Theo người dân sống ở khu vực bãi biển Mỹ Khê, Thọ Quang, Mân Thái (Đà Nẵng), vào đêm 6.4 và rạng sáng 7.4, trên địa bàn có mưa to và nước thải đen ngòm từ 9 cống xả ở các bãi biển thuộc quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn đồng loạt chảy tràn ra biển.
Ngày 7.4, phóng viên đi thực tế tại các cống xả và ghi nhận dòng nước rất lớn đã làm bật tung một trong 6 cửa xả ở bãi biển Mỹ Khê khiến nhiều bùn đất đen và bốc mùi hôi thối chảy ra biển, tạo thành mương trên bãi cát.
Nước cống có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy ra biển Mỹ Khê, Đà Nẵng sáng 7.4. Ảnh: Đình Thiên
Trong khi đó, tại mương thoát nước hở phường Phước Mỹ, nước thải từ lòng cống chảy ra mang theo một lớp bùn đen bồi đắp thành 2 bờ dọc bờ cát. Tình trạng nước thải đen ngòm, hôi thối đổ ào ạt ra biển cũng xảy ra ở 5 cửa xả khác tại phường Mỹ An trong ngày 7.4.
Do bãi biển bị ô nhiễm nặng từ nước các cống xả đổ ra nên trong ngày 7.4, rất ít người dân và du khách xuống tắm hay đi dạo trên bờ biển.
Chị Nguyễn Vũ Quỳnh Mai, khách du lịch tới từ Tuyên Quang, đang trú tại khách sạn Alacater (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà), tỏ ra rất thất vọng về môi trường biển Đà Nẵng.
"Mình vào Đà Nẵng du lịch cũng gần 10 lần rồi nhưng lần này thấy thất vọng quá. Mấy năm trước, mình chưa từng gặp trường hợp biển Đà Nẵng ô nhiễm đến mức này. Sáng nay, trời hơi lạnh nhưng 2 vợ chồng vẫn muốn ra biển thể dục, tắm táp nhưng nước thải ở đâu chảy ra khiến bãi biển đen ngòm, nước biển sủi bọt đen và có mùi thối nồng nặc. Cứ nghĩ rằng chỉ bị một đoạn nên hai vợ chồng chạy xa hơn nhưng dọc biển đều bị ô nhiễm tương tự", chị Mai nói.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay, đêm 6.4, trên địa bàn xuất hiện mưa rất lớn dẫn tới hệ thống cống xả quá tải khiến dòng nước mang theo bùn, đất có màu đen trong lòng cống chảy trực tiếp ra biển. Từ sáng sớm 7.4, nhân viên của công ty này đã thực hiện khử mùi và thu dọn rác thải dọc bãi biển.
Cũng theo ông Mai Mã, dọc tuyến biển phía Đông Đà Nẵng có đến 9 cửa xả đã tồn tại từ chục năm nay. Tất cả đều được thiết kế để thải nước mưa, nhưng mật độ xây dựng lớn tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn kéo theo sự quá tải nước thải sinh hoạt lên hệ thống thoát nước lạc hậu, việc nước mưa cuốn trôi bùn đất, nước thải ra biển là điều khó tránh khỏi.
“Đây là thực trạng của hệ thống thoát nước thải đã tồn tại bấy lâu nay. Do mưa quá lớn, nước mưa trong lòng cống quá nhiều, công ty vừa bơm về trạm xử lý nước thải để xử lý, vừa chờ cho nước mưa chảy hết mới tiến hành đóng các cửa xả rồi lấp cửa bằng cát biển, sau đó san gạt các lạch nước thải chảy ra biển”, ông Mai Mã cho hay.
Tình trạng nước thải chảy trực tiếp gây ô nhiễm bãi biển Đà Nẵng thường xuyên xảy ra. Ảnh: Đình Thiên
Liên quan đến trình trạng ô nhiễm tại các bãi biển, UBND TP.Đà Nẵng từng phải ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành tập trung xử lý ô nhiễm các cửa xả ven biển.
Trong đó, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra, chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải bố trí nhân lực, thiết bị để kịp thời san gạt, đắp cát hạn chế chảy tràn, xói lở bãi biển gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu 2 cơ quan trên phải phối hợp với Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nghiên cứu lắp đặt biển báo khuyến nghị hạn chế tắm biển tại khu vực các cửa xả, nghiên cứu việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý tại các trạm xử lý nước thải để phục vụ các mục đích như tưới cây, vệ sinh đường phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.