Su-57 Nga và F-22 Mỹ so găng ở "đấu trường" Syria, máy bay nào thắng?

Thứ sáu, ngày 23/02/2018 20:30 PM (GMT+7)
Việc Nga đưa tiêm kích tàng hình Su-57 tới Syria có thể dẫn tới những cuộc đọ sức bí mật với đối thủ F-22 Mỹ trong thời gian tới.
Bình luận 0

Một video xuất hiện trên mạng xã hội hôm qua cho thấy ít nhất hai tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga được cho là đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim ở Syria hôm 21/2. Nhiều chuyên gia phân tích quân sự công nhận tính xác thực của video và nhận định động thái này có thể dẫn tới những cuộc đối đầu bí mật giữa Su-57 Nga với tiêm kích F-22 tối tân của Mỹ trên bầu trời Syria, theo Task and Purpose.

"Nga đã điều gần như tất cả vũ khí hiện đại trong biên chế tới Syria, từ những khí tài đang phát triển tới oanh tạc cơ chiến lược. Việc tiêm kích Su-57 xuất hiện tại chiến trường này có thể nhằm tăng sức hấp dẫn của chúng trên thị trường xuất khẩu, đồng thời thu thập nhiều dữ liệu tình báo quý giá về phi cơ F-22", chuyên gia phân tích Justin Bronk tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh nhận định.

Theo Bronk, hai tiêm kích Su-57 hạ cánh xuống căn cứ Hmeymim dường như chưa được trang bị mẫu động cơ Saturn Izdeliye 30 mới được lắp đặt trên chiếc Su-57 mang số hiệu 052 hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Một số nhà phân tích cho rằng biên đội Su-57 tại Syria là nguyên mẫu đời đầu và không sử dụng những tính năng tàng hình mới nhất.

img

 Biên đội Su-57 trong quá trình thử nghiệm thực tế. Ảnh: RT.

"Su-57 chưa thể coi là đủ sức đối đầu với tiêm kích hiện đại nhất của phương Tây, do chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, việc đưa hai chiếc Su-57 tới Syria sẽ giúp Nga đẩy mạnh vị thế của dòng máy bay này trên thị trường xuất khẩu, khi chúng bắt đầu được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế", ông Bronk tuyên bố.

Ngay cả khi trong tình trạng chưa hoàn thiện và không mang vũ khí đối không, những chiếc Su-57 vẫn sở hữu hàng loạt cảm biến mạnh mẽ, giúp Moscow thăm dò đối thủ F-22, phát triển công nghệ chống tàng hình và xây dựng kế hoạch tác chiến tương lai.

Các nguyên mẫu thử nghiệm của Su-57 sử dụng cảm biến quang - điện tử 101KS Atoll và tổ hợp vô tuyến điện tử đa năng tích hợp (MIRES) Sh121, gồm radar N036 Byelka và hệ thống tác chiến điện tử L402 Himalayas.

Bản thân N036 không phải một đài radar đơn lẻ, nó được cấu thành từ radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) N036-1-01 ở mũi máy bay, cùng 4 cụm radar N036B-1-01 và N036L-1-01 ở hai bên sườn và diềm trước cánh của tiêm kích Su-57.

img

 Cách bố trí hệ thống radar N036 Byelka trên tiêm kích Su-57. Đồ họa: Indian Defence.

"Đây là cấu hình radar rất sáng tạo và tiên tiến, cho phép Su-57 mở rộng tầm theo dõi mục tiêu, nhất là với những tiêm kích tàng hình của đối phương", ông Bronk cho biết.

Nga có thể sử dụng tổ hợp Sh121 và 101KS để thu nhận tín hiệu nhận dạng tiêm kích tàng hình F-22 cũng đang được Mỹ triển khai trên bầu trời Syria, từ đó phát triển những giải pháp để phát hiện loại phi cơ này từ khoảng cách xa, vô hiệu hóa ưu thế tàng hình của nó.

Tàng hình trước radar là lợi thế lớn nhất của F-22 và F-35 khi phải chạm trán với các máy bay thế hệ 4++ như Su-30SM và Su-35S. Nó cho phép tiêm kích Mỹ bất ngờ tiếp cận và tung đòn đánh trước khi đối phương phát hiện, thay vì bị kéo vào những cuộc cận chiến mà phần thắng thường nghiêng về máy bay siêu cơ động của Nga.

Sự xuất hiện của biên đội Su-57 có thể buộc Washington phải thay đổi tính toán trên chiến trường Syria. Su-57 có thể phát hiện và theo dõi tiêm kích tàng hình Mỹ từ xa, cho phép lực lượng Nga ở Syria tìm cách đối phó với hoạt động quấy rối của Mỹ. Điều này cũng giảm tải cho hoạt động trinh sát của một chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U được Nga triển khai ở Syria.

img

 Su-57 mang tên lửa chống hạm và đối không tầm trung. Ảnh: Russian Planes.

Trong tình huống đối đầu, Su-57 có thể không cần mang quá nhiều vũ khí mà sẽ đóng vai trò tai mắt trên chiến trường, chuyên theo dõi và cung cấp tham số mục tiêu cho phi đội Su-30SM và Su-35S. Đây chính là chiến thuật được Mỹ áp dụng cho tiêm kích F-22 và F-35, khi chúng có thể phối hợp với những chiếc F-15 và F-16 cũ hơn.

Tuy nhiên, việc Nga thử nghiệm Su-57 tại Syria cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi. Những chiếc F-22 và máy bay tình báo điện tử Mỹ đủ khả năng ghi lại tần số hoạt động và tính năng cơ bản của Sh121, giúp Washington và đồng minh nghiên cứu phương án gây nhiễu và tăng tính tàng hình cho tiêm kích tương lai.

Tình hình Syria hiện nay cho thấy cả Nga và Mỹ đều không muốn đối đầu trực tiếp để dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn. Vì vậy, sự xuất hiện của biên đội Su-57 nhiều khả năng sẽ phục vụ mục đích hoàn thiện thiết kế, cũng như xây dựng chiến thuật và học thuyết sử dụng máy bay tàng hình cho Nga trong tương lai. Đây cũng là cơ hội hiếm hoi để quân đội Mỹ thăm dò tính năng của một trong những dòng máy bay tàng hình hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Tử Quỳnh (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem