Trung Quốc vơ vét sữa bột "xách tay" từ châu Âu

Chủ nhật, ngày 14/04/2013 15:44 PM (GMT+7)
Những mạng lưới buôn sữa bột cho trẻ em đáp ứng nhu cầu ở Trung Quốc đã quét sạch các kệ hàng ở châu Âu và Australia, nhưng vẫn chưa đủ để đưa sữa bột "xách tay" về quốc gia đông dân nhất hành tinh.
Bình luận 0

Các bậc cha mẹ Trung Quốc bị ám ảnh bởi những vụ bê bối sữa bột nhiễm độc ở nước này sẽ trả những cái giá rất cao, gấp ba-bốn lần so với các nhãn hiệu nội địa, để mua sữa bột xách tay từ châu Âu, nơi các cửa hàng đang phải hạn chế lượng bán ra vì không đáp ứng kịp nhu cầu.

img
Dân Trung Quốc không mặn mà với sữa nội (Nguồn: AFP)

Ngay cả những người mua Trung Quốc ở châu Âu cũng đang than phiền. "Ngày càng khó mua sữa bột, tôi ngày càng phải đi xa hơn", một phụ nữ giấu tên, chỉ nói họ là Shao, sống ở Đức có quảng cáo bán sữa bột cho trẻ em trên mạng nói.

Bà là một người trong cả đội quân buôn sữa xách tay về Trung Quốc từ khắp châu Âu, quét sạch các kiện hàng và buộc một số cửa hàng phải hạn chế lượng mua. Trang mạng tương đương với eBay của Trung Quốc, Taobao, có danh sách hơn 4.000 sản phẩm sữa từ Đức, số tương tự từ Anh và gần 3.000 từ Pháp.

"Đầu tiên tôi chỉ gửi sữa về cho gia đình và bạn bè", Shao nói. Bà hiện làm nội trợ ở nhà và đã bắt đầu "việc làm ăn nhỏ" buôn sữa xách tay được một thời gian. "Các bà mẹ lúc đó thường đặt mua sáu tới tám hộp, vì mất một tháng mới tới được và họ muốn duy trì nguồn cung cấp đều đặn".

Những người khác có mạng lưới lớn hơn. Chủ một công ty Trung Quốc có họ là He nói ông thuê 10 nhân viên người Đức chỉ để buôn sữa xách tay.

Nhu cầu tăng mạnh do vụ bê bối năm 2008 với sữa bột trẻ em ở Trung Quốc khi sữa nhiễm độc melamine khiến sáu trẻ nhỏ thiệt mạng và hơn 300.000 em khác bị ảnh hưởng. Mất lòng tin vào các thương hiệu quốc nội bị nhiễm độc, người dân quay sang hàng xách tay, bất chấp cam kết của chính quyền sẽ thay đổi tình hình.

img
Gian hàng bán sữa tại một siêu thị ở Trùng Khánh, Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ của Trung Quốc rất thấp, chỉ 28% theo báo cáo của UNICEF năm 2012. Nhưng người mua nghi ngờ bất kỳ sản phẩm nào được bán ở Trung Quốc, bao gồm cả các thương hiệu nổi tiếng.

Trung Quốc hiện "dẫn trước rất xa" với tư cách là thị trường sữa bột trẻ em lớn nhất thế giới, theo nhóm nghiên cứu tiêu dùng Euromonitor. "Các bậc cha mẹ trẻ ở Trung Quốc thích những nhãn hiệu quốc tế hơn, nhất là hàng nhập khẩu chính gốc. Họ coi các sản phẩm đó an toàn và tốt hơn", nhà phân tích Vera Wang nói.

Các trang mạng bán hàng ở Trung Quốc đặt giá sữa xách tay rất cao, đôi khi gấp đôi so với giá gốc. Chẳng hạn, nhãn hiệu Đức Aptamil được quảng cáo 220 tệ (35 USD) cho một hộp 600 gram. Chi phí vận chuyển có thể làm giá lại tăng gấp đôi, trong khi kiểm tra hải quan có thể khiến hàng xách tay bị đánh thuế thêm 30%, theo truyền thông Trung Quốc. Ngược lại, một siêu thị ở trung tâm Bắc Kinh niêm yết giá sữa Yili sản xuất trong nước chỉ 150 tệ cho hộp 900 gram.

Vét sạch cả siêu thị

Trào lưu dùng sữa xách tay lớn tới mức nhu cầu ở Trung Quốc đã gây ra thiếu hụt hàng ở châu Âu. Một nhà xuất khẩu Đức đăng bức ảnh các kệ sữa trong siêu thị trống trơn với bình luận: "Tôi đã đếm cùng với chủ cửa hàng, tám mét kệ trống không… tất cả do người Trung Quốc mua".

Tờ Bild, tờ báo có số phát hành lớn nhất châu Âu, đã đăng khổ lớn nhức bức ảnh này hồi tháng 1 với bình luận: "Những bà mẹ nổi giận trước các kệ Aptamil trống không… vì dân Trung Quốc đã mua sạch sữa bột!"

Hãng Milupa, nhà sản xuất Aptamil, lên tiếng xin lỗi vì sự thiếu hụt, giải thích là do "xuất khẩu sang châu Á". "Chúng tôi không khuyến khích việc xuất khẩu đó và không bán hàng sang châu Á. Những khách hàng mua trực tiếp từ các siêu thị ở Đức", trang web của công ty nói.

img
Quầy sữa của Aptamil ở Berlin phải kèm bảng thông báo hạn chế bán sữa này ra nước ngoài
(Nguồn: AFP)

Gần hơn với Trung Quốc đại lục, sự tức giận của người tiêu dùng ở Hong Kong đã khiến chính quyền thành phố cấm du khách không được mua quá 1,8 kg sữa bột trẻ em, với các khoản phạt lên tới 500.000 HKD (64.000 USD) và hai năm tù giam cho những ai vi phạm.

Các cửa hàng ở châu Âu cũng phải hạn chế lượng bán ra, khi chuỗi dược phẩm Đức DM cấm khách hàng mua nhiều hơn ba hộp Aptamil mỗi lần. Ở Anh, các chuỗi siêu thị lớn hạn chế khách hàng mua hai hộp sữa bột mỗi ngày theo yêu cầu của nhà sản xuất, khi công ty mẹ của Milupa, Danone, nói động thái này là để ngăn chặn tình trạng "xuất khẩu không chính thức sang Trung Quốc".

Một khách hàng Trung Quốc mới đây đã bị buộc rời chi nhánh một siêu thị Anh sau khi các nhân viên siêu thị nói người này đã mua hơn 100 hộp sữa bột trong một tuần lễ, theo tờ báo tiếng Hoa 21st Century Business Herald. Ở Australia, một số siêu thị cũng đã ra lệnh giới hạn bán sữa bột.

Nhưng những người như Shao nói việc thiếu hụt và lệnh hạn chế sẽ không ngăn được bà: "Nếu một siêu thị hết hàng, tôi sẽ đi sang một siêu thị khác. Tôi làm điều này cho các bà mè, và cho các trẻ em. Bản thân là một bà mẹ, tôi hiểu tầm quan trọng của sữa bột".

Theo Vietnam+
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem