Cấm đưa tạp chất vào thủy sản nhằm gian lận thương mại

Vân Ly Thứ sáu, ngày 24/11/2017 18:27 PM (GMT+7)
Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại là một trong 13 hành vi bị cấm được quy định trong Luật Thủy sản mà Quốc hội thông qua cuối ngày họp 21.11.
Bình luận 0

img

Hành vi đưa tạp chất vào thủy sản nhằm gian lận thương mại bị cấm theo Luật Thủy sản mới, có hiệu lực từ 1-1-2019

Với 437/441 ý kiến tán thành, chiếm 89% tổng số đại biểu Quốc hội, Luật Thủy sản đã được thông qua.

Ngoài hành vi bị cấm nêu trên, Luật Thủy sản còn quy định thêm 12 hành vi khác bị cấm gồm: khai thác, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến thủy sản từ khai thác bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại; dùng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và sử dụng giống thủy sản nằm ngoài danh mục được phép để nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản; sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác; hủy hoại nguồn lợi thủy sản, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản; lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển…

Thêm nữa, Luật Thủy sản cũng quy định cơ sở mua, bán, chế biến thủy sản phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Thủy sản được mua, bán, chế biến phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Mua, bán thủy sản tại các vùng công bố dịch bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Luật cũng quy định không được sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thủy sản đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng để bảo quản thủy sản, sản phẩm thủy sản.

Ngoài ra Luật Thủy sản còn quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Giống thủy sản nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng. Trường hợp nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

Tỉnh được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển

Về thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản, Luật Thủy sản quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 6 hải lý thuộc phạm vi quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý. Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trước khi Luật Thủy sản được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản.

Về nội dung cấp phép cho đối tượng người nước ngoài nuôi trồng thủy sản trên biển (Điều 39), ông Dũng cho biết một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật nhằm phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung này trong luật vì đây là vấn đề nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến của các đại biểu là xác đáng. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu và xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, dự thảo luật đã thể hiện nội dung này như tại Điều 39, giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời lưu ý trước khi quy định, Chính phủ phải báo cáo, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Quy định như vậy có thể huy động được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cho việcphát triển nuôi thủy sản xa bờ, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế biển đồng thời vẫn bảo đảm được quốc phòng, an ninh,” ông Dũng nói.

Ngoài ra Luật cũng quy định, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên phải có giấy phép khai thác thủy sản. Khai thác thủy sản bất hợp pháp (không có giấy phép, trong vùng cấm khai thác…) tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật Thủy sản gồm 9 chương, 105 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày luật mới này có hiệu lực thi hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem