Đua nhau phá rừng: Nhiều bất ổn

Thứ tư, ngày 30/05/2012 15:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở xã biên giới Mo Ray (Kon Tum), nơi có gần 40.000ha rừng được chuyển đổi, sự đổi thay của việc phát triển cao su trên diện tích rừng nghèo có chăng chỉ là những cánh rừng bị cạo trọc.
Bình luận 0

Chủ trương phát triển cao su trên diện tích rừng nghèo nếu làm bài bản thì bộ mặt địa phương - nơi có các dự án, sẽ “thay da đổi thịt”; nhiều dân nghèo sẽ có việc làm, cơ sở hạ tầng được xây dựng... Nhưng ở Mo Ray, nơi có gần 40.000ha rừng được chuyển đổi, 86% dân số nghèo, sự đổi thay có chăng chỉ là những cánh rừng bị cạo trọc.

Ưu ái bất thường

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) đã được HĐND tỉnh Kon Tum thông qua (Nghị quyết số 18, ngày 14.12.2006) và được Chính phủ phê duyệt (Nghị quyết số 43, ngày 31.7.2007), tỉnh Kon Tum chỉ được phép chuyển đổi hơn 10.000ha đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Tuy nhiên, đến hết năm 1011, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 42.200ha, (39.132ha trồng cao su, chủ yếu ở Mo Ray). Trong đó chỉ trong 2 năm 2010 và 2011, tại Mo Ray đã có đến gần 30.000ha rừng được chuyển đổi sang trồng cao su.

img
Không có việc làm, nhiều người dân Mo Ray chỉ biết tụ tập tán gẫu cho qua ngày.

Theo ông Nguyễn Kim Phương - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum thì để được thuê rừng doanh nghiệp phải đảm bảo 2 tiêu chí quan trọng đó là có năng lực tài chính và kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng. Trong giai đoạn 2006-2008, hai công ty của Binh đoàn 15- một đơn vị làm ăn kinh tế rất lớn mạnh trên Tây Nguyên- nhận được gần 4.000ha.

Sau khi triển khai thực hiện dự án, Công ty 78 (Binh đoàn 15) trở thành “điểm sáng” duy nhất ở Mo Ray. Đời sống nhân dân trong vùng dự án đã có những đổi thay rõ rệt nhờ việc phát triển hạ tầng cơ sở và sự quan tâm đặc biệt đến đời sống đồng bào tại chỗ. Các điểm, cụm dân cư được xây dựng; có nhà trẻ khép kín đảm bảo nuôi dạy 2 nhóm trẻ và mẫu giáo, có trường tiểu học cho 100 cháu học bán trú và dự kiến đến năm 2015, sẽ xin lập trường THCS; Công ty còn đầu tư 1 bệnh xá có quy mô 20 giường, đáp ứng yêu cầu điều trị, chữa bệnh cho người lao động…

Thế nhưng trong giai đoạn 2009- 2011, mặc dù diện tích chuyển đổi trồng cao su của tỉnh này rất lớn (gần 36.000ha) nhưng Công ty 78 không nhận được một tấc đất nào. Chúng tôi liên lạc với giám đốc Công ty 78 để hỏi lý do, ông này cười nhạt: “Thôi hỏi làm gì nữa. Hoàn Con nó lấy hết rồi mà”.

Trong giai đoạn 2009- 2011, có 5 doanh nghiệp được nhận phân nửa diện tích chuyển đổi, số còn lại là 17.074,9 ha, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân và Công ty cổ phần Sâm Ngoc Linh (thực ra là cùng một chủ) “ôm” trọn.

Theo ông Nguyễn Kim Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kon Tum, thì việc phân chia này là “hài hòa”. Ông Phương cho biết, việc chuyển đổi này tốn hàng ngàn tỷ đồng. Làm sao một doanh nghiệp mà làm được? “78 không thể làm nổi đâu. 78 mỗi năm chỉ giỏi lắm làm được 1.000ha thôi. Đáng lẽ toàn bộ dự án này là của Binh đoàn 15 hết, Tỉnh ủy mời Binh đoàn 15 lên giao nhưng ổng có nhiều cái nên bỏ bớt đấy chứ”- ông Phương lấp lửng.

Theo quy định của tỉnh Kon Tum, để nhận được một ha rừng, doanh nghiệp phải đóng 16 triệu đồng. Đến giữa tháng 3.2012 số tiền này các doanh nghiệp còn nợ lại là hơn 108,876 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng Duy Tân đã nợ đến hơn 107, 021 tỷ đồng. Duy Tân có tất thảy 11 dự án với tổng số tiền phải đóng là hơn 117 tỷ đồng, nhưng đến 16.3.2012, đơn vị này chỉ mới đóng được tròn 10 tỷ đồng. Như vậy xem ra năng lực kinh tế của Duy Tân cũng chẳng có gì nổi trội nếu không muốn nói là khó khăn. Thế mà chỉ trong 3 năm Duy Tân và “con” của mình lại được tỉnh ưu ái cho “ôm” đến hơn 17.000ha rừng để trồng cao su?

Tỉnh, doanh nghiệp đều… bất ổn

Tại Công văn số 2556/UBND-NĐ ngày 3.12.2007, do ông Đào Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký, mục 5 ghi rõ: “Thống nhất để lại các tiểu khu 710, 717 để UBND huyện Sa Thầy bố trí đất sản xuất cho nhân dân. Riêng tiểu khu 694 sau khi trừ diện tích Công ty 78 đã trồng cao su, số diện tích còn lại để bố trí đất sản xuất cho dân”.

Thế nhưng trong Thông báo số 76, cũng là ý kiến kết luận của ông Quý, lại nêu: “Thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum khảo sát trồng cao su và rừng sản xuất… tại các tiểu khu 694, 710, 717”. Cũng trong Công văn 76, tỉnh đã nhắc đến Công văn 2556, thế nhưng chẳng rõ vì sao ông Quý vẫn kết luận một cách khó hiểu như vậy.

Theo quy định của tỉnh Kon Tum, để nhận được một ha rừng, doanh nghiệp phải đóng 16 triệu đồng. Đến giữa tháng 3.2012 số tiền này các doanh nghiệp còn nợ lại là hơn 108,876 tỷ đồng.

Trong khi các đơn vị khác ít nhiều đều quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống công nhân, thì Duy Tân và Ngọc Linh dù “ôm” một diện tích đất khổng lồ và chắc chắn cũng sẽ cần một lượng lớn lao động, công tác này lại bỏ ngỏ. Theo quan sát của chúng tôi, đến nay cơ sở hạ tầng của 2 đơn vị này hầu như không có. Trong khi đó, nơi đóng chân của 2 đơn vị này bị chia cắt bởi Thủy điện Sê San 4 nên việc đi lại rất khó khăn.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum thì hiện 2 đơn vị này đang cho xây dựng văn phòng làm việc, trạm y tế, nhà trẻ... và “dự kiến” sẽ tuyển hàng trăm lao động tại địa phương. Rõ ràng, đấy chỉ là cách nói trong báo cáo. Bởi theo thực tế thì hai đơn vị này hầu như chỉ lo “việc khác”- những việc mà người dân Kon Tum đều rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem