Gây phản cảm với U23 Việt Nam, Vietjet liệu có bị phạt?

Đình Việt Thứ hai, ngày 29/01/2018 11:20 AM (GMT+7)
Dù lời xin lỗi của Vietjet được phát đi ngay trong đêm nhưng vẫn khó được chấp nhận. Việc đổ vấy cho dàn diễn viên, người mẫu lại càng khó chấp nhận hơn.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 28.1, đoàn U23 Việt Nam đã về đến về sân bay Nội Bài, Hà Nội trên chuyến chuyên cơ của hãng hàng không Vietjet Air. Một tiết mục trình diễn bikini đã được tổ chức ngay trên chuyên cơ với sự góp mặt của nhiều người mẫu trẻ.

Tuy nhiên màn trình diễn này đang bị cộng đồng mạng lên án vì phản cảm. Tối cùng ngày, sau khi những hình ảnh dàn người mẫu của Vietjet bị dư luận phản ứng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc của hãng hàng không này đã gửi thư xin lỗi.

Ngay sau khi lời xin lỗi kể trên được đưa ra, cộng đồng mạng tiếp tục dậy sóng vì cho rằng lời xin lỗi "không thành thật, đổ vấy cho diễn viên, người mẫu".

img

Lời xin lỗi của hãng hàng không Vietjet Air khó được chấp nhận. Ảnh VNE.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, dù lời xin lỗi của Vietjet được phát đi ngay trong đêm nhưng vẫn khó được chấp nhận. Việc đổ vấy cho dàn diễn viên, người mẫu lại càng khó chấp nhận hơn.

Theo luật sư Tuấn Anh, có thể sự việc này không ảnh hưởng đến an toàn bay vì sự kiện là do hãng hàng không này tổ chức. Tuy nhiên, hành động trên rõ ràng là không chuẩn mực, không hợp với thuần phong mỹ tục.

“Việc sử dụng những người mẫu ăn mặc thiếu vải để quảng cáo trong một sự kiện đặc biệt như thế này là rất phản cảm. Trái ngược hoàn toàn đến văn hóa, đạo đức của người Việt Nam. Còn lời xin lỗi của bà Tổng giám đốc Viejet cũng không thỏa đáng, bởi vì đây là máy bay riêng của họ đưa sang để thực hiện mục đích đón đoàn bóng đá U23 Việt Nam, tức là thực hiện mục đích công vụ.

Như vậy thì không thể nói là có những cá nhân bột phát để thực hiện những hành vi phản cảm như vậy được. Chắc chắn là phải có chương trình từ trước”, luật sư Tuấn Anh phân tích.

Nếu các cơ quan chức năng xác định có vi phạm, theo luật sư Tuấn Anh, hãng hàng không này có thể bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng vì đã quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam theo quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Trong khi đó, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, theo lời giải thích của bà Tổng giám đốc Vietjet thì chắc chắn chương trình biễu diễn của một số diễn viên, người mẫu chưa được cơ quan chức năng cho phép. Như vậy, hãng hàng không này chắc chắn sẽ bị phạt.

Theo đó, đơn vị này có thể bị xem xét xử phạt về hành vi tổ chức sự kiện trên máy bay nằm ngoài phạm vi khai thác được chấp thuận theo quy định  điểm c, khoản 6 điều 22 Nghị định 147/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Mức phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

Ở một diễn biến liên quan đến vụ việc, trả lời báo chí đại diện truyền thông của người mẫu Lại Thanh Hương - người có mặt trên chuyến bay khẳng định Lại Thanh Hương được hãng hàng không Vietjet gọi đến làm việc trên chuyến bay với vai trò người mẫu, không phải diễn viên múa. Phía người mẫu Lại Thanh Hương cho rằng thông tin của Vietjet đưa ra là "sai sự thật". 

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, năm 2012, Vietjet đã từng bị phạt 20 triệu đồng vì để nhân viên của hãng trong trang phục áo tắm, nhảy nhót trên lối đi giữa hai hàng ghế trong khoang hành khách của máy bay.

Nội dung khoản 6 Điều 22, Nghị định 147/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng


Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi sau đây:
a) Hãng hàng không vận chuyển hành lý không đi cùng hành khách trừ các trường hợp được phép theo quy định;
b) Hãng hàng không thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, tiếp thị bằng hình ảnh, thương hiệu, biểu tượng, nhãn hiệu của hãng hàng không khác cho chuyến bay do mình khai thác;
c) Hãng hàng không tổ chức các sự kiện trên tàu bay có thể gây uy hiếp an toàn, an ninh hàng không mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền;
d) Hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không chất xếp hàng hóa nguy hiểm không đúng quy định;
đ) Hãng hàng không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác cho hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư không đến giới hạn trách nhiệm theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem