Về 3 nguyên tắc giải quyết tranh chấp của Trung Quốc: Cảnh giác với những âm mưu mới

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 07:03 AM (GMT+7)
“Mặc dù không bác bỏ hoàn toàn 3 nguyên tắc về giải quyết vấn đề biển đảo trong thời kỳ mới của Trung Quốc, nhưng chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu mới của Bắc Kinh”- tiến sĩ Trần Công Trục nhận định khi trao đổi với NTNN.
Bình luận 0
Ngày 26.12, Tân Hoa xã đưa tin, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Biển đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Thanh đã nêu 3 nguyên tắc về giải quyết vấn đề biển đảo trong thời kỳ mới của Trung Quốc. Một là giải quyết vấn đề hoạch định biên giới thông qua đàm phán trực tiếp giữa nước đương sự; hai là phải quản lý và kiểm soát tốt tranh chấp trước khi hoạch định biên giới; ba là làm dịu tranh chấp thông qua hợp tác khai thác, tạo điều kiện và bầu không khí có lợi để đi đến giải quyết vấn đề.

Trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn đang vận dụng nhiều nguyên tắc có lợi cho mình  (ảnh minh họa, chụp cảnh ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở Trường Sa).
Trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn đang vận dụng nhiều nguyên tắc có lợi cho mình (ảnh minh họa, chụp cảnh ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở Trường Sa).

Về thông tin này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn tiến sĩ Trần Công Trục- nguyên Trưởng ban Nghiên cứu về biên giới của Chính phủ.

3 nguyên tắc nêu trên của Trung Quốc nên được hiểu rõ như thế nào, thưa ông?

- Trước hết nói về nguyên tắc thứ nhất: Trung Quốc muốn nhắc lại chủ trương đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp chủ quyền. Từ trước đến giờ, Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển đảo, mà chỉ muốn giải quyết song phương. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng, những vấn đề nào liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, còn liên quan đến nhiều nước như vấn đề an toàn hàng hải trên Biển Đông chẳng hạn, thì sẽ đưa ra đàm phán và giải quyết đa phương. Riêng nguyên tắc thứ nhất là đã “vênh” với quan điểm của ta.

Còn về nguyên tắc thứ 2 và thứ 3, ở đây được hiểu là việc Trung Quốc đang lồng ghép khái niệm “quản lý” và “kiểm soát”, “làm dịu tranh chấp” là chưa muốn giải quyết vấn đề cơ bản. Đây chỉ là một giải pháp tạm thời, duy trì tình trạng tranh chấp để cùng nhau khai thác.

Việt Nam sẽ phải đối phó thế nào trước việc Trung Quốc áp dụng những nguyên tắc mới này đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, thưa ông?

- Việt Nam không nên bác bỏ hoàn toàn những nguyên tắc này, cần tìm những yếu tố tích cực để thúc đẩy quá trình đàm phán, để đi đến giải quyết vấn đề cốt lõi, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những nguyên tắc trên là giải pháp tạm thời, khi chưa tìm được cách giải quyết triệt để, chúng ta nên chấp thuận những yếu tố tích cực trước mắt để quản lý và giữ tình hình ổn định trên Biển Đông, tránh gây xung đột.

Tuy nhiên, chủ trương của Việt Nam là phải giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế, để đảm bảo quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta. Vì vậy, về một số điểm chúng ta không bác bỏ, nhưng chúng ta cần giải quyết trên cơ sở những yêu sách đó là hợp lý, không vi phạm Công ước về Luật Biển của LHQ.

Phải chăng có những âm mưu ẩn chứa bên trong 3 nguyên tắc nêu trên, thưa ông?

- Thứ nhất, Trung Quốc muốn dùng 3 nguyên tắc này để khẳng định yêu sách phi thực tế của mình trên Biển Đông. Thứ 2, thông qua 3 nguyên tắc này, Trung Quốc muốn biến những vùng không tranh chấp thành tranh chấp và tìm mọi cách để dành thế chủ động khi giải quyết vấn đề liên quan đến biển đảo. Việt Nam phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu và bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông.

Xin cảm ơn ông!


Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem