Vàng trong bao lúa "vô chủ", người tìm thấy có được sở hữu?

Đình Việt Chủ nhật, ngày 04/03/2018 21:07 PM (GMT+7)
Luật sư nhận định, gia đình ông Thắng cần báo cáo cơ quan chức năng, nếu sau một năm không xác định được chủ nhân, cơ quan chức năng sẽ có phương án xử lý.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, sáng 27.2, ông Lê Quang Thắng - chủ máy xay xát lúa gạo ở thôn Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, trước đó, vợ ông là bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã nhiều lần đến các cơ quan thông tấn báo chí, đài truyền thanh địa phương nhờ đăng thông tin để tìm chủ nhân "để quên" số vàng mà gia đình phát hiện trong 1 bao lúa thu mua để về xay gạo.

Ông Thắng cho biết thêm, đến thời điểm này số lượng vàng mà gia đình ông phát hiện trong bao lúa vẫn chưa có ai đến để nhận lại.

Tuy vậy, để chính xác được chủ nhân chính của số vàng, gia đình ông Thắng đưa ra điều kiện chủ nhân số vàng đó phải nói được chính xác số lượng vàng họ "để quên” trong bao lúa, vàng đó nhãn hiệu gì, có dấu hiệu nhận dạng như thế nào?

img

Luật sư Trần Tuấn Anh. Ảnh: NVCC

Nếu đúng, gia đình ông Thắng sẽ mời chính quyền địa phương, đơn vị chức năng đến để lập hồ sơ bàn giao để đảm bảo vàng về tay chính chủ của nó.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp gia đình ông Lê Quang Thắng nhặt được vàng, sau đó đến cơ quan báo đài nhờ đăng thông tin tìm chủ nhân số vàng bị mất là hành động đáng được hoan nghênh và xứng đáng là tấm gương để mọi người học hỏi.

Về hướng xử lý, luật sư Tuấn Anh cho rằng, trước tiên phải xác định số vàng này là tài sản do người khác bỏ quên hay là tài sản vô chủ (tài sản không xác định được chủ sở hữu).

Việc xác định này được thực hiện bằng cách đem tài sản đã phát hiện được tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Luật sư Tuấn Anh thông tin, tài sản do người khác bỏ quên theo quy định của pháp luật thì đương nhiên người nhặt được bắt buộc phải trả lại người đã bỏ quên nếu biết địa chỉ của người đó.

Đối với trường hợp không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để cơ quan chức năng giúp tìm người đã đánh rơi.

Việc giao nộp tài sản này sẽ được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng tài sản, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Sau đó cơ quan chức năng đã nhận tài sản sẽ phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. Nếu không tìm được chủ sở hữu, không có ai đến nhận lại thì tài sản này được coi là tài sản vô chủ.

Đối với tài sản vô chủ, tại Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa: “tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó”. Với loại tài sản này người phát hiện tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó. Nếu tài sản vô chủ này là bất động sản thì sẽ thuộc về Nhà Nước.

Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu thuộc về người phát hiện tài sản.

Sau 5 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì quyền sở hữu thuộc về Nhà nước. Lúc này, người phát hiện sẽ được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

“Hành động của gia đình ông Thắng là rất đang trân trọng, tuy nhiên để thực hiện đúng quy định pháp luật hơn nữa thì gia đình ông cần đến UBND hoặc công an cơ sở để giao nộp số tài sản trên. Nếu sau ngày 26.2.2019 mà chưa tìm được chủ sở hữu thì tài sản này sẽ thuộc sở hữu của gia đình ông Thắng”, luật sư Tuấn Anh cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem