Ảnh hưởng dịch Covid, tháng 8 xuất khẩu thủy sản giảm 26,8% có mặt hàng giảm 95,7%

18/09/2021 10:47 GMT+7
Số liệu Hải Quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cá tra, tôm các loại và cá các loại là 3 nhóm ngành ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh hơn mức giảm của trung bình ngành, trong tháng 8/2021. Tính đến cuối tháng 8/2021, có 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy.

Trong tháng 8/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 595 triệu USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm mặt hàng thủy sản đồng loạt sụt giảm mạnh, mức giảm từ 4,7% đến 95,7%, tùy mặt hàng.

Cụ thể, trong tháng 8, xuất khẩu tôm các loại đạt gần 283 triệu USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước; cá tra đạt gần 87,5 triệu USD, giảm 28,5%; cá các loại đạt 105 triệu USD, giảm 30%, trong đó xuất hẩu cá tuyết giảm mạnh nhất 65,3%.

Ảnh hưởng dịch Covid, tháng 8 xuất khẩu thủy sản giảm 26,8% có mặt hàng giảm 95,7% - Ảnh 1.

Tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh, có sản phẩm giảm 95,7%. Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

 Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ, nhuyễn thể, cua ghẹ & giáp xác ghi nhận mức sụt giảm lần lượt -19%; -14,8%; -24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,57 tỷ USD, tăng 7,1% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm các loại đạt 2,46 tỷ USD, tăng 6,5%; cá tra 994 triệu USD, tăng 8,8%; cá ngừ đạt gần 470 triệu USD, tăng 12,5%.

Ảnh hưởng dịch Covid, tháng 8 xuất khẩu thủy sản giảm 26,8% có mặt hàng giảm 95,7% - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam qua các tháng năm 2021. Nguồn: Số liệu Hải Quan Việt Nam

 Trước đó, theo khảo sát của VASEP tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được "3 tại chỗ"; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện "3 tại chỗ".

Với những nhà máy thực hiện được phương án "3 tại chỗ" lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.

Tính đến cuối tháng 8/2021, có 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.

VASEP cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách nên doanh nghiệp thủy sản không thể quy động được nguồn nguyên liệu, nguyên liệu bị đùn ứ nên giá nhiều mặt hàng thủy sản đã giảm mạnh, người dân không tiếp tục thả nuôi… Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm.

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục