Chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở Iraq và Syria

Gia Khánh Thứ ba, ngày 01/07/2014 07:07 AM (GMT+7)
Ngày 30.6, lực lượng vũ trang Hồi giáo cực đoan tự xưng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIL), hiện đang tham chiến ở Syria và Iraq, tuyên bố thành lập một kiểu Nhà nước Hồi giáo thời trung cổ đã chấm dứt gần 100 năm trước cùng với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman.
Bình luận 0

Trong một đoạn băng ghi âm được đăng tải trên Internet, ISIL (gồm những người Hồi giáo dòng Sunni có quan điểm cực đoan) cho biết lãnh thổ của cái gọi là nhà nước này trải dài từ thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở miền Đông Iraq. ISIL yêu cầu những người Hồi giáo sinh sống tại khu vực này phải tuân lệnh và trung thành với thủ lĩnh mới. Theo người phát ngôn của ISIL, những người Hồi giáo dòng Shii'te không thể cùng chung sống với người Sunni và "đáng phải chết". ISIL cũng tuyên bố thủ lĩnh của nhóm này là Abu Bakr al-Baghdadi trở thành “nhà lãnh đạo của người Hồi giáo khắp mọi nơi”.

Tuyên bố của ISIL về thành lập nhà nước Hồi giáo trung cổ được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân người Sunni do ISIL đứng đầu nhằm vào nhiều thành phố, thị trấn ở phía Bắc và Đông Iraq. Trong gần 1 tháng kể từ khi bùng phát các cuộc giao tranh, đã có ít nhất 900 dân thường thiệt mạng và gần 700 người bị thương. Các vùng chiến sự ác liệt nhất diễn ra ở các tỉnh Nineveh, Salahudin và Diyala. Hiện hàng nghìn binh sĩ chính phủ Iraq đang giao tranh dữ dội với phiến quân để giành lại các thành phố bị chiếm giữ.

Trước tình hình xung đột leo thang, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng tại Iraq, đồng thời yêu cầu chấm dứt ngay lập tức việc bức hại dân thường dựa trên các lý do tôn giáo và sắc tộc. Theo ông Ban Ki-moon, mọi bên tham gia cuộc xung đột, trong đó có các nhóm vũ trang, ISIL, dân quân địa phương hay lực lượng an ninh quốc gia Iraq, cần tránh và ngăn ngừa tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường, đồng thời bảo đảm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, ước tính 20.000 công dân Ấn Độ đang cư trú tại Iraq và hiện còn khoảng 100 người bị kẹt tại vùng xung đột. Bộ này cho biết, 39 công dân Ấn Độ bị phiến quân bắt cóc 2 tuần trước tại Mosul, thành phố ở miền Bắc Iraq, hiện vẫn được an toàn. Hãng Hàng không quốc gia Ấn Độ (Air India) đã chuẩn bị sẵn 3 máy bay làm nhiệm vụ sơ tán công dân khỏi Iraq khi được yêu cầu. Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ đã triển khai 2 tàu chiến tới vùng Vịnh...

Trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC của Mỹ ngày 29.6, Tổng thống Mỹ B.Obama lo ngại những chiến binh người châu Âu tham gia phong trào thánh chiến ở Syria và Iraq đang là mối đe dọa đối với Mỹ, do các đối tượng này có thể dễ dàng nhập cảnh Mỹ mà không cần thị thực. Theo ông Obama, một số công dân châu Âu đã trở thành những chiến binh tham gia tích cực vào các phong trào thánh chiến ở Syria và Iraq. Họ không cần thị thực nhập cảnh vào Mỹ vì đã có hộ chiếu châu Âu. Vì thế, những người này có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, buộc giới chức nước này phải tăng cường củng cố năng lực do thám, trinh sát, tình báo cũng như phát huy vai trò của các lực lượng đặc nhiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem