 70 tuổi, vừa về hưu hồi tháng 3.2013, sau khi làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, từng là một trong những nhân vật có quyền hạn cao nhất ở TQ khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - pháp luật trung ương (gọi tắt là Ủy ban Chính pháp).

Bị nghi lạm quyền và tham nhũng

Ông Chu là đồng minh thân cận của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người vừa bị xét xử về tội nhận hối lộ và lạm quyền. Khi ông Bạc bị cách chức và bắt giữ giữa năm ngoái, đã có nhiều tố cáo và kêu gọi cách chức nhằm vào ông Chu, người được cho tính giới thiệu Bạc làm người kế nhiệm ở Bộ Chính trị. Ông Chu có thể bị điều tra về lạm dụng chức quyền trong thời gian nắm Ủy ban Chính pháp từ 2007 - 2012.

Đây là cơ quan chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan trị an và luật pháp của TQ, có quyền giám sát hoạt động của mọi lực lượng thi hành luật, kể cả công an. Theo SCMP, trong giai đoạn trên, ông Chu được cho là không ngừng mở rộng quyền lực của Ủy ban Chính pháp, tìm cách thống nhất quản lý mọi cơ quan an ninh - công an và nắm trong tay ngân sách an ninh nội địa gần 111,7 tỷ USD.

Ông cũng bị cho là đã sử dụng các biện pháp bất hợp lý để giữ trật tự xã hội và chỉ đạo phải cứng rắn giải quyết vụ bạo động ở Tân Cương năm 2009. Đáng chú ý, người kế nhiệm ông Chu nắm Ủy ban Chính pháp hiện nay là ông Mạnh Kiến Trụ, người không có tên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC. Một số nhà quan sát cho rằng đây là cách các lãnh đạo TQ giới hạn quyền lực của Ủy ban Chính pháp, tránh tình trạng “tung hoành” của thời ông Chu.

SCMP nêu hầu hết các cựu và đương kim lãnh đạo đã quyết điều tra ông Chu, sau một cuộc họp bí mật tại khu resort Beidaihe ở tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 8. Thông tin mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 4 quản lý cấp cao của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) - nơi ông Chu từng lãnh đạo vào đầu thập niên 1990 - bị điều tra tham nhũng.

Theo SCMP, cuộc điều tra sẽ tập trung vào thời gian ông Chu làm việc tại CNPC cũng như giai đoạn ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999 - 2002). Đặc biệt, các nhà điều tra muốn sẽ tìm hiểu nghi vấn ông Chu và gia đình có hưởng lợi bất chính hay không từ các thỏa thuận bất động sản khổng lồ liên quan con trai ông là Chu Bân và những người thân cận khác.

Chu Bân bị cho là lợi dụng ảnh hưởng của cha để kiếm lợi thông qua các hợp đồng làm ăn lớn, mua và bán lại đất công, can thiệp vào các dự án dầu khí, hối lộ quan chức, thu tiền bảo kê… Các nguồn tin nói Chu Bân sở hữu nhiều tài sản ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Hong Kong cũng như ở nhiều nước như Pháp, Mỹ và Thụy Sỹ. Ngoài ra, tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ bị Wikileaks xì năm 2009 cho biết: Washington tin một nhóm cá nhân do cha con ông Chu dẫn đầu đã kiểm soát ngành dầu khí của TQ trong nhiều năm. Hiện không rõ Chu Bân đang ở đâu.

“Đệ tử” bị điều tra

Ngày 1.9, Tân Hoa xã đưa tin Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (cơ quan chống tham nhũng của CPC) đang điều tra Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC, thuộc Quốc vụ viện TQ), do ông bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ để nói về tội tham nhũng của các quan chức cấp cao hoặc giám đốc các công ty nhà nước. Nhưng hãng tin không cung cấp thông tin chi tiết.

SASAC là cơ quan cấp bộ chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp hơn 100 công ty nhà nước. Ông Tưởng nay 58 tuổi được cất nhắc làm chủ nhiệm SASAC hồi tháng 3.2013 sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CNPC năm 2006, rồi làm chủ tịch tập đoàn này năm 2011. Ông Tưởng là người đầu tiên trong Ban Chấp hành Trung ương CPC (gồm 200 người) bị điều tra từ sau cuộc chuyển giao quyền lực từ ông Hồ Cẩm Đào qua ông Tập hồi tháng 11.2012. Theo Reuters, ông Tưởng thăng quan tiến chức nhanh nhờ sự bảo trợ của ông Chu.

Ông Tưởng được kỳ vọng sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc tái cơ cấu lĩnh vực công khi CPC đang chuẩn bị cho phép tư như đầu tư vào các mảng chủ đạo của nền kinh tế như năng lượng, giao thông và tài chính trong 5 năm tới. Các nhà kinh tế học đã cảnh báo, rằng TQ không còn có thể trì hoãn việc giải phóng các mảng này khỏi sự kiểm soát của chính phủ, nhất là nếu TQ muốn nền kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng từ 7 - 8% hằng năm.

Vấn đề là cuộc tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước va phải sự phản đối của các nhóm lợi ích vốn bị đe dọa trước viễn cảnh phải cạnh tranh, cùng một số cán bộ CPC khó chịu trước sự thay đổi về kinh tế. Cuộc điều tra ông Chu (nếu có) diễn ta trước khóa họp thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương CPC khóa 18 vốn sẽ tổ chức vào tháng 11 tới. Ở đó, các lãnh đạo TQ sẽ thảo luận về cuộc cải tổ kinh tế.

Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, người tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí TQ) vào năm 1966. Ông lãnh đạo CNPC từ năm 1996 - 1998 rồi chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Đất đai và tài nguyên đến năm 1999. Sau đó, ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên trong giai đoạn 1999 - 2002 rồi vào Bộ Chính trị và giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an đến năm 2007. Ông trở thành ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, nắm Ủy ban Chính pháp từ năm 2007 - 2012.
Ngày 26-8, Tân Hoa xã đưa tin Phó chủ tịch CNPC là Wang Yongchun bị điều tra vì bị nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”. Ngoài việc giữ chức Phó chủ tịch CNPC từ năm 2011, Wang 53 tuổi là “chiến hữu” của ông Chu, và còn là Giám đốc Công ty Daqing Oilfield Co, đơn vị quản lý giếng dầu lớn nhất của TQ. Theo trang web của CNPC, ông là một trong 6 phó chủ tịch của công ty này. Người trong ngành nói Wang có “cửa” làm chủ tịch thay ông Tưởng.
4 quan chức cấp cao khác của CNPC cũng đang bị điều tra, gồm Phó tổng giám đốc Li Hualin,người từng là thư ký của ông Chu. 3 “chiến hữu” khác của ông Chu đang bị điều tra, gồm Lý Xuân Thành, cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên và Guo Yongxiang, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh

Trung Trực (Thế giới & Hội nhập) (Trung Trực (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem