Không phải Triều Tiên, đây mới là đối thủ khiến Nhật "đứng ngồi không yên"

Phương Đăng (theo Reuters) Thứ tư, ngày 21/03/2018 18:55 PM (GMT+7)
Kho tên lửa đang phát triển của Triều Tiên có thể là mối đe dọa quân sự rõ ràng và tức thời đối với Nhật Bản. Nhưng các nhà hoạch định quốc phòng ở Tokyo đang tập trung đối phó với một đối thủ lớn hơn và thách thức hơn nhiều.
Bình luận 0

img

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 tối tân của Nhật Bản

Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự và chiếm ưu thế trên biển Đông - nơi hàng hóa Nhật Bản lưu thông tới các thị trường chính bao gồm châu Âu và Trung Đông. 

Hiện các chuyên gia quân sự Nhật Bản đang quan ngại Trung Quốc có thể đang nỗ lực mở rộng việc tiếp cận Thái Bình Dương thông qua chuỗi đảo Nhật Bản, nơi hiện vẫn đánh dấu sự hạn chế ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Tokyo nhận thấy việc các tàu chiến và máy bay chiến đấu Trung Quốc dễ dàng đi qua chuỗi đảo Okinawa là mối đe dọa đối với các tuyến đường biển quan trọng. Đối với Trung Quốc, việc tiếp cận chuỗi đảo này là một phần của tham vọng trở thành một siêu cường toàn cầu.

"Các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản đang được mở rộng và tăng cường. Trung Quốc đang xây dựng năng lực hoạt động tại các vũng biển xa và điều đó có thể được nhận ra bằng việc Trung Quốc đã có được tàu sân bay đầu tiên và đang đóng tàu sân bay thứ hai", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định.

Bắc Kinh đang không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng để xây dựng một lực lượng chiến đấu với đẳng cấp thế giới vào năm 2050 với các thiết bị hiện đại, gồm máy bay chiến đấu tàng hình và một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Năm 2018, Trung Quốc có kế hoạch chi 175 tỷ USD cho các lực lượng vũ trang, cao gấp 3 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, và bằng khoảng 1/3 ngân sách quốc phòng Mỹ.

“Tài chính là điểm yếu của chúng tôi, song điểm mạnh của chúng tôi là tinh thần kiên cường dân tộc”, một quan chức Nhật Bản giấu tên chia sẻ với Reuters về việc ngân sách quốc phòng thua xa đối thủ Trung Quốc.

Vị quan chức này cho rằng, nếu Nhật Bản có thể kiên cường đủ lâu, thì mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ lùi dần bởi xung đột nội bộ trong tương lai, những khó khăn kinh tế hoặc các sự kiện khác buộc Bắc Kinh phải rút lui.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vị quan chức trên. Ông Nozomu Yoshitomi là Giáo sư thuộc trường Đại học Nihon tại Tokyo, người đóng vai trò cố vấn cho chính phủ Nhật Bản với tư cách nhà phân tích quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cảnh báo rằng: "Hiện nay, chúng ta có phần ngang ngửa, song thực tế mà Nhật Bản đang phải đối mặt là đất nước này đang trở thành bên thua thiệt”.

Theo đó, giới quân sự Nhật Bản đang hối thúc chính phủ nước này phải tăng cường phát triển hệ thống khí tài quân sự, tăng đầu tư quốc phòng.

Quân đội Nhật Bản phải được trang bị thêm các tàu đổ bộ và máy bay không người lái để giám sát hoạt động của Trung Quốc. Đồng thời nước này cũng cần có các tên lửa không đối không và đất đối không mới có khả năng phá hủy các mục tiêu đang di chuyển và trên đất liền ở tầm xa hơn.

Nhật Bản cũng đã gửi đơn đặt hàng mới để mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin, trong đó có loại máy bay có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.

Mối lo ngại về Trung Quốc của Nhật Bản tăng cao khi Bắc Kinh mới đây từng triển khai 6 chiếc máy bay ném bom H-6 kèm TU-154 và Y-8 xâm nhập vào sân vùng lãnh thổ giữa chuỗi đảo Okinawa và Miyakojima.

Giáo sư Toshi Yoshihara thuộc một viện nghiên cứu quân sự ở Washington cho rằng, đây là cách Bắc Kinh muốn thử khả năng phản ứng và sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nhật Bản.

“Nếu các hoạt động này của Trung Quốc trở nên thường xuyên, họ sẽ buộc các lực lượng Nhật Bản phải chấp nhận sự hiện diện của PLA (quân đội Trung Quốc) như một điều hiển nhiên”, ông Yoshihara nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem