Tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông: Mỹ hối thúc đối thoại

Thứ tư, ngày 22/08/2012 09:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối với tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ hối thúc 2 nước này không can dự vào các cuộc khiêu khích và thay vào đó là bước vào đối thoại.
Bình luận 0

Trong một bài viết đăng trên tờ “Wall Street” ngày 20.8, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Virginia của Mỹ ông James Webb nhận định, cuộc tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông hiện nóng hơn bao giờ hết, chủ yếu là do các hành động ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc...

Ông Webb nhấn mạnh, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở nên thịnh vượng hơn thì các vấn đề chủ quyền cũng trở nên quyết liệt hơn. Trong 2 năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã công khai va chạm xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

img
Thượng nghị sĩ James Webb cho rằng, Trung Quốc có nhiều hành động hiếu chiến trên Biển Đông. Ảnh: JWV

Nga và Hàn Quốc cũng đã tái khẳng định yêu sách chủ quyền ở các vùng biển hiện do Nhật Bản kiểm soát. Trung Quốc, Việt Nam, Philipines, Brunei và Malaysia đều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Các tranh chấp này không chỉ liên quan tới niềm tự hào lịch sử, mà còn liên quan tới những vấn đề sống còn như quá cảnh thương mại, quyền đánh bắt cá và các hợp đồng khai thác dầu khí ở các vùng biển xung quanh các quần đảo này. Ông Webb nhận định, không nơi nào tình hình căng thẳng lại rõ ràng hơn các cuộc tranh chấp đang ngày càng quyết liệt ở Biển Đông.

Trong bài viết, Thượng nghĩ sĩ James Webb đã liệt kê một loạt động thái mới đây mà ông cho rằng, đó là hành động hiếu chiến của Trung Quốc, trong đó có việc thiết lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm vốn không có cư dân, không có nguồn cung cấp nước ngọt nhưng có một đường băng quân sự, một trạm bưu điện, một ngân hàng, một cửa hàng tạp hóa và một bệnh viện.

Ngày 22.7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ triển khai một đơn vị quân đội bảo vệ các đảo trong khu vực này. Ngày 31.7, Trung Quốc thông báo chính sách mới về "lực lượng tuần tra chính quy sẵn sàng chiến đấu" ở Biển Đông. Trung Quốc hiện cũng gọi thầu tại các khu vực mà cộng đồng quốc tế công nhận nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Webb cho rằng, Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ Đông Á hiện đứng trước một sự thật là trong lúc các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền thì vẫn có những hành động vi phạm và hiếu chiến. Việc giải quyết tình trạng này không chỉ có ý nghĩa đối với Biển Đông, mà còn vì sự ổn định của Đông Á và tương lai quan hệ Mỹ-Trung.

Chính sách của Mỹ liên quan tới vấn đề chủ quyền ở các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương là không đứng về bất kỳ bên nào và các vấn đề như vậy cần phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan. Ngoài vấn đề Biển Đông, đối với tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ cũng hối thúc 2 nước này là không can dự vào các cuộc khiêu khích và thay vào đó là bước vào đối thoại để giải quyết tranh chấp về quần đảo Senkaku.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem