Vay 13 cây vàng nhưng chây ỳ không trả, gần 4 năm thi hành án dân sự không thể xác minh được tài sản

Đình Việt - Đông Anh Thứ năm, ngày 02/05/2024 11:13 AM (GMT+7)
Gần 4 năm nay, dù Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Bù Đăng đã hai lần ra quyết định kê biên cưỡng chế nhưng đều phải thu hồi. Người được thi hành án vẫn chưa nhận được quyền lợi chính đáng.
Bình luận 0

2 lần ra quyết định kê biên, cưỡng chế nhưng đều phải thu hồi

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh An, trú thôn 8, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) trình bày, tháng 8/2017, vợ chồng ông cho vợ chồng ông Phạm Văn Thuyết, bà Vũ Thị Tuyết, là người ở cùng thôn vay 20 cây vàng SJC 9999 để làm ăn, thời hạn trả nợ là hết mùa điều năm 2017, 2018.

Vay 13 cây vàng nhưng chây ỳ không trả, gần 4 năm thi hành án dân sự không thể xác minh được tài sản- Ảnh 1.

Đã nhiều năm trôi qua, vợ chồng ông Nguyễn Thanh An vẫn chưa nhận được quyền lợi chính đáng của mình. Ảnh: CH

Hai bên viết giấy vay nợ vàng và thỏa thuận nếu đến hạn, vợ chồng ông Thuyết không trả được vàng thì trả 1,5 ha đất trồng điều mà vợ chồng ông Thuyết đang canh tác tại thôn 8, xã Bình Minh.

Tuy nhiên, đến hạn vợ chồng ông Thuyết không trả nợ như cam kết ban đầu. Sau nhiều lần đòi nợ, đến ngày 9/5/2019, vợ chồng ông Thuyết mới trả được 7 cây vàng SJC 9999 cho vợ chồng ông An.

Số vàng còn lại, dù vợ chồng ông An nhiều lần yêu cầu trả, nhưng người vay vàng không thực hiện. Vợ chồng An kiện vợ chồng ông Thuyết ra tòa. Năm 2020, TAND huyện Bù Đăng đã thụ lý vụ kiện của ông Thuyết.

Theo tài liệu của Dân Việt, sau nhiều lần mời hai bên làm việc, ngày 1/6/2020, TAND huyện Bù Đăng đã ra Quyết định số 27 công nhận sự thỏa thuận của hai bên.

Quyết định của tòa nêu rõ, vợ chồng ông Thuyết có nghĩa vụ trả lại tài sản cho vợ chồng ông An là 150 chỉ vàng SJC 9999. Thời hạn trả tính từ ngày 25/5/2020 đến ngày 7/7/2020.

Đến hết thời hạn trả vàng nêu trên, nếu vợ chồng ông Thuyết không trả hoặc trả không đầy đủ, vợ chồng ông An có quyền yêu cầu Chi cục THADS huyện Bù Đăng thi hành toàn bộ số vàng chưa trả.

Quyết định của tòa là vậy, nhưng quá thời hạn, vợ chồng ông Thuyết vẫn không trả nợ nên vợ chồng ông An đã làm đơn gửi Chi cục THADS huyện Bù Đăng yêu cầu thi hành án đối số vàng chưa trả.

Ngày 8/7/2020, Chi cục THADS huyện Bù Đăng ra quyết định thi hành án theo yêu cầu và cử chấp hành viên thực hiện.

Tài liệu thể hiện, quá trình xác minh điều kiện thi hành án, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Bù Đăng xác định vợ chồng ông Thuyết có 2 tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể gồm: Diện tích đất hơn 65,1 nghìn m2 trên đất trồng cây điều tọa lạc tại lô 2, khoảnh 3, tiểu khu 116 thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn do Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý tại thôn 8, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.

Và, diện tích đất hơn 4,4 nghìn m2, trên đất có 1 căn nhà xây cấp 4 và cây trồng trên đất, tọa lạc tại thôn 8, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Diện tích đất này cũng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý.

Năm 2021 và 2022, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Bù Đăng đã hai lần ra quyết định kê biên, cưỡng chế đối với hai tài sản trên. Tuy nhiên đều phải thu hồi vì các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đều xác định, các tài sản trên đều không thuộc sở hữu của vợ chồng ông Thuyết mà đang do Nhà nước quản lý. 

Vay 13 cây vàng nhưng chây ỳ không trả, gần 4 năm thi hành án dân sự không thể xác minh được tài sản- Ảnh 3.

Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: CH

Vẫn chưa xác minh được điều kiện thi hành án

Liên quan đến vụ việc này, một nguồn tin của PV Dân Việt tại Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cho biết, vợ chồng ông An sau đó đã có đơn khiếu nại đến Cục THADS tỉnh Bình Phước khiếu nại việc chậm thi hành án của chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bù Đăng với lý do chấp hành viên chậm xác minh tài sản, không giải quyết dứt điểm vụ việc, việc thi hành án kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình.

Ngày 7/11/2022, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung không chấp nhận khiếu nại của vợ chồng ông An.

Đến ngày 24/11/2022, vợ chồng ông An tiếp tục có đơn khiếu nại cho rằng Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Phước không xác định được tài sản thuộc diện được xử lý để thi hành án và căn cứ vào kiến nghị của Viện KSND huyện Bù Đăng để không chấp nhận khiếu nại của ông An là trái pháp luật.

Ngày 7/1/2023, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của vợ chồng ông An. Theo đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS cũng không chấp nhận khiếu nại của vợ chồng ông An.

Đồng thời, giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Phước với lý do là các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh Bình Phước đã làm đúng quy định của pháp luật.

"Hiện nay, chấp hành viên đang tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án của ông Thuyết và bà Tuyết để giải quyết theo quy định" – nguồn tin cho hay.

Sau các thông tin trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông An mong mỏi các cơ quan thi hành án quyết liệt thực hiện việc xác minh tài sản của vợ chồng ông Thuyết để thi hành án. Bởi, vợ chồng ông Thuyết vẫn sinh sống, canh tác và thu hoạch điều ở các diện tích đất trên nhưng chây ỳ trả nợ.

Nói với PV Dân Việt, ông Trương Văn Cường – Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bù Đăng cho biết, hiện đã xác minh được thêm tài sản của vợ chồng ông Thuyết.

Tuy nhiên, tài sản này vợ chồng ông Thuyết lại đang thế chấp ở ngân hàng nên Chi cục THADS huyện Bù Đăng đang tìm cách tháo gỡ.

Vẫn có thể kê biên được tài sản đang thế chấp tại ngân hàng

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Như vậy, có thể thấy rằng, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có thể được sử dụng để kê biên, thi hành án nếu người bị thi hành án không có tài sản khác hoặc tài sản của người này không đủ để thi hành án và giá trị của tài sản thế chấp lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Tuy nhiên, khi thi hành án tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, ngân hàng phải được chấp hành viên thông báo ngay về việc kê biên, xử lý thi hành án.

Khi đó, ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán theo khoản 20, Điều 1, Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014, nếu ngân hàng không phải là người được thi hành án, ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản khác.

Nghĩa là, khi bán tài sản hoặc xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể, số tiền nhận được phải được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng sau khi trừ đi án phí của bản án hoặc quyết định đó cùng với chi phí cưỡng chế…

Theo luật sư Thơ, tài sản đang bị cầm cố, thế chấp có những đặc thù riêng, không giống với những tài sản thông thường khác, quá trình xử lý tài sản cũng sẽ có những điểm khác biệt nhưng pháp luật chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Đặc biệt là hướng xử lý trong những trường hợp người nhận cầm cố, thế chấp không đồng thuận phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp, dẫn đến các cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn khi áp dụng pháp luật.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem