Từ loạt bài của Dân Việt, Quảng Trị lập đoàn thị sát tình trạng phá rừng

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 02/03/2017 18:08 PM (GMT+7)
Từ loạt bài của Báo Dân Việt phản ánh tình trạng rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông bị “xẻ thịt”, sáng 3.2, tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn kiểm tra do ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị dẫn đầu.
Bình luận 0

img

Lực lượng chức năng thị sát tình trạng phá rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông sáng 3.2. Ảnh: Ngọc Vũ

Tuyến đường dẫn vào rừng để thi công thủy điện Khe Nghi (huyện Đakrông) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tháng 8.2016. Đến tháng 11.2016 tình trạng phá rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông bắt đầu xuất hiện.

Ông Trần Văn Tý, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông cho biết, trên tuyến đường nối thôn Khe Van (Hướng Hiệp) đến xã Hướng Linh (Hướng Hóa) có 65 cây gỗ bị chặt đường kính 10 - 65cm; tuyến đường vào thủy điện Khe Nghi có 78 cây gỗ bị chặt.

Nguyên nhân để mất rừng vì lực lượng giữ rừng mỏng, không được trang bị công cụ hỗ trợ. Các đối tượng phá rừng liều lĩnh, ngang nhiên chặt phá, có những hành động chống đối, đe dọa tính mạng lực lượng bảo vệ rừng… BQL rừng đã kịp thời phối hợp với kiểm lâm, xã, huyện chốt chặn, bảo vệ rừng nhưng khi lực lượng rời đi thì các đối tượng phá rừng lại hoạt động.

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho rằng, tình trạng phá rừng đáng báo động.

img

Cần lập trạm chốt chặn để chấm dứt tình trạng phá rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông. Ảnh: Ngọc Vũ

“Việc chốt chặn là cần thiết nhưng không bền vững. Phải tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân, chính quyền cấp xã bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân”, ông Trung nói. Theo ông Trung, cần lập một chốt chặn ngay ở đầu con đường đi vào rừng, gần quốc lộ 9.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị khẳng định, phản ánh của báo chí là đúng, có sự xâm hại rừng nhưng tính chất nhỏ lẻ. Các đối tượng dùng máy cưa, xe máy để phá và vận chuyển gỗ. Người dân đã lợi dụng con đường thi công thủy điện Khe Nghi để phá rừng. Ông Hưng nhấn mạnh, trong rừng phòng hộ, bất kỳ một loài cây nào cũng đều có giá trị. Nếu không kiểm soát, bảo vệ rừng thì nguy cơ bị xâm hại rất cao.

Ông Hưng đề nghị BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông đo đếm lại số lượng gỗ bị chặt phá, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, địa phương… chốt chặn, chấm dứt tình trạng phá rừng.

“Kiểm lâm, BQL rừng, UBND huyện phải phối hợp lập trạm chốt chặn ở một điểm bởi chỉ có một con đường độc đạo để vận chuyển gỗ. Nếu để gỗ ra khỏi rừng trách nhiệm thuộc về kiểm lâm. UBND huyện phải xử lý quyết liệt, không bao che cho các đối tượng phá rừng. Vấn đề lâu dài là phải tuyên truyền người dân bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Hưng nói.

img

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị cho rằng tình trạng phá rừng đáng báo động. Ảnh: Ngọc Vũ

Tại buổi kiểm tra xác định công ty Tân Hoàn Cầu không liên quan đến việc phá rừng như ý kiến một số thanh niên người Vân Kiều đã phản ánh với báo chí.

Trước đó, sau phản ánh của Báo Dân Việt về tình trạng rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông bị “xẻ thịt”, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu câu các cơ quan liên quan kiểm tra, báo cáo trước ngày 3.3.

Ông Phan Văn Tiếp, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Đakrông cho biết, Hạt đã tích cực phối hợp với các lực lượng tuần tra kiểm soát nhưng vì dân gần rừng, khó xử lý. “Chúng tôi đã lập một danh sách 20 đối tượng có hoạt động phá rừng, đang phục bắt quả tang”, ông Tiếp nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem