"Không phải Việt Nam dựa vào Mỹ để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông"

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 30/08/2019 06:23 AM (GMT+7)
Trước một số luồng thông tin cho rằng Việt Nam đang dựa vào Mỹ để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông, trò chuyện với Dân Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình đã đưa ra những thông tin phản bác lại.
Bình luận 0

Liên quan đến việc Trung Quốc có hành vi xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở bãi Tư Chính, theo dõi thông tin quốc tế thấy Mỹ là quốc gia lên tiếng nhiều nhất để phản đối Trung Quốc. Từ đó, có không ít bài viết của báo chí nước ngoài cho rằng Mỹ ủng hộ Việt Nam; Việt Nam cần xích lại gần với Mỹ để đối phó Trung Quốc...

Tuy nhiên trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải, Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối, quan điểm rất rõ ràng, nhất quán, không có chuyện dựa vào nước nọ để . PV Dân Việt có trao đổi với Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao để thấy rõ hơn vấn đề.

img

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (ảnh IT).

Lý do Mỹ phản đối Trung Quốc 

Thưa ông nhìn trên bình diện quốc tế, Mỹ là quốc gia lên tiếng nhiều nhất trước việc Trung Quốc có hành vi ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Từ đó nhiều bài viết trên báo chí nước ngoài và một phần dư luận trong nước cho rằng Mỹ đang giúp Việt Nam trước hành động của Trung Quốc; Việt Nam cần phải xích lại với Mỹ, dựa vào Mỹ để đối phó Trung Quốc... Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Đối với việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của ta, dư luận quốc tế, nhất là chính giới nhiều nước đã lên tiếng khá nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là phía Mỹ đã liên tục tỏ thái độ phê phán Trung Quốc, không chỉ cản trở tự do hàng hải mà còn ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam.  Trước hết, chúng ta hiểu rằng lợi ích của Mỹ và các nước gắn chặt với tự do hàng hải, tự do hàng không trên con đường vận tải quan trọng hàng đầu trên thế giới này.

Trong mấy chục năm qua, Trung Quốc liên tục có những hành động từng bước mở rộng ảnh hưởng và lấn chiếm Biển Đông, và gần đây, đã và đang ráo riết tôn tạo, bồi đắp các đảo ngầm mà họ dùng vũ lực để chiếm đóng và xây dựng các cấu trúc quân sự trên đó nhằm kiểm soát và tiến tới độc chiếm Biển Đông. 

img

Nhà giàn DK1 cột mốc chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Đặc biệt, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu HD08 xâm phạm và hoạt động phi pháp tại khu vực Bãi Tư Chính, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thể hiện rõ Trung Quốc cố tình khẳng định đường 9 đoạn phi lý, bất chấp Công ước Liên hợp quốc về biển (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc đã tham gia. Rõ ràng, hành động của Trung Quốc không những đe doạ tự do hàng hải mà còn thể hiện sự áp đặt nước lớn đối với các nước láng giềng. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Mỹ và các nước đồng minh đang triển khai. Đó là lý do vì sao Mỹ liên tục tỏ thái độ phản đối đối với hành động của Trung Quốc.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta luôn phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp, thưa ông?

- Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc, chúng ta luôn phải đối phó với các đối thủ mạnh gấp nhiều lần, nhưng chúng ta đều chiến thắng nhờ ý chí quật cường và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, chúng ta đã tranh thủ được tình đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nên đã chiến thắng vẻ vang.

img

Hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông gây bất ổn cho khu vực (ảnh IT).

Sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc hiện nay diễn ra trong tình hình thế giới và khu vực rất phức tạp. Tuy nhiên những kinh nghiệm về đoàn kết quốc tế vẫn là nhân tố hết sức quan trọng.

Mặc dù, Mỹ cũng như hầu hết các nước khác đều giữ lập trường trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông nhưng việc Trung Quốc nêu yêu sách về đường 9 đoạn, coi 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc và ráo riết thực hiện yêu sách đó đang thực sự đe doạ quyền tự do đi lại của tàu bè và máy bay của tất cả các nước qua khu vực này. Hơn thế nữa, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc còn lấn sâu vào các vùng nước thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước láng giềng khác đang thách thức chủ quyền và an ninh của các nước trong và ngoài khu vực. Điều quan trọng nữa là trong khi chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý thì yêu sách của Trung Quốc chỉ thể hiện tham vọng đơn phương, chứ không có bất cứ bằng chứng lịch sử nào và hoàn toàn trái ngược với Công ước LHQ về biển (UNCLOC 1982).

Đặc biệt, phán quyết của Toà trọng tài về biển đối với Đơn khởi kiện của Philippin năm 2016 đã bác bỏ hoàn toàn Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc cũng như hành động tôn tạo, bồi đắp và quân sự hoá các bãi đá ngầm của họ. Sự lên tiếng của Mỹ cùng chính giới của nhiều nước, lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, của nhiều nhân sĩ, học giả và nhà báo trên thế giới và các hành động bảo vệ tự do hàng hải của các nước hữu quan rất có lợi  cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta, góp phần hạn chế tham vọng và các hành vi lấn chiếm và áp đặt của Trung Quốc, qua đó bảo vệ lợi ích chung là hoà bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông và khu vực.

Quan điểm của Việt Nam luôn nhất quán

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải và điều đó luôn nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài nước. Theo ông, thời điểm hiện nay chúng ta nên có những ứng xử thế nào đối với vấn đề Biển Đông?

- Bảo vệ chủ quyền biển đảo là sự nghiệp thiêng liêng của chúng ta. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý, lợi ích của chúng ta gắn liền với hoà bình, ổn định và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực nên tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của dư luận khu vực và quốc tế. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của chúng ta là yêu cầu tuân thủ nghiêm chỉnh và đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hoà bình, thông qua thương lượng kể cả song phương và đa phương, phản đối mọi hành vi áp đặt và thay đổi hiện trạng, những hành động gây sức ép và cản trở việc Việt Nam thực hiện quyền thăm dò và khai thác tài nguyên, kể cả việc hợp tác với các đối tác quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chúng ta tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế xuất phát từ lợi ích quốc gia và lợi ích chung của ta với các nước, không có nghĩa là Việt Nam đi với bên này chống bên kia trong cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực. Tại cuộc họp AMM-52 và các diễn đàn liên quan mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, bằng lập trường nhất quán và thái độ kiên quyết, đã vạch rõ việc Tàu khảo sát HD08 của Trung Quốc, cùng nhóm tàu hộ tống vi phạm vùng biển bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông như Trung Quốc tuyên bố, đồng thời nêu những biện pháp khách quan, xây dựng và hữu nghị để giải quyết vụ việc.

Lập trường và thái độ đó đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần chuẩn bị các biện pháp pháp lý nếu các cuộc đàm phán và đấu trang dư luận không đạt kết quả. 

Hiện nay, chúng ta đang kiên trì kêu gọi các nước ASEAN cùng Trung Quốc nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh đàm phán để sớm đạt được Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC). Điểm khác biệt căn bản giữa DOC và COC là ở tính ràng buộc về pháp lý và trách nhiệm bắt buộc của các bên tham gia COC nên chúng ta yêu cầu nội dung COC phải thực chất, có hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững. 

Xin cảm ơn ông (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem