Quyền lực là thuốc độc?

Chủ nhật, ngày 16/09/2012 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 2008 đến nay, trên khắp thế giới, có 13 trường hợp nguyên thủ quốc gia chết khi đang cầm quyền - trong đó có đến 10 ở châu Phi. Tại sao điều này thường xảy ra trên lục địa đen?
Bình luận 0

Đám đông thắp đèn cầy đi theo xe tang chở thi hài Meles Zenawi, khi xe chạy ngang Addis Ababa, thủ đô Ethiopia vào thứ ba ngày 21.8.2012. Ông qua đời ở tuổi 57, sau cơn bệnh kéo dài. Hồi đầu tháng, hàng chục ngàn người Ghana dự đám tang tổng thống mới đây của họ, John Atta Mills. Ông bất ngờ qua đời khi 68 tuổi.

Trước đó 4 tháng, Malawi tuyên bố cả nước được nghỉ để dân chúng có thể dự đám tang tổng thống vừa qua đời, Bingu wa Mutharika, chết do bệnh tim mạch, ở độ tuổi 78.

img
Đám tang Tổng thống Ghana John Atta Mills, ông qua đời lúc 68 tuổi

Và hồi tháng một, Tổng thống Guinea Bissau, Malam Bacai Sanha, chết tại một bệnh viện quân sự ở Paris sau khi bị bệnh dài ngày - ở tuổi 64. Như vậy, 4 nguyên thủ quốc gia tại chức của châu Phi đã qua đời chỉ từ đầu năm đến nay.

Nếu tính từ 2008, 10 nhà lãnh đạo châu Phi đã chết khi tại chức. Trong cùng thời gian ấy chỉ có 3 lãnh đạo quốc gia khác trên khắp thế giới qua đời - Kim Jong-il của CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Lech Kazynski của Ba Lan (chết trong một tai nạn máy bay), và David Thomson của Barbados (chết do ung thư).

Gián đoạn cầm quyền tại đất nước là mối quan tâm, thêm đau buồn cho gia đình các lãnh đạo. Nhưng chúng ta thử xem xét vấn đề ở một khía cạnh khác: Tại sao các tổng thống châu Phi thường chết lúc đang cầm quyền?

Nổi lên là tuổi tác: Câu trả lời dễ nhận ra nhất là các lãnh đạo châu Phi thường lớn tuổi hơn lãnh đạo ở các châu lục khác - kính trọng người già nằm trong nền văn hóa của nhiều nước tại châu Phi. Có đúng như vậy?

Chỉ một phần. Thực tế, tuổi trung bình của các lãnh đạo châu Phi là 61 – bằng với châu Á. Các lãnh đạo châu Âu có tuổi bình quân trẻ nhất, 55; trong khi ở Nam Mỹ là 59. Nhưng cần xét thêm một điều nữa liên quan là tuổi thọ của dân số nói chung: Về điểm này châu Phi thấp hơn châu Âu, châu Mỹ La tinh và châu Á. Một phần có nguyên nhân từ những vấn đề như sự thịnh hành của HIV/AIDS và chăm sóc y tế nghèo nàn dẫn đến tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao hơn hẳn.

Nghèo trong thời thơ ấu và khi sớm vào đời có thể gây ảnh hưởng lâu dài, theo TS George Leeson, nhà lão khoa Đại học Oxford, giải thích: “Các tổng thống châu Phi, trước khi được bầu, thường có cuộc sống tương đối thiếu thốn, và kiểu sống thiếu thốn này sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của họ. Cho nên dù một khi đã bước chân vào văn phòng tổng thống, cuộc sống của họ khá hơn hẳn so với dân chúng trong nước nói chung, giúp họ sống lâu hơn so với những người này, nhưng vẫn không thể so với tuổi thọ chung của loài người”.

Tuy nhiên, điều ai cũng nhận thấy là đâu phải tất cả lãnh đạo châu Phi đều có tuổi thơ nghèo khổ. Lại thêm một yếu tố khác thêm vào là chính trị? Khuôn sáo ở châu Phi là các lãnh đạo cứ cố bám vào quyền lực cho đến khi nào còn có thể. Nhưng điều này dường như không mấy khớp với giải thích.

Nhà báo Simon Allison của BBC nói: “Đúng là có một vài nhà lãnh đạo qua đời khi đang tại chức, nhất là Omar Bongo, Conte và Gaddafi. Tất cả họ đều là những nhà độc tài già khú chẳng bao giờ tự nguyện rút lui. Nhưng những người khác lại không phải vậy. Meles Zenawi bám vào quyền lực một thời gian dài, nhưng chỉ mới 57 tuổi. Và tất cả những người khác cũng còn trong hạn tuổi cho phép theo hiến pháp và thậm chí còn khỏe như vâm”.

Điều quan trọng cần ghi nhận là, các số liệu trên đây mới chỉ tính đến những cái chết của các lãnh đạo thế giới còn tại chức từ 2008. Có thể con số tử vong của lãnh đạo châu Phi trong khoảng thời gian này là thống kê chưa hẳn mang tính tiêu biểu. Dù gì đi nữa, những cái chết như vậy tạo nên tình trạng không rõ ràng. Lãnh đạo đang cầm quyền qua đời hình thành những khoảng trống quyền lực, có thể gây nguy hiểm và bất ổn.

Simon Allison nói: “Hãy nhìn vào điều đã xảy ra ở Guinea Bissau. Khi Sanha qua đời, cú đảo chính diễn ra chẳng bao lâu sau. Đây là một tình hình khó khăn cho châu Phi để tự tìm cách giải quyết, vì lịch sử cho thấy chẳng mấy tốt cho một đất nước khi trống vắng quyền lực”.

Tuy nhiên, ông tin cũng có vài lý do để lạc quan: “Ở Zambia, Malawi, Ghana và Nigeria, cái chết của tổng thống có người kế vị theo đúng hiến pháp với bạo lực và tranh cãi tối thiểu, và tôi nghĩ đây là dấu hiệu hết sức đáng khích lệ cho sự phát triển của châu Phi”.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem