7 kiến nghị "lay động" chính quyền Obama và hi vọng cho Việt Nam

Thứ ba, ngày 27/05/2014 07:11 AM (GMT+7)
Bản kiến nghị đề nghị chính quyền Obama trừng phạt Trung Quốc về giàn khoan Hải Dương-981 sắp cán mốc 100.000 chữ ký. Liệu khi kiến nghị này cán mốc, chính quyền Obama sẽ cho dư luận câu trả lời như thế nào?
Bình luận 0
"We the People" là sáng kiến của Nhà Trắng cho phép công dân Mỹ đề đạt những kiến nghị xung quanh các vấn đề mà họ quan tâm nhất, từ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thậm chí trục xuất Justin Bieber. Để một kiến nghị có hiệu lực cần phải thu thập ít nhất 100.000 chữ ký trong một tháng.

Kiến nghị trừng phạt Trung Quốc vì đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam trên trang web của Nhà Trắng
Kiến nghị trừng phạt Trung Quốc vì đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam trên trang web của Nhà Trắng

Xuất hiện trên trang web chính thức của Nhà Trắng từ ngày 13.5, bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Obama sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tính đến 6h sáng nay (27/5), đã có 82.657 người ký tên ủng hộ. Còn thiếu 17.343 chữ ký là cán mốc 100.000 để buộc chính quyền Tổng thống Obama đưa ra phản hồi cụ thể về vấn đề này.

Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng các biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, vài năm gần đây, Nhà Trắng đang chứng tỏ họ là cơ quan “thực sự biết lắng nghe, và sẵn sàng hành động”. Từ năm 2011, sau khi triển khai “We the People”, Nhà Trắng đã phản hồi hơn 200 kiến nghị trực tuyến và số lượng người tham gia góp ý kiến tăng 360%.

>> XEM THÊM: Kiến nghị Nhà Trắng trừng phạt Trung Quốc sắp cán mốc

Dưới đây là 7 kiến nghị táo bạo nhưng đã được chính quyền Obama xem xét và trả lời thỏa đáng.


1. Kiến nghị về kiểm soát súng ở Mỹ

6 ngày sau khi vụ xả súng ở một trường tiểu học Mỹ năm 2012, lần đầu tiên và là lần duy nhất tính đế nay Tổng thống Obama đã trực tiếp phản hồi tới 33 kiến nghị liên quan đến đạo luật kiểm soát súng ở Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng với sự chứng kiến của nhiều nhân viên thực thi pháp luật, các nghị sĩ và 4 em nhỏ từng viết thư gửi Tổng thống sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook, ông Obama đã hối thúc Quốc hội Mỹ khẩn trương phê chuẩn các đề xuất ông đưa ra bao gồm tái áp dụng một lệnh cấm đối với các loại vũ khí tấn công kiểu quân sự, giới hạn số lượng đạn mỗi băng đạn có thể chứa ở mức 10 viên đồng thời thông qua lệnh cấm tàng trữ và buôn bán các loại đạn xuyên áo giáp. Ngoài ra còn áp dụng việc kiểm tra lý lịch đối với toàn bộ người mua súng.

Luật kiếm soát súng ở Mỹ luôn là vấn đề
Luật kiếm soát súng ở Mỹ luôn là vấn đề "nóng bỏng"

2. Kiến nghị với giáo hội tin lành Westboro

Giáo hội Tin lành Westboro là một giáo phái cực đoan tại Mỹ, đứng đầu là Fred Phelps với niềm tin rằng “Chúa ghét bỏ người đồng tính”. Westboro Baptist Church bày tỏ quan điểm của mình bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình ở các đám tang quân sự và kết tội rằng mọi thảm kịch trên thế giới này đều là sự trừng phạt của Chúa.

Nhà Trắng đã nhận được liên tiếp 5 kiến nghị liên quan đến giáo hội này và trong phần phản hồi của mình, cơ quan này đã gọi “trò hề tang lễ” của Westboro là “đáng bị khiển trách” và nhắc nhở mạnh mẽ giáo hội này rằng: “Trong năm 2012, Tổng thống Obama đã ký một đạo luật yêu cầu những người biểu tình đứng cách xa các đám tang quân sự ít nhất gần 100m”.

3. Kiến nghị “xin” công thức bia bí mật của Nhà Trắng

Sau khi liên tục gây áp lực với Nhà Trắng trong khoảng tháng 8.2012-9.2012 để được chia sẻ “công thức bí mật” của loại bia mà Tổng thống Obama uống, cuối cùng những người mê bia của nước Mỹ đã được toại nguyện.

Dù chỉ 12.200 người Mỹ ký tên ủng hộ kiến nghị “bật mí” công thức sản xuất loại bia này, Nhà Trắng sau đó vẫn công bố một đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại các bước nấu loại bia “cây nhà lá vườn” ưa thích của Tổng thống Obama: bia mật ong và bia đen (được đặt tên là White House Honey Ale và White House Honey Porter).

Đầu bếp tại Nhà Trắng cũng tiết lộ loại bia mật ong này chính là đồ uống có cồn đầu tiên được nấu tại Nhà Trắng. Cả hai loại bia này đều sử dụng mật ong lấy từ các tổ ong của đệ nhất phu nhân Michelle Obama tại các khu vườn phía Nam.

img
Ông Obama uống bia tại Nhà Trắng
Ông Obama uống bia tại Nhà Trắng

4. Kiến nghị bảo vệ tự do ngôn luận

Từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, Internet toàn cầu đã "dậy sóng" bởi hai dự luật chống xâm phạm bản quyền nội dung số của Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Có thể tóm gọn rằng, SOPA (Stop Online Piracy Atc - Dự luật chống vi phạm bản quyền trên mạng) hay PIPA (Protect IP Act - Dự luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) được ra đời với một mục đích tốt nhưng lại đụng chạm trực tiếp đến tính “mở” của cộng đồng Internet.

Bởi vậy mà vào tháng 1.2012, đã có 113.000 người Mỹ ký tên kiến nghị lên Nhà Trắng, phản đối hai dự luật này. Sau đó Nhà Trắng đó có phản hồi “tích cực” đối với cộng đồng mạng khi cho rằng họ sẽ không hỗ trợ pháp lý cho những dự luật “làm giảm tự do ngôn luận, làm tăng nguy cơ an ninh mạng hoặc làm suy yếu sự năng động, sáng tạo của mạng Internet toàn cầu".

5. Chó Pitbull được kiến nghị “vô tội”
img

Việc một số bang tại Mỹ cấm nuôi giống Pitbull vì tính hung dữ đã dấy lên một làn sóng phản đối với những người yêu chó ở quốc gia này. Những người ủng hộ động vật đã kêu gọi chấm dứt đạo luật không công bằng đối với giống chó Pitbull này.

Tháng 8.2013, Nhà Trắng cuối cùng đồng ý với kiến nghị này. Trong văn bản trả lời cho kiến nghị trên, cơ quan này cho rằng đạo luật là một “ý tưởng tồi” và lệnh cấm với một số giống chó to lớn đa phần là không hiệu quả và thiếu thực tế.

6. Kiến nghị “bẻ khóa” điện thoại

Ngay sau khi Thư viện Quốc hội Mỹ công bố đạo luật cấm việc bẻ khóa điện thoại bất hợp pháp vào hôm 26.1.2013, một làn sóng phản đối mạnh mẽ đã dấy lên. Theo đạo luật này, các hoạt động bẻ khóa điện thoại mua sau ngày 26.1.2013 để chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp mạng khác sẽ chịu hình phạt có thể lên đến 5 năm tù giam và 500.000 USD.

Công dân Sina Khanifar đã khởi xướng một bản kiến nghị trên website của Nhà Trắng phản đối đạo luật trên, yêu cầu chính quyền Barack Obama cho phép hợp pháp hóa việc bẻ khóa điện thoại di động thu hút được 114.322 chữ ký.

Luật cấm bẻ khóa điện thoại gây tranh cãi lớn trong người dân Mỹ
Luật cấm bẻ khóa điện thoại gây tranh cãi lớn trong người dân Mỹ.

Trả lời kiến nghị này, Nhà Trắng đã hoàn toàn đồng ý, cho rằng người tiêu dùng nên được quyền bẻ khóa điện thoại của họ mà không bị khép tội hình sự hay các loại tội khác. Theo đại diện của Nhà Trắng, nguyên tắc này cũng nên áp dụng cho máy tính bảng, là thiết bị có chức năng ngày càng giống với smartphone.

7. Kiến nghị “xin” giảm nợ của sinh viên Mỹ

Trung bình mỗi sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học phải mang trên mình khoản nợ khoảng 25.250 USD, chưa kể các khoản chi thẻ tín dụng chưa thanh toán. Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên Mỹ mang nợ ngày càng nhiều là vì học phí của các trường đại học ngày càng cao. Năm 2010, học phí trung bình của trường đại học công lập hệ 4 năm ở Mỹ là 21.447 USD/năm và trường tư khoảng 42.224 USD/năm. Thậm chí, có trường thu học phí lên tới 54.000 USD/năm.

Bởi vậy mà trước Kiến nghị kêu gọi chính phủ hãy “thư thả” thu hồi các khoản vay sinh viên để kích thích nền kinh tế, Nhà Trắng đã đồng tình và giới thiệu một chính sách mới sẽ cho phép sinh viên hoàn trả vốn vay dựa trên thu nhập họ làm ra, chứ không bắt buộc là theo khung tiêu chuẩn trả nợ 10 năm như trước.

>> CẦN XEM: Cách ký tên ủng hộ kiến nghị trừng phạt Trung Quốc trên website Nhà Trắng
Bình Nguyên (theo Huffingtonpost) (Bình Nguyên (theo Huffingtonpost))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem