Vaccine chăn nuôi: Việt Nam tháo nút thắt lệ thuộc

Hà Vũ Thứ hai, ngày 20/02/2017 06:19 AM (GMT+7)
“Ta không thể đi tuần tự. Bây giờ đã hội đủ các thành tựu để đột phá thật nhanh trên mặt trận thuốc thú y, kể cả kháng sinh và vaccine” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định như vậy khi đi kiểm tra tình hình sản xuất vaccine thú y tại một số doanh nghiệp được Bộ NNPTNT lựa chọn sản xuất thí điểm vaccine lở mồm long móng (LMLM) cuối tuần qua 18.2.
Bình luận 0

Hóa giải nút thắt lệ thuộc vaccine ngoại

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nước ta đã có sự phát triển bứt phá khá ngoạn mục, tăng trưởng ở một số lĩnh vực duy trì ở mức 5-20%. Riêng mặt hàng lợn, năm 2016 chúng ta đã đạt 30 triệu con, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Những giống tốt nhất trên thế giới cũng được đưa về Việt Nam với quy mô khá lớn, 4,2 triệu con lợn nái. Về chế biến thức ăn, tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa kế hoạch định hướng là 25 triệu tấn vào năm 2020, với sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2016 đạt 23,5 triệu tấn, đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong các nước ASEAN và đứng thứ 10 trên thế giới.

img

Sản xuất vaccine tại Công ty RTD. Ảnh: Hà Vũ

Nền tảng ban đầu để chúng ta sản xuất vaccine thú y đã có sẵn, bây giờ chỉ cần sự liên thông, tháo gỡ về cơ chế để các sản phẩm nghiên cứu khoa học có thể gặp những người có điều kiện tổ chức sản xuất để đưa ra thị trường. Về những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ sẽ tổng hợp đầy đủ và sau đó sẽ mời các doanh nghiệp và các bộ ngành cùng dự họp để tháo gỡ ngay những nút thắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa nhanh sản phẩm của mình ra thị trường. Chúng ta phải có khát vọng đột phát đi nhanh trong sản xuất vaccine”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Kiểm lại trong tất cả các khâu giống, thức ăn, quy trình, những điều kiện tổ chức sản xuất, chúng ta đều ở mức khá trở lên, song khâu yếu nhất hiện nay trong quy trình tổ chức sản xuất đó là phòng và chữa bệnh. Chúng ta tổ chức chữa bệnh và phòng bệnh thì được, nhưng cơ sở cội nguồn để làm việc đó lại rất yếu; toàn bộ khánh sinh,  vaccine cơ bản phải nhập khẩu”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do chúng ta không phòng bệnh một cách tận gốc – chủ động sản xuất kháng sinh, vaccine, nên dẫn đến tình hình dịch bệnh không ổn định một cách chắc chắn, giá thành sản phẩm chăn nuôi cao và chất lượng chưa đảm bảo sạch.

Xác định việc lệ thuộc vào kháng sinh, vaccine nhập khẩu là khâu yếu, trong 2 năm qua, lãnh đạo Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp đã tập trung dồn sức để Việt Nam sản xuất được thuốc thú y, trong đó có kháng sinh và vaccine. Là 1 trong 3 đơn vị được Bộ lựa chọn thí điểm nghiên cứu và sản xuất vắc xin LMLM, ông Vũ Tiến Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Công nghệ nông thôn (RTD) cho biết, đến nay công ty đã phân lập và tuyển chọn được bộ chủng giống gốc virus LMLM các type O, A, Asia1và Sub-Type để nghiên cứu sản xuất vaccine; đã nghiên cứu thành công vaccine type O và đang hoàn tất hồ sơ để nghiệm thu cấp quốc gia vào tháng 4.2017 cho 2 nhiệm vụ: Nghiên cứu tạo giống gốc LMLM để sản xuất vaccine; nghiên cứu, chế tạo vaccine phòng bệnh LMLM Type O cho gia súc.

Theo ông Lâm, hiện nay công ty có 13 sản phẩm để đăng ký thực hiện, trong đó có nhiều sản phẩm đa giá (vaccine phối kết hợp nhiều bệnh trong một) và có những sản phẩm lần đầu tiên sản xuất ở Việt Nam. Về mặt công nghệ, công ty  đã làm chủ một số công nghệ có thể so sánh với các công ty trên thế giới. Tương tự, TS Trần Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành Công ty Marphavet cho hay, hiện công ty đang có 10 dây chuyền sản xuất vaccine thú y, dược thú y và chế phẩm sinh học. Công ty đang đầu tư xây dựng 1 dây chuyền sản xuất vaccine LMLM riêng theo tiêu chuẩn GMP - WHO (đang triển khai xây dựng được trên 80%).

Đi nhanh để tạo đột phá

Từ năm 1997 – 2015, Cục Thú y đã định hướng và chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI thu thập được 222 mẫu virus LMLM tốt nhất về các mặt để đưa vào nghiên cứu sản xuất vaccine (bao gồm 154 mẫu virus týp O, 65 mẫu virus týp A, 03 mẫu virus týp Asia 1).  Hiện nay đang tiếp tục thu thập các mẫu virus từ thực địa; nghiên cứu thẩm định mẫu vi rút  týp Asia 1. “Với vaccine đơn giá týp O, dự kiến đến tháng 6.2017 có sản phẩm gửi đăng ký lưu hành; dự kiến tháng 12.2017 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp” – Cục Thú y cho biết.

Theo ông Vũ Tiến Lâm, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đang giảm mạnh, thay vào đó là chăn nuôi quy mô lớn, tập trung. “Vaccine LMLM rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đây là vaccine chiếm thị phần lớn nhất, trong tổng số 100 triệu USD lượng vaccine tiêu thụ ở Việt Nam, có đến 20 triệu USD là vaccine LMLM” – ông Lâm cho biết. Tuy nhiên, sản xuất vaccine LMLM khó nhất là nếu mình làm hoàn toàn không chứa protein phi cấu trúc, làm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, thì phải đầu tư rất lớn, khoảng 400 triệu USD. Với mức đầu tư này, thì sản phẩm vaccine làm ra có thể xuất khẩu được. Do mức đầu tư lớn như vậy nên ông Lâm đề xuất cần có cơ chế riêng chỉ định thầu chọn vaccine LMLM cho phép sử dụng phòng chống dịch bệnh trong các chương trình của Nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem