Giữa lùm xùm, Hà Nội “chốt” xây dựng bến xe Yên Sở

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 05/12/2018 12:45 PM (GMT+7)
Ngày 5.12, Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Bình luận 0

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, mục tiêu tiêu quy hoạch đáp ứng các tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại. Cụ thể hóa định hướng quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trong các quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; Xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất, hình thức xây dựng từng đối tượng được quy hoạch...

Với nội dung mạng lưới bến xe khách liên tỉnh, theo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hiện các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có (gồm 4 bến; Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm).

img

Trong giai đoạn trung hạn xây dựng bến xe khách Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ cho các bến xe hiện có. Ảnh: T.A

Trong giai đoạn trung hạn xây dựng bến xe khách Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,4 ha để hỗ trợ cho các bến xe hiện có, về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành Bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4) thì các bến xe khách Yên Sở và Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe (các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về Bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam).

Dài hạn quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm (gồm: Bến xe khách phía Bắc- 10ha; Bến xe khách Đông Anh- 5,3 ha; Bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe cổ Bi) 10,4 ha; Bến xe khách phía Nam 10 ha; Bến xe khách Yên Nghĩa- 7 ha; Bến xe khách phía Tây- 0,5 ha; Bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng)-15 ha).

Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch các bến xe khách theo định hướng quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt (gồm: Đô thị vệ tinh Phú Xuyên - 1 bến, 5 ha; Đô thị vệ tinh Xuân Mai -  2 bến, 6 ha; Đô thị vệ tinh Hòa Lạc - 3 bến, 15 ha; Đô thị vệ tinh Sơn Tây - 4 bến, 10,6 5 ha; Đô thị vệ tinh Sóc Sơn- 3 bến, 7,5 ha).

Về đầu tư xây dựng bến xe khách, Hà Nội dự kiến đầu tư 5 dự án bến xe khách liên tỉnh (gồm các bến: Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, bến phía Nam và bến Sơn Tây 1), tổng mức đầu tư dự báo khoảng 2.300 tỷ đồng.

Bến xe tải, dự kiến đầu tư 5 dự án bến xe tải (gồm các bến: Yên Viên, bến phía Nam, bến cổ Bi phía Đông, bến Khuyến Lương và bến Hà Đông), tổng diện tích 57 ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 2.570 tỷ đồng.

Trung tâm tiếp vận: dự kiến đầu tư 4 dự án (gồm: trung tâm tiếp vận phía Đông, Đồng Bắc, phía Bắc và phía Nam), tổng diện tích 39ha, tổng mức đầu tư dự báo 1.950 tỷ đồng.

Bãi đỗ xe công cộng, dự kiến đầu tư 204 dự án tập trung tại khu vực nội đô, diện tích đỗ xe khoảng 183,56 ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 29.872 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa).

Còn giai đoạn 2025-2030, đầu tư các dự án bến xe khách tại các đô thị vệ tinh với 12 dự án (gồm các bến: Phùng, bến phía Tây, Cam Thượng, Xuân Khanh, Bắc Hòa Lạc, Nam Hòạ Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Phú Xuyên, Mai Đình, Tân Minh), tổng diện tích khoảng 57 ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 3.254 tỷ đồng.

Bến xe tải; đầu tư các dự án bến xe tải tại các đô thị vệ tinh với 8 dự án (gồm các bến: Phùng, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phụng Hiệp, Phú Xuyên, Sóc Sơn), tổng diện tích khoảng 83 ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 3.850 tỷ đồng. 

Trung tâm tiếp vận, dự kiến đầu tư 5 dự án còn lại (trung tâm tiếp vận phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Phú Xuyên 1 và Phú Xuyên 2), tổng diện tích 49 ha, tổng mức đầu tư dự báo 2.500 tỷ đồng.

Bãi đỗ xe công cộng: dự kiến đầu tư các dự án bãi đỗ xe công cộng chưa đầu tư trong phạm vi đô thị trung tâm với khoảng 1334 dự án, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 232.723 tỷ đồng.

Trước đó, sau khi nhận được công văn 4638/UBVND-ĐT của UBND TP.Hà Nội đề nghị có ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã có Văn bản số 12222 phúc đáp.

Trong đó, Bộ GTVT nêu quan điểm "không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4 mà cần có sự kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm", như các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... đã thực hiện.

Đối với các bến xe liên tỉnh hiện nay như bến Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát,... cần được quy hoạch ổn định và nâng cấp thành bến xe nhiều tầng.

Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như bến xe Yên Sở được nêu trong quy hoạch) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của TP.

Cũng góp ý cho quy hoạch của Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị các bến xe phải có bán kính phục vụ, tính khả thi kết nối giao thông công cộng, cũng như tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng, đấu thầu công khai các dự án đầu tư bến xe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem