Thủy điện hiện hạ thấp mực nước hồ tạo thêm dung tích đón bão số 10

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 15/09/2017 09:41 AM (GMT+7)
Hiện nay, cùng với Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa), Hố Hô (Hà Tĩnh), A Vương (Quảng Nam), các đơn vị trực thuộc EVN tại các địa phương được dự báo bị ảnh hưởng bởi bão Doksuri đang tập trung cao độ để triển khai phương án ứng phó.
Bình luận 0

img

Tập đoàn điên lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã cử 6 đoàn công tác vào vùng dự báo bão Doksuri đổ bộ.

Cụ thể, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cử 2 đoàn công tác tại các khu vực: Nghệ An - Hà Tĩnh và Ninh Bình – Thanh Hóa; Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cử 2 đoàn công tác tại Quảng Bình và Quảng Trị; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cử 2 đoàn công tác tại khu vực Quảng Bình và Nghệ An – Hà Tĩnh.

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, các hồ chứa thuộc lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang) đang vận hành xả lũ theo lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Hiện tại, các hồ đang có dung tích phòng lũ cao.

Đối với các hồ thủy điện trong khu vực vùng bão như Trung Sơn (Thanh Hóa), Hố Hô (Hà Tĩnh), A Vương (Quảng Nam) đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ theo yêu cầu của các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh.

Ông Vũ Hữu Phúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Trung Sơn cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa, Thủy điện Trung Sơn đang xả với lưu lượng 1.000 m3/s (500 m3/s thông qua phát điện 4 tổ máy và 500 m3/s qua xả tràn). Lưu lượng nước về hồ hiện nay là 400 m3/s. Chính vì vậy, hồ Thủy điện Trung Sơn có dung tích phòng lũ lớn, sẵn sàng đảm bảo vận hành an toàn nếu có mưa lớn". 

Hiện nay, cùng với Thủy điện Trung Sơn, các đơn vị trực thuộc EVN tại các địa phương được dự báo bị ảnh hưởng bởi bão Doksuri cũng đang tập trung cao độ để triển khai phương án ứng phó. 

Trước đó, ông Trần Thanh Phong – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 (PTC 2) cho biết, đơn vị đang huy động mọi nguồn lực tập trung vào các tuyến đường dây truyền tải tại khu vực các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Trị.

“Hiện, Công ty và các đội truyền tải, các trạm biến áp đang ứng trực 24/24h và theo dõi sát sao diễn biến của bão” - ông Phong cho biết.

Với các vị trí có nguy cơ sạt lở, địa chất yếu, vùng có khả năng bị chia cắt,… ngoài phương án PCTT&TKCN chung theo quy định, Công ty còn yêu cầu các đơn vị lập phương án ứng phó sự cố lớn riêng tại từng vị trí.

Đơn vị cũng đồng thời tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để kiểm tra công tác phòng chống bão. Trong đó, tỉnh Quảng Bình là địa phương được dự báo có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ do Giám đốc Công ty trực tiếp có mặt chỉ đạo công tác ứng phó.  

Những trạm biến áp có nguy cơ ngập úng nếu mưa lớn kéo dài đã được khơi thông cống thoát nước, kênh rạch, lắp đặt cửa chắn nước. 

Cũng theo ông Phong, Công ty đã xây dựng kịch bản ở tình huống xấu nhất khi mưa bão gây sự cố làm tê liệt đường dây truyền tải điện Bắc - Nam. Vì vậy, 100% quân số và vật tư thiết bị dự phòng của đơn vị luôn đã ở trong trạng thái sẵn sàng được điều động nếu tình huống này xảy ra. 

Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc PC Nghệ An cũng cho biết, đến thời điểm này, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, vật tư, thiết bị, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”.

100% quân số được huy động trực bão để khắc phục nhanh nhất các sự cố lưới điện sau khi bão đổ bộ, trong đó ưu tiên các khách hàng trọng điểm như: Trạm bơm tiêu, chống úng; bệnh viện; các cơ quan trọng yếu như: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh… 

Tại Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh), theo ông Nguyễn Phúc Phong - Giám đốc Công ty, hiện các đoàn công tác của PC Hà Tĩnh đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

“Chúng tôi nhận định, bão đổ bộ, thiệt hại chủ yếu của hệ thống lưới điện là do cây cối đổ, gãy vào lưới điện. Do đó, đơn vị đang tăng cường lực lượng để giải phóng hành lang, đồng thời gia cố các vị trí cột điện có nguy cơ bị sạt lở” - ông Phong cho biết.

Cũng trong sáng nay, các Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Trị đã  khẩn cấp triển khai công tác chống bão số 10. Tại các địa điểm trực vận hành và những vùng dự đoán có thể bị cô lập do bão, mưa lũ đã được chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, lương thực, thuốc y tế, phương tiện thông tin liên lạc… trong ít nhất 5 ngày để chủ động khắc phục hậu quả bão lụt. 

Được biết, từ 17h hiều qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc lệnh đóng 1 cửa xả đáy đối với mỗi hồ thủy điện Sơn La và Tuyên Quang. 

Như vậy, sau 17h hôm qua, Thủy điện Tuyên Quang đóng toàn bộ cửa xả; hồ Sơn La còn mở 1 cửa xả; hồ Hòa Bình vẫn duy trì xả 3 cửa.

Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8473 CĐ/BCT-PCTT gửi các đơn vị trực thuộc về ứng phó với bão số 10.

Trong đó, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm tra công trình, nhà xưởng để gia cố, khơi thông hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư và tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của bão, mưa lũ gây ra.

Các đơn vị thủy điện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình; vận hành hồ chứa đúng quy trình, thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ và phát điện.

Các đơn vị truyền tải điện, phân phối điện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, tổ chức ứng trực tại các điểm, khu vực xung yếu để khắc phục nhanh các sự cố lưới điện; triển khai phương án đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng, công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt các trạm bơm tiêu, chống úng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem