Khách sạn 5 sao và cách ứng xử với người dân trú mưa

Quốc Phong Chủ nhật, ngày 01/09/2019 07:35 AM (GMT+7)
Trong lối ứng xử ở đời, chúng ta đã chứng kiến, nhiều khi chỉ sai một ly là có thể đi một dặm. Với doanh nghiệp, nhiều khi chỉ do một cách ứng xử thiếu tính nhân văn hoặc đầy tính nhân văn, mọi chuyện sẽ có một kết cục khác.
Bình luận 0

Vâng, rất khác! Một câu chuyện mới toanh, là vụ nhân viên khách sạn 5 sao Grand Plaza (Hà Nội) đuổi người dân dừng xe vào trú mưa giông hôm 29/8 vừa rồi tại sảnh khách sạn. Và một câu chuyện cũ, khi ông Chúa đảo Tuần Châu 4 năm về trước ra thông báo, hân hạnh mời người dân thành phố Hạ Long sang ăn nghỉ tại khu du lịch Tuần Châu để tránh trận lũ kinh hoàng tràn về vùng đất mỏ hồi tháng 7/2015. Hai câu chuyện là hai thái cực đáng phải suy nghĩ với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn thành công.

Vụ việc tại khách sạn Grand Plaza xảy ra khi cơn bão số 4 lướt nhẹ qua vùng thủ đô. Bữa đó, Hà Nội có nhiều chỗ cây cối đổ ngổn ngang và có cả người chết vì cây đè. Chính điều này đã khiến người dân càng hết sức bất bình khi xem đoạn clip được tung lên mạng, trong đó nhân viên khách sạn đã đuổi 2 người phụ nữ cùng 2 cháu nhỏ, không cho họ dừng xe trú cơn mưa giông đang rất lớn.

Bài đọc nhiều

Nhiều người rất bức xúc khi chứng kiến cách ứng xử vô cảm của nhân viên khách sạn Grand Plaza 5 sao, khiến “khách sạn dát vàng đầu tiên của Hà Nội” ấy bị mất điểm nghiêm trọng và "tụt sao" nhanh đến chóng mặt. Không ít bình luận cho rằng, khách sạn 5 sao mà ứng xử lại không đáng 1 sao.

Khách sạn thì bao biện rằng do lúc đó đang chuẩn bị đón khách VIP nên không thể dừng xe máy chỗ này được mà cần dời ra chỗ khác. Thế nhưng dù bao biện thế nào thì cũng không tránh được cơn bão mạng xả xuống khách sạn, để rồi họ buộc phải gỡ fanpage của mình do có quá nhiều người vào "đánh" tơi tả, làm họ tụt hạng sao nhanh chóng.  

img

Nhân viên khách sạn 5 sao Grand Plaza đuổi người trú mưa khiến dư luận bức xúc.

Đây chắc chắc sẽ là một bài học trong kinh doanh khá đắt để mọi doanh nghiệp khác cùng học và cùng rút kinh nghiệm về lối ứng xử. 

Tôi tin rằng những vị lãnh đạo khách sạn này đã không biết, hoặc không nhớ đến một câu chuyện khác, cũng là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn như họ, đã ứng xử ra sao khi thành phố Hạ Long, Quảng Ninh 4 năm về trước từng phải hứng chịu một "cơn đại hồng thuỷ" khiến bao người mất nơi trú mưa, tránh lũ tràn về. 

Tôi từng viết về chuyện này nên rất nhớ. Thông báo ngày đó được Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển đưa ra cho hay, được biết đêm 31/7, TP. Hạ Long tiếp tục sẽ có trận mưa to sau trận lũ kinh hoàng tràn về bất ngờ, để góp phần chia sẻ những khó khăn với địa phương, Tập đoàn Tuần Châu mời nhân dân vùng lụt đến ăn ở miễn phí tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu. Và cũng theo thông báo trên, Tuần Châu có thể đảm bảo hậu cần cho khoảng 10.000 người đến tạm trú. 

Tôi cũng được biết, trận lũ đã hạ dần mức nước dâng nên lượng người xin đến trú ngụ sau đó không nhiều. Song, nghĩa cử của ông Đào Hồng Tuyển là rất thật lòng. Ngay sau khi tỉnh Quảng Ninh ra lời kêu gọi giúp đỡ, đóng góp ủng hộ người dân chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ, ông Đào Hồng Tuyển thông qua Quỹ xã hội - từ thiện của báo Quảng Ninh đã tặng chiếc siêu xe Rolls Royce Phantom đang sử dụng trị giá hàng chục tỷ đồng để bán đấu giá. Đồng thời, ông Tuyển đã ủng hộ 2 tỷ đồng tiền mặt cho người dân bị thiệt hại bởi mưa lũ thông qua Ban Cứu trợ tỉnh...

Nghĩ lại 2 câu chuyện, cả mới và cả cũ, ở các đơn vị kinh doanh ngành du lịch - khách sạn, tôi cảm thấy đó quả là những câu chuyện hy hữu nhưng rất đáng suy nghĩ nếu ai đó muốn tạo môi trường kinh doanh tốt, có đạo đức cho chính họ. Muốn doanh nghiệp mình tạo nên thương hiệu giá trị, có uy tín với xã hội và muốn lan toả điều tốt, nhân văn trong cộng đồng, điều cần làm trước tiên, không gì khác, phải bắt đầu từ cái tâm thật tốt!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem