Cuộc đời lặng lẽ của họa sỹ được mệnh danh "Bùi Xuân Phái thành Nam"

Thứ năm, ngày 08/01/2015 15:01 PM (GMT+7)
Hồi sinh viên, thi thoảng có việc lên Phòng Đào tạo của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, tôi hay để ý tới một bức họa vẽ làng hoa Ngọc Hà treo trong Phòng Đào tạo.
Bình luận 0
Hồi sinh viên, thi thoảng có việc lên Phòng Đào tạo của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, tôi hay để ý tới một bức họa vẽ làng hoa Ngọc Hà treo trong Phòng Đào tạo. Bức họa rất ấn tượng bởi sự tinh tế và dịu dàng trong cách vẽ phong cảnh, cảm giác mà tác giả cho người xem như là lặng lẽ đi dạo trong hương hoa buổi sương sớm, rất trong trẻo và phấn khích. Mãi lâu sau này tôi mới biết đó là tác phẩm tốt nghiệp từ năm 1975 của họa sĩ - thầy giáo Trần Trung Kỳ.

Cả cuộc đời của họa sĩ - nhà giáo nghệ thuật Trần Trung Kỳ cống hiến cho nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật, tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nam Ninh trước đây, rồi Nam Định sau này, sau khi ông tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành Hội họa năm 1975. 

Ông sống và thực hành đúng như mô hình một thầy giáo - họa sĩ ở một vùng văn hiến là mảnh đất Thành Nam. Tốt nghiệp ra trường, trở về quê dạy học ở Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh nhà, cố gắng truyền thụ kinh ngiệm và lòng yêu nghề họa cho lớp trẻ nhiều chừng nào hay chừng ấy. Ông hướng cho sinh viên của mình, ai có lòng say mê lẫn khả năng thì mở rộng con đường học vấn bằng cách lên thi tiếp “trường Yết Kiêu”, còn không thì ra nghề làm giáo viên dạy họa cấp I, cấp II; ngoài việc dạy đàn trẻ yêu mầu sắc, nếu có thì giờ thì tích cực sáng tác cho các triển lãm khu vực. Đến nay, nhiều thế hệ họa sĩ thành đạt của Nam Định vẫn nhớ đến người thầy dạy họa ấy, hiền lành, yêu quý thế hệ trẻ và không bao giờ thôi kỳ vọng vào họ.

img
Ảnh chân dung họa sĩ Trần Trung Kỳ.

 

Với cốt cách khiêm nhường, tâm tính ưa tĩnh lặng, cũng như vùng hoạt động khoanh vào khu vực thành Nam, nên ngoài các thế hệ học trò, và một số ít người bạn, không phải ai cũng đã có dịp được chiêm ngưỡng đầy đủ các tác phẩm mỹ thuật được sáng tác nhiều thời kỳ và đa dạng của ông, từ thập kỷ 1950 cho tới nay.

Dù sáng tác thời kỳ nào, chất liệu nào, ngôn ngữ biểu hiện ra sao, các tác phẩm của ông đều toát lên một tình yêu thương và trân trọng quê hương, đất nước, con người rất đằm và giản dị thông qua những hình ảnh hội họa đặc sắc về những con phố cũ thành Nam, chân dung mọi vẻ con người và phong cảnh nông thôn vùng Sơn Nam hạ… Sự thay đổi của một thành phố có nhiều năm tuổi ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ luôn đi chậm hơn nhịp sống ở thủ đô, và điều đó được ghi nhận sát sao trên tác phẩm của Trần Trung Kỳ, với những dấu ấn về kiến trúc, phong cảnh như gần đây mà cũng như xa lắm.

 Ít ai biết, năm 1978 và 1980, hai tác phẩm “Tặng vật mùa thu” và “Thợ cấy” (khắc gỗ màu) của ông được Hội Mỹ thuật gửi đi tham dự Triển lãm quốc tế tại Cộng hòa dân chủ Đức. Và đến 1984, họa sĩ được cử đi tham dự trại sáng tác quốc tế tại Bulgaria, như một nét đại diện của tâm hồn Việt Nam thuần khiết qua hội họa. Tác phẩm khắc gỗ xuất sắc “Đan lưới” của ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua và lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng.

img
Nghỉ chân (tranh lụa).

Cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Trần Trung Kỳ rất khiêm nhường và lặng lẽ. Khi đã nằm liệt trên giường không thể đi lại, làm việc, ông nói một câu, như là tổng kết cuộc đời nghệ thuật của mình: “Lặng lẽ thôi, lặng lẽ thì mới vẽ được, mình không ép mình, cũng không ép người, vậy tranh nó mới tốt”. Tất cả những làn sóng nội tâm của ông đều đi qua bình lặng như vậy trên tác phẩm của nhiều thời kỳ. Không có biến cố hay bi kịch nào được mô tả, chỉ đọng lại nhiều nhất là tình yêu quê hương và con người. Có nhà sưu tập nhận xét về tranh và con người của ông là một “Bùi Xuân Phái của Nam Định”.

Hiện nay, họa sĩ - nhà giáo Trần Trung Kỳ đã 76 tuổi, và đang kiên cường chống chọi lại căn bệnh ung thư ác tính được phát hiện ra từ đầu năm 2014. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông sẽ khai mạc tại Bảo tàng Nam Định ngày 27-12, tuy không thể trưng bày đầy đủ số tác phẩm trong hơn 40 năm sáng tác, nhưng sẽ là một hành trình với những tác phẩm đặc trưng trong nhiều thời đoạn khác nhau, nhằm dựng lại một nét chân dung cuộc đời nghệ thuật của một “văn nhân họa” thành Nam tiêu biểu.

(Theo Tạp chí Ngày Nay online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem