Truyện dự thi: Những người con của nữ thần xứ sở

Đinh Hy Thứ hai, ngày 22/02/2021 12:29 PM (GMT+7)
Lạy Po Ina Nagar! Con đã học chữ, thuộc "Gia huấn ca", con còn đi học dệt làng bên, con làm theo truyền dạy của Nữ Thần, ca múa con đã học, đã thuộc từ nhỏ rồi.
Bình luận 0

" Lạy Nữ Thần… Con không ổn định tâm hồn mình, con hoang mang lắm, làm sao con bắt chồng theo ý nguyện của mẹ, của dòng tộc cho được khi con không yêu thương người đó, khi chưa có công ăn việc làm nào cụ thể cả… Lạy Nữ Thần, lạy ngôi tháp thờ Nữ Thần… ở giữa cánh đồng lúa xanh… hãy cứu vớt con".

Truyện dự thi: Những người con của nữ thần xứ sở - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà

Tốt nghiệp tiếng Anh Cao đẳng Sư phạm loại giỏi ra trường, cộng với Chứng chỉ tiếng Anh dịch thuật - hội thoại ngoại khóa ban đêm mấy năm ở Trung tâm Ngoại ngữ Phan Rang, Nhiệm âm thầm công chứng ba bộ hồ sơ gửi xin việc ba nơi khác nhau, Ja Ai biết chuyện này. Cả nhà Nhiệm chỉ biết Nhiệm làm bộ hồ sơ xin đi dạy học thôi.

Thời gian này sào lúa manh mún của nhà nằm ven rìa cánh đồng làng mọc nhiều cỏ, bà con thường gọi là lúa ma, Nhiệm phụ mẹ làm cỏ lúa và… chờ đợi. Khi còn học trường Cao đẳng tỉnh, đi đi về về, Nhiệm thường cùng mẹ ra làm lúa trên sào ruộng của dòng tộc chia lại cho mẹ. Hai mẹ con lẻ loi trên đám ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vạt áo trắng muối dưới nắng trưa những lúc cỏ ngập trong lúa… thằng em trai còn tuổi ăn, tuổi học, nó đang học lớp 9, học lực kha khá. Ba mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con: mẹ, Nhiệm, em Sơn.

Nhiệm không thể tự xoay xở được việc gì khác ngoài làm việc vặt trong nhà, chờ đợi, hy vọng.

Cúi xuống làm cỏ lúa lâu quá mỏi lưng, Nhiệm đứng hẳn dậy, nhìn cánh đồng lớn hơn một trăm héc-ta của làng Hữu Nhân xanh mát mắt chạy dài tận lũy tre làng người Kinh bên kia, những gié lúa non tơ, ngậm sữa đều đặn báo hiệu một vụ được mùa, nghe nói trước khi làm đất, gieo hạt, người ta đã áp dụng san phẳng mặt ruộng cánh đồng bằng thiết bị chiếu laser. 

Ngôi tháp thờ Nữ Thần Xứ Sở Po Ina Nagar trên một gò đất cao nằm giữa cánh đồng, tòa tháp màu gạch đỏ nâu vút lên cao một cách huyền ảo giữa thảm xanh của đồng lúa. Tết Kate Chăm vừa rồi dân làng ra tháp dâng lễ cầu nguyện Nữ Thần Xứ Sở ban cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Thần phả truyền lại rằng: "Nữ Thần Xứ Sở Chămpa sinh ra từ bọt biển, thuở hồng hoang nguyên thủy Nữ Thần Xứ Sở đã dạy dân chúng cày bừa, trồng lúa, trồng bông, kéo sợi, dệt vải, dạy múa hát, dạy chữ viết, thi ca…". Nữ Thần đã truyền chế độ mẫu hệ cho đến hôm nay.

Chính từ mẫu hệ mà bây giờ Nhiệm gặp chuyện khó xử, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do mẹ quyết định, mà suy nghĩ của mẹ có nhiều điều không còn hợp thời nữa. Nhiệm hai mươi mốt tuổi, mẹ đòi Nhiệm bắt chồng. Một chiều tắt nắng, dưới ánh điện, vừa ăn cơm mẹ vừa nói cả nhà nghe:

- Người Chăm, con gái lớn lo bắt chồng cho xong đi, xin dạy học được thì tốt, không được chẳng sao. Mày là con gái một, cả dòng tộc đều muốn bắt chồng cho mày. Mẹ trọng việc bắt chồng thôi, hồi mười sáu tuổi mẹ đã bắt cha mày về… à mà này, thằng Dương thường qua thăm mẹ đấy.

Nhiệm giật mình, rồi định thần:

- Từ từ rồi con tính…

- Từ từ gì nữa… mày biết thời buổi này xin đi dạy dễ lắm hả con… lương sư phạm thì bao nhiêu lắm. Ở nhà bắt chồng sinh cháu cho tao, thằng em mày khi lớn có vợ, rồi cũng qua nhà vợ nó ở thôi.

Mẹ gắt gỏng.

Ba năm học Cao đẳng, Nhiệm đã đem lòng yêu Ja Ai, người ở làng Bà-la-môn Thành Tâm, bạn học trên một lớp, nay đã đi dạy Trung học cơ sở một huyện miền núi. Thời đi học, yêu nhau, hai đứa đã vẽ một tương lai đầy gam màu đẹp, hẹn nhau khi Nhiệm ra trường đi dạy ổn định là sẽ bắt Ja Ai làm chồng.

Nghe mẹ nhắc anh Dương, hèn gì mỗi lần Ja Ai đến nhà chơi là mẹ khó chịu. Ja Ai là lớp thanh niên tiến bộ, hoạt bát, cả làng Thành Tâm quê anh đều công nhận, đài truyền thanh huyện, báo tỉnh viết bài nêu gương… 

Nhiệm đem lòng yêu anh cũng vì anh là người hành động, người của cộng đồng ở làng, của đám đông ở trường. Ja Ai đã kể cho Nhiệm nghe nhiều chuyện của anh gay cấn ở làng, có chuyện cười ra nước mắt. Cũng vì cộng đồng, Ja Ai đã từng bị dòng họ mẫu hệ, cả mẹ anh ghét bỏ một thời gian dài khi anh dám làm những điều trái tục lệ, thói quen dân làng, như việc trồng cây xanh, làm chuồng trại nuôi heo.

Ja Ai kể, hồi những năm đang học lớp 11, 12, nhận thấy cả làng không có một bóng cây xanh, nắng nhức mắt xứ Phan Rang này mà không có cây xanh thì thật khủng khiếp. Ja Ai đọc tài liệu khí tượng thủy văn biết rằng, lượng mưa trung bình cả năm ở xứ này đâu khoảng 650 đến 800mm, chỉ bằng hai trận mưa lớn vùng miền Bắc là cùng. 

Mà lạ, tập quán bà con là thế, ai cũng nghĩ trong nhà, trong làng có bóng cây là có ma quỷ trú ngụ, con chim cú mèo ban đêm bay về đậu, kêu mấy tiếng là có người làng chết. Hồi nhỏ Ja Ai rất tin người lớn dặn dò mỗi lần đi đâu, gặp cây cổ thụ cao phải cúi đầu, im lặng, không cười đùa to tiếng, không được chỉ tay lên ngọn cây. Chỉ đến khi trưởng thành, học đến cấp trung học phổ thông, anh mới có ý nghĩ rằng, sao quá vô lý, những tục lệ chỉ làm khổ mình và khổ sở cho bà con lối xóm mà thôi. 

Làng người Chăm nào cũng thế cả. Ở làng người Kinh toàn bóng cây, xứ Phan Rang nếu có bóng cây trú nắng thích thật. Thế là anh và nhóm bạn thân cùng nhau lập mưu, đến đầu mùa mưa rào hiếm hoi trong năm, lên Trại Ươm xin vài chục cây keo lá tràm giống, vác về giấu ngoài ruộng, đêm đến cả bọn mang cuốc xẻng lén trồng dọc vệ đường ngoài rìa làng, có cây sống, có cây chết; sống chăm, chết thay, cứ thế… 

Thấy cây trồng xuất hiện, người làng ngạc nhiên lắm, nhưng ngoài ven làng nên cũng không để ý. Phải đến hai mùa mưa sau, gần hai mươi cây xanh sum sê lên quá đầu người, thi thoảng có mấy người đi đường núp bóng mát… Khi nhóm bạn có đứa đã vào thành phố học Đại học, đứa đi làm công nhân xa… còn lại Ja Ai học Cao đẳng trường tỉnh gần nhà và vài bạn ở nhà làm ruộng vẫn âm thầm trồng nối thêm hàng cây dần vào tận cổng làng. 

Màu xanh lá cây có sức quyến rũ hay sao ấy, nhất là giữa làng trơ trụi, khô cằn; cũng có tranh cãi đôi ba lần, có giận hờn giữa các thế hệ, sợ nhất là mấy cụ già, cứ có cây là có ma quỷ trú ngụ; đã thế trong làng cũng có người chết bệnh, chết già, nhưng may mắn chưa thấy ai phản đối, nhổ bỏ. Thế là màu xanh như những bước chân âm thầm, cứ dần theo các ngõ hẻm tiến vào trung tâm làng, đã có mấy gia đình trẻ mới tách hộ bắt đầu trồng cây ổi, cây xoài trong vườn nhà. Bây giờ các ngõ ngách làng Thành Tâm của Ja Ai đều có màu xanh lá cây keo, cây ổi, cây xoài, cả cây ne-em giống chịu hạn dễ trồng nghe nói nhập từ Ấn Độ. Chim chóc bay đến đậu kêu ríu rít vui tai, nhất là từng đàn chim sẻ, chim chào mào, cũng chưa thấy con cú mèo nào về kêu cả. Từ đó già trẻ ai cũng thích, hễ chỗ đất trống nào nhắm nhe được là cũng trồng vài cây lấy bóng mát.

Lại chuyện nuôi heo, Ja Ai kể, tập tục bao đời của làng là ngoài nghề làm ruộng còn nuôi heo. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà trong làng đều nuôi heo thả rông, không chuồng trại. Người già bảo đó là phong tục xưa không cho xú uế trong nhà… Phong tục gì mà phong tục, hủ tục thì có, phóng uế bừa bãi thì có. Ôi thôi, bao phiền toái. Heo lớn heo nhỏ lang thang suốt ngày đêm bên hành lang nhà, trong sân, ngoài ngỏ, sân phơi lúa, sân bóng đá, vấy bẩn nhà cộng đồng làng… 

Từng đàn cứ sục các ổ sình, nước thải, bay mùi nồng nặc, đi vào làng đã có mùi, ruồi muỗi sinh sôi. Ngày trước, một cô phóng viên ở xa đến tìm hiểu phong tục làng, gặp cảnh này cô viết, đặt tên cho bài phóng sự là "Lang thang cùng heo bụi đời". Bài phóng sự nổi tiếng một thời. Hồi vận động xây dựng "Làng Văn hóa", tiêu chuẩn nào cũng được cả, riêng làm chuồng trại nuôi heo để bảo đảm tiêu chí môi trường thì quá gay cấn, lớp người già, mấy chị, mấy mẹ không chấp nhận nuôi heo nhốt chuồng, cãi phăng phăng, ai vận động cũng không thay đổi, kiên định lập trường… heo vẫn cứ thả rông, vẫn "bụi đời" ngày đêm. Chỉ tiêu môi trường bị neo lại, làng chưa đạt danh hiệu Văn hóa là thế. Nhóm trí thức thanh niên rất khổ tâm. Chi đoàn làng Ja Ai làm mẫu mấy cái chuồng heo để tuyên truyền bà con đăng ký, thanh niên tình nguyện tặng vật liệu cây gỗ, xung phong góp công làm, thế mà chẳng ai buồn hưởng ứng.

Trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai", phe tiến bộ có vẻ thất bại trước phe bảo thủ thì một sự cố xảy ra. Nguyên do là trong làng có vài nhà không làm nhà xí riêng, chỉ có thói quen "tiểu" thì ra quanh hàng rào sau nhà, "đại" thì ra mấy bụi cây xương rồng rìa làng, như thói quen người dân quê một nước ngoài nào đó mà ti vi chiếu vậy. Nói đâu nước ngoài gì cho xa, nghe ông nội Ja Ai kể lại, hồi ông còn trẻ đi làm thuê, làng quê người Kinh có nhà cũng không có nhà xí, đất rộng người thưa thớt, cứ ra đồng, ven rừng, hoặc chui trong lùm cây mà "đại", đâu hồi những năm 1960, chương trình "Phát triển cộng đồng, cải tiến hương thôn" người ta mới vận động làm nhà xí ở các làng quê.

Anh Ja Ai kể tiếp, chẳng biết do tài chính hay thói quen lạc hậu, nhà thằng Nhan nằm trong số đó. Một buổi chiều có bạn về chơi, đêm đến, đột ngột đau bụng không biết làm sao, bí quá, thằng Nhan đưa bạn ra rìa làng, Nhan đứng canh chừng, cũng may bạn người Kinh này gốc làng chài, hồi nhỏ đã từng quen kiểu "Nhất tắm sông…". Bất ngờ bạn hét lên, Nhan chạy tới thì thấy bạn ngã sấp chúi mũi vào bụi xương rồng, chân cẳng vùng vẫy, không kịp kéo quần, một con heo nái sừng sững đang xử lý… Hóa ra khi người bạn đi "đại", heo thả rông lặng lẽ đánh hơi và đến húc mạnh để giành giật, mông bạn bị trầy xước, chảy máu... Trời tối, Nhan dìu bạn xuống mương thủy lợi rửa tạm. Nhan nói trong thẹn thùng: "Về nhà rồi xát trùng, thay quần, tao quên, nhà làm sẵn mấy cây gậy dựng bờ rào, ở đây đi kiểu này đều cầm thêm cây gậy phòng thân, khi ngồi luôn nhìn quanh cảnh giới, thấy heo đến lấy gậy đập đập hù dọa, nó không dám xông vào".

Kể đến đây, cả Ja Ai và Nhiệm cười chảy cả nước mắt. Hai đứa phảng phất chút gì đó thẹn thùng, tự ti vì thói quen kỳ lạ của bà con mình, ngay trong làng Nhiệm cũng có thế.

Không biết rò rỉ từ đâu, chuyện sau đó lan ra cộng đồng, mỗi người nói một kiểu, bình luận một hướng, nổ một cách, nhưng có một điểm chung là cả hai phe đều cảm thấy hổ thẹn với bàn dân thiên hạ, ai đời bộ mặt làng ta, tiếng tăm cộng đồng... Chuyện bi hài này lại gián tiếp giúp nhóm tiến bộ Ja Ai chiếm ưu thế. Được nước, nhóm thanh niên do Ja Ai chỉ huy lấn tới làm chuồng heo, dòng tộc Ja Ai, mẹ và mấy ông cậu cũng phản đối, tranh cãi dữ dội với anh. Bí quá Ja Ai đem chuyện bạn thằng Nhan bị heo húc rách mông ra cãi, rồi đấu dịu, nói là chuồng heo chỉ làm thử mà thôi.

Dần dà phong trào nuôi heo chuồng trại trong làng Thành Tâm cũng hình thành, người già im lặng, mấy bà chị, bà mẹ nuôi heo thả rông đã bớt lời ra tiếng vào. Mừng nhất là mấy gia đình không có nhà xí âm thầm kêu thợ hồ đến xây trong khuôn viên, đi đầu là nhà thằng Nhan.

Bây giờ phong trào nuôi heo nhốt trong chuồng đã lan tỏa rộng ra nhiều làng khác. Ngay cả làng Hữu Nhân của Nhiệm cách làng Thành Tâm mười hai cây số cũng bắt đầu nuôi heo chuồng trại. Có làng đã lập Hội quán cùng nuôi heo đặc sản theo chuỗi giá trị…

*

Xung khắc giữa Nhiệm và mẹ cả tháng nay là chuyện mẹ vẫn chưa dứt chuyện buộc Nhiệm phải bắt chồng ngay, sinh con nối dòng dõi. Nhớ lại những câu chuyện của Ja Ai kể, Nhiệm thêm tự tin, an lòng hơn khi "cãi lệnh" với dòng họ, với mẹ. Dòng họ Ja Ai biết hai đứa yêu nhau, rất thuận tình, riêng mẹ, dù Nhiệm chưa nói về Ja Ai, nhưng có vẻ mẹ không chịu, mẹ chỉ ưng ý Dương ở xóm trên, là chủ một Công ty Xây dựng đang ăn nên làm ra. 

Từ nhỏ Nhiệm vẫn ghi nhớ người xưa dạy, thậm chí thuộc làu những câu "Gia huấn ca" mẫu hệ người Chăm. Lời xưa sao mà hay quá, lớp lang, vần điệu đọc lên như hát, dạy về lẽ sống, đạo đức, tình yêu thương con người, cũng có những câu về nghĩa vợ chồng như: "Hadiep saong pasang yau kalang saong talei", (Vợ với chồng như diều với dây). Trời ơi, người xưa dạy sâu sắc quá, vợ chồng ăn đời ở kiếp bên nhau, như diều buộc với dây, làm sao mà bắt chồng là người mình không thương, không yêu được? Như anh Dương, chẳng biết tí gì về anh, chẳng thương, làm sao mà mình bắt làm chồng được? Mấy năm cảm tình rồi yêu anh Ja Ai quá sâu đậm, giờ làm sao đây?.

Nhiệm vẫn thấy có gì đó không hợp lẽ, là con gái, không lẽ đời mình chỉ vậy thôi sao, làm ruộng, nuôi heo, lớn vừa tuổi bắt chồng, sinh con, như mẹ đó, cuộc đời mẹ chỉ lo giữ gìn việc chung của tộc họ, gia tài của ông bà để lại, rồi lo lễ nghi cúng kính quanh năm, lo ma chay hỏa táng người trong tộc. Mươi, mười lăm năm lại một đợt nhập vài chục tro xương người mất vào Kut nghĩa địa dòng tộc, chi phí nhập Kut một đợt cả tộc góp vào vài chục đến cả trăm triệu…, mà dòng tộc Nhiệm có ai giàu đâu, gia tài của mẹ có nhiều nhặn gì đâu. Nghĩ xa rồi nghĩ gần, Nhiệm tự hỏi: "Lấy gì ăn". 

Mấy đứa bạn gái cùng trang lứa trong làng đều lần lượt bắt chồng, có đứa đẻ hai con rồi. Lần nào gặp đứa này đứa kia, có đứa đủ ăn, có đứa quá khổ; qua nói chuyện, Nhiệm cảm thấy đứa nào cũng an phận với cuộc sống hiện tại của chúng, "hoàn thành sứ mệnh nối dõi dòng tộc" như mẫu hệ chỉ dạy. Một lần đi ngang ngõ nhà một đứa bạn, nhớ nó quá định vào thăm chơi, bỗng nghe tiếng nó ru con vọng ra: "Ai kia đang đến phía xa, hỡi người tình, người tình mà em vẫn đợi, vẫn chờ hằng bao tháng năm…". Lời bài dân ca Chăm đã buồn, giọng đứa bạn sao mà heo hút, mênh mang quá, Nhiệm quá nao lòng, không còn can đảm vào thăm nữa, hèn gì có ông nhạc sĩ người Kinh nào đó mà Nhiệm quên tên viết: "…lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn…". Anh Ja Ai thì đang dạy trên huyện miền núi xa, ước gì có Ja Ai ở gần để hàn huyên, để bớt trống vắng.

Đêm về, lời mẹ cứ văng vẳng bên tai: "lo bắt chồng cho xong đi, việc dạy học được thì tốt, không được chẳng sao…" làm Nhiệm khó ngủ, trằn trọc mãi cô vẫn chưa tìm ra được lối thoát nào cho hợp tình, hợp lẽ. Anh Ja Ai biết chuyện trục trặc này cũng rất hoang mang, tính cách anh thì mạnh mẽ, nhưng chuyện này lại rụt rè, không dám nói điều gì. Cô nằm nghĩ miên man… Đã mấy tháng nay chờ kết quả xin việc, để bớt buồn, khi hết việc nhà, Nhiệm sang nhà chị họ làng bên học thêm dệt thổ cẩm. Mấy năm rồi du lịch làng nghề phát triển, ở bên đó bây giờ mở rộng nhiều nhà chung vốn lập xưởng dệt thổ cẩm thủ công, du khách đến đông lắm, nghề dệt khá lên. Cũng như Nhiệm, con gái làng Chăm bảy, tám tuổi, đứa nào cũng biết múa quạt, múa đội nước, múa chim công, biết hát các bài dân ca, bài nhạc mới, nhưng dệt thì chưa có đứa nào biết cả, muốn học thì phải qua làng chuyên nghề dệt. 

Nhiệm nghĩ, thuở xưa, Nữ Thần Xứ Sở đã dạy ca múa, trồng bông dệt vải thì con cháu phải học làm theo thôi. Còn về nối dõi dòng tộc?... khó nghĩ quá. Mẫu hệ mà hồi xưa bà Nhiệm còn sống và hiện tại mẹ Nhiệm đã dồn tâm sức truyền lại cho Nhiệm, Nhiệm thấy có nhiều điều hay, từ câu gia huấn ca dạy con gái lo chu toàn nhà cửa, lo lễ nghi cúng kính, nhất là lễ hỏa thiêu, lễ nhập vào Kut nghĩa địa dòng tộc. Mấy ông thầy lo cúng thôi, đàn ông chỉ bên ngoài, trăm công ngàn việc đều do bàn tay phụ nữ hết, mua sắm, nấu nướng, tính toán tiền nong... Có lẽ vậy nên đức tính người phụ nữ Chăm trở nên bền bĩ chịu đựng khi gặp áp lực công việc, linh hoạt trong mọi tình huống miễn sao giữ được nếp nhà, nếp mẫu hệ, song Nhiệm cũng thấy có điều gì đó chẳng hợp thời nay chút nào cả…

Nhiệm ngủ thiếp đi trong mộng mị, hoang mang. Nhiệm đang chơi vơi một mình giữa ngôi tháp sừng sững, thấy Nữ Thần Xứ Sở đang nhìn một cách nghiêm khắc, xa xăm. Nhiệm run sợ quá, bủn rủn tay chân, không biết lễ Kate vừa rồi mâm lễ vật của nhà Nhiệm có gì phạm lỗi không? Quả thật Nhiệm nhớ rõ trong cúng lễ Kate, lúc người miền núi Raglai trao cho ông thầy cúng y trang Nữ Thần, các bà lớn tuổi mặc y phục, đeo trang sức lên tượng Nữ Thần, cũng là lúc Nhiệm và mẹ quỳ lạy trước bức tượng, thành khẩn cầu mong mùa màng, cầu sức khỏe dòng tộc, gia đình… Bây giờ Nữ Thần có ánh mắt nghiêm khắc quá… Hoang mang quá…

"Lạy Po Ina Nagar! Con đã học chữ, thuộc "Gia huấn ca", con còn đi học dệt làng bên, con làm theo truyền dạy của Nữ Thần, ca múa con đã học, đã thuộc từ nhỏ rồi. Lạy Nữ Thần… Con không ổn định tâm hồn mình, con hoang mang lắm, làm sao con bắt chồng theo ý nguyện của mẹ, của dòng tộc cho được khi con không yêu thương người đó, khi chưa có công ăn việc làm nào cụ thể cả. Bắt chồng để được lòng mọi người, vậy con, rồi con gái của con, cháu gái của con, truyền theo mẫu hệ dòng tộc biết sống sao đây? Ai giúp chúng con đi trên đường đời mai sau… Lạy Nữ Thần, lạy ngôi tháp thờ Nữ Thần… ở giữa cánh đồng lúa xanh… hãy cứu vớt con".

Khi lời khấn xong Nhiệm thấy tay Nữ Thần phất nhẹ nhành hoa đỏ, ánh mắt dần dần hiền dịu, an nhiên. Phía sau tượng Nữ Thần bỗng Ja Ai hiện ra trong lễ phục đám cưới nhìn Nhiệm tươi cười. Nhiệm kêu lên: "Ôi anh Ja Ai!". Giật mình, hóa ra đây là một giấc mơ…

*

Khi cánh đồng lớn của làng thu hoạch lúa đạt năng suất cao thì sào ruộng nhà thất thu, lẹt đẹt ba tạ lúa xấu do chăm sóc không đồng bộ với ruộng chung quanh. Việc này càng làm cho tâm tính mẹ thêm cáu gắt hơn. Nhà chỉ ba mẹ con, nên càng khó xử, vào ra gặp nhau. Thời gian trôi qua một cách đậm đặc, ngột ngạt, Nhiệm cảm thấy bức bối, khó thở. Lạ quá, giấc mơ đeo đẳng trong đầu Nhiệm mãi.

Ba bộ hồ sơ Nhiệm xin việc cầu may ba nơi. Đã mấy tháng chờ đợi. Hy vọng nhất là giấy gọi từ phòng Giáo dục huyện, rồi đến hy vọng Trung tâm hỗ trợ Pháp luật gọi đi làm ở bộ phận dịch thuật, nhưng hóa ra nơi Nhiệm không ngờ nhất lại gọi đi phỏng vấn, Công ty Solar vừa mới đặt trụ sở Dự án đầu tư điện Mặt trời trong tỉnh.

Sau một buổi phỏng vấn và sát hạch rất khó, Nhiệm đạt được yêu cầu nhận làm dịch thuật tài liệu truyền thông, thư từ, hóa đơn hằng ngày sang tiếng Anh cho Ban Giám đốc Công ty. Thời hạn sáu năm, lương khá, nơi làm là nhà máy tại vùng đất hoang hóa Đồng Nha, cũng không xa lắm. Ja Ai là người biết tin đầu tiên, anh vô cùng mừng rỡ.

Một cuộc tranh luận nổ ra khi gia đình biết Nhiệm báo sẽ đi làm tại Công ty Solar.

Mẹ triệu tập mấy ông cậu, dì Cả, dì Hai, mẹ là con gái út, giờ là em út có quyền nhất trong dòng tộc. Một cuộc họp diễn ra trong không gian chật chội, không khí nặng nề, Nhiệm cảm thấy thế. Thằng Sơn không được dự.

Mẹ nói:

- Điện mặt trời là cái gì tôi không biết, điện là điện, gì mà có mặt trời ở đây. Con gái mà đi làm điện được à? Tôi chỉ mong nó bắt chồng thôi. Nhà có ai đâu mà đi.

Cậu Hai:

- Khó đây, chuyện này phải tính lại cháu Nhiệm à, còn dòng tộc nữa, nhưng đi làm điện mặt trời là hay đó, giá như cháu là con trai. Mấy hôm nay cứ nghe ti vi nói về loại này. Nó thay thế cho hai Nhà máy điện Hạt nhân dừng xây dựng. Nó là cái gì mà… mà… sạch, mà… mà… tái tạo.

Cậu Ba tiếp lời:

- Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… thời buổi biến đổi khí hậu, ô nhiễm, lại thiếu hụt điện… Cô Út không thấy làng ta tuần lễ nào cũng cúp điện hay sao, mùa hè, hồ thủy điện cạn nước, phải cắt điện…

Hai ông cậu thế mà hay, có việc các cậu thật cổ hủ như cái vụ trồng cây xanh, làm chuồng nuôi heo. Làng Thành Tâm thực hiện đã lâu, còn làng Hữu Nhân làm chậm chạp, cứ ì ạch do một phần các cậu phản đối. Nhưng hai cậu cùng Hội đồng già làng có nhiều việc rất được. Nhiệm chứng kiến các cụ hô hào mọi người đóng tiền góp làm đường bê tông trong làng, thuê nghệ nhân dạy lớp trẻ học nhạc cụ dân gian, đánh trống ginăng, baranưng, mấy đứa gái khuyến khích học múa, hát dân ca, đứa nào lêu lổng, các cụ mắng. 

Vừa rồi ở Trung ương Hội Khuyến học khen chi hội ở làng có sáng kiến kêu gọi các tộc họ lập quỹ Khuyến học – Khuyến tài, kể từ lớp Một đến cấp Đại học, trong từng tộc họ mẫu hệ, cứ học giỏi được tuyên dương, gặp hoàn cảnh khó, giúp học phí cho đến khi ra trường. Đối với những việc như thế, mấy già làng rất uy tín. Các cụ còn đi thuê Bảo tàng về làng khảo sát trùng tu đường lên tháp Nữ Thần, phân công nhau viết lịch sử làng, sưu tầm ca dao, tục ngữ nữa. Hai ông cậu của Nhiệm tích cực trong số đó. Thế nhưng việc liên quan dòng tộc, hai ông đều nghe lời mẹ cả. Các dì cũng thế. Cuộc họp chưa đâu vào đâu. Mẹ vẫn giữ ý Nhiệm phải bắt chồng sinh cháu cho bà. Thằng Sơn ở vòng ngoài biết vậy cũng buồn lắm. Nhà chỉ có hai chị em, dù rằng mai này lớn khôn, khi Nhiệm sinh con, nó cũng vào vai "ông cậu" trong dòng tộc…

*

Cả tuần lễ qua mẹ cứ như là người mộng du, mẹ đang nghĩ điều gì đó hệ trọng lắm thì phải, khác hẳn tính cáu bẳn, gắt gỏng như khi sào lúa thất thu. Hình như mẹ suy nghĩ lại những gì đang tồn tại lâu nay trong nếp nghĩ của mình chăng?. Là truyền thống, là thói quen? Mấy già làng nhiều lần cũng băn khoăn, tự hỏi, rồi hỏi nhau, cái gì là truyền thống, cái gì là thói quen? Nhiệm cũng thấy khó hiểu quá.

Khi nghe Công ty của anh Dương xóm trên bị đóng cửa do người chung vốn phá sản, nợ ngân hàng hơn tỷ. Mẹ nói: "Trời ơi, ở làng này nợ nần vài triệu bạc đã là chuyện lớn rồi, còn đây tiền tỷ...". Nhìn mẹ thất thần khi biết tin này, thật tội nghiệp mẹ, cứ như anh Dương là con trai của mẹ vậy. Cũng buồn cho anh Dương.

Mẹ bất ngờ đồng ý cho Nhiệm đi làm Công ty điện mặt trời Solar. Khỏi phải nói Nhiệm mừng vui thế nào, chắc chắn hai ông cậu có tác động với mẹ, tỉ tê cái vụ điện mặt trời.

Lại bất ngờ nữa, sáng chủ nhật, vừa ngủ dậy muộn nghe mẹ nói:

- Mày đi làm rồi, sào ruộng nhà ai chăm? Thằng Sơn chuẩn bị học thi vào lớp 10, ai giúp tôi đây? Thôi sào ruộng mùa này hợp đồng vào cánh đồng lớn, làm theo cái gì mà "một phải, năm giảm" đó, nghe nói Hợp tác xã lo hết dịch vụ, chi phí giảm, bao tiêu sản phẩm, khỏe thân, chăm làm có khi lại đạt nông dân tiên tiến không chừng. Nhiệm bao giờ bắt chồng cho mẹ biết.

Chị em Nhiệm mừng vui khôn xiết, lâu nay nhọc nhằn vận động mẹ đưa sào ruộng vào chung cánh đồng lớn làm ăn, mẹ không chịu.

Chợt thằng Sơn nói khẽ:

- Kiểu này mai mốt không chừng mẹ lại cho gọi anh Ja Ai…

Nhiệm lặng người đi. Hóa ra điều mẹ sẽ chấp nhận Ja Ai thì cô chưa hề nghĩ đến, thằng Sơn nhạy cảm thật. Tự nhiên cô nhớ lại giấc mơ được gặp Nữ Thần Xứ Sở hôm nào.

Tiếng trống bỗng vang lên rộn rã làm Nhiệm nhớ là nhóm thanh niên thường tập văn nghệ truyền thống dân gian mỗi sáng chủ nhật từ ngoài nhà làng vọng lại, Nhiệm phân biệt rõ tiết tấu nào là của trống ginăng, âm thanh nào là của trống baranưng, rồi tiếng kèn saranai lanh lảnh, vút cao trong không gian của làng Hữu Nhân. Ở phía Đông, phía của Thần Thánh, mặt trời màu đỏ rực đã lên trên đỉnh tháp. Rồi một ngày, Nhiệm và Ja Ai sẽ đến tháp quỳ lạy tạ ơn Nữ Thần Xứ Sở.

Phan Rang tháng 5 - 2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem