Bất động sản Hải Phòng “nóng” lên từng ngày, điều gì đang chờ đợi nhà đầu tư?

07/09/2023 14:47 GMT+7
Khi thành phố Hải Phòng mở rộng, nguồn cầu cho thị trường thương mại và lưu trú cũng sẽ gia tăng. Các lĩnh vực cần lưu tâm là phát triển dịch vụ hậu cần, bến cảng cho tới chủ đầu tư các dự án nhà ở tìm kiếm các phân khúc mới nổi như nhà ở công nhân.

Đó là nhận định của Savills trong Báo cáo mới đây về thị trường bất động sản tại Hải Phòng với tựa "Động lực phát triển bất động sản Hải Phòng".

Quý 2, Hải Phòng thu hút 1,98 tỷ USD, tăng 80%

Trong nửa đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng 9,9% theo năm, cao hơn 6,2 điểm % so với trung bình cả nước. Hải Phòng đứng thứ ba toàn quốc và đứng đầu trong vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Đến năm 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ chiếm 6,4% tỷ trọng GDP cả nước, tăng từ mức 3,9% trong năm 2022.

Tính đến Q2/2023, Hải Phòng đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,98 tỷ USD, tăng 80% theo năm. Đến 6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng có 480 dự án FDI tại các khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn đầu tư 24,85 tỷ USD, các nhà đầu tư đáng chú ý bao gồm LG (Hàn Quốc), Bridgestone (Nhật Bản), Regina Miracle (Hồng Kong) và Pegatron (Đài Loan). Sự gia tăng về FDI và các dự án đầu tư tại Hải Phòng sẽ tạo ra nguồn cầu cho các dự án nhà ở giá rẻ phục vụ công nhân và chuyên gia.

Hải Phòng đứng thứ 3 toàn quốc trong xếp hạng PCI 2022, chỉ sau Quảng Ninh và Bắc Giang. PCI thành phố đạt 70,7 điểm. PCI duy trì điểm số cao phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi và tiềm năng đầu tư trong tương lai.

Điều gì đang chờ đợi bất động sản Hải Phòng? - Ảnh 1.

Các lĩnh vực cần lưu tâm là phát triển dịch vụ hậu cần, bến cảng cho trới chủ đầu tư các dự án nhà ở tìm kiếm các phân khúc mới nổi như nhà ở công nhân.

Bất động sản thương mại: Cơ hội phát triển

Hải Phòng đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các dự án đang triển khai và đã có quy hoạch bao gồm đường cao tốc, đường vành đai, cảng và cầu. Tổng đầu tư công năm 2023 dự kiến vượt 22 nghìn tỷ VNĐ (929 triệu USD). Trong nửa đầu năm 2023, Hải Phòng đã giải ngân 8 nghìn tỷ VNĐ (338 triệu USD) và việc xây dựng Nhà ga số 2 của Sân bay quốc tế Cát Bi sẽ bắt đầu vào Q4/2023. Đến năm 2025, sân bay sẽ phục vụ 8,5 triệu hành khách mỗi năm và 13 triệu lượt khách mỗi năm vào năm 2030.

Mật độ bán lẻ hiện tại của Hải Phòng là 0,08m2/người, xếp sau các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội (0,32 m2/người), Thành phố Hồ Chí Minh (0,16 m2/người) và Đà Nẵng (0,10 m2/người). Trong Q2/2023, công suất bán lẻ tại 15 dự án tại thành phố tăng 2 điểm % lên 79% với giá thuê tầng trệt trung bình đạt 741.000 đồng/m2/tháng.

Nguồn cung văn phòng từ các dự án hạng B và C tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng trung bình ở mức 2%/năm từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023. Công suất thuê văn phòng đạt mức 91% và giá thuê đạt 238.000 VNĐ/m2/tháng. 

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định: "Kinh tế đang phát triển của Hải Phòng và đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng dẫn tới sự phát triển của các dự án văn phòng cao cấp đi kèm nhu cầu ngày càng gia tăng đối với mặt bằng tại trung tâm thành phố".

Nguồn cung khách sạn 3-5 sao đạt hơn 3.000 phòng. Khách sạn 5 sao chiếm 58% thị phần với 7 dự án. Công suất thuê tăng 7 điểm % theo năm và giá trung bình đạt 1,8 triệu VNĐ/phòng/đêm, ổn định theo năm.

Ngoài ra, nhờ thị trường công nghiệp năng động, Hải Phòng đã hình thành thị trường căn hộ dịch vụ. Làng quốc tế Hướng Dương do LG International đầu tư là dự án đầu tiên được khai Trương vào năm 1998. Nguồn cung căn hộ tại thành phố cảng này đạt 1.500 căn, chỉ đứng sau Hà Nội tại Miền Bắc. Thành phố đang tiếp tục nhận được dòng vốn FDI tốt, góp phần thu hút thêm nhiều người nước ngoài tới làm việc, từ đó thúc đẩy nhu cầu căn hộ dịch vụ. Theo quan sát, từ nửa cuối năm 2023 trở đi, 113 căn hộ dịch vụ sẽ gia nhập thị trường từ hai dự án, cả hai đều có thương hiệu quốc tế.

Nguồn cung căn hộ đạt 11.969 căn từ 11 dự án, tăng 5% theo năm, cao hơn Hà Nội 1 điểm %. Giá chào bán sơ cấp trung bình là 45 triệu đồng/m2, thấp hơn -15% so với Hà Nội. Kể từ năm 2019, giá sơ cấp căn hộ đã tăng thêm 8%/năm.

Từ 6 tháng cuối năm 2023 trở đi, dự kiến sẽ có 25.100 căn hộ mới. Thủy Nguyên sẽ chiếm 56% nguồn cung tương lai nhờ quỹ đất lớn và các khu công nghiệp tại đây bao gồm Nam Cầu Kiền và VSIP Hải Phòng.

Nguồn cung biệt thự liền kề tại Hải Phòng đạt 6.774 căn, tăng 5% theo năm. Quận Lê Chân có nguồn cung lớn nhất, chiếm 33%. Giá bán sơ cấp trung bình tại Hải Phòng là 49 triệu VNĐ/m2 đất, -240% thấp hơn tại Hà Nội.

Bà Hằng đánh giá, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng lớn từ việc phát triển các khu công nghiệp kèm theo sự phục hồi của lực lượng, tăng trưởng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải thiện cơ sở hạ tầng. Khi thành phố mở rộng, nguồn cầu cho thị trường thương mại và lưu trú cũng sẽ gia tăng. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các chủ đầu tư khai thác thị trường bất động sản tại Hải Phòng. Các lĩnh vực rất đa dạng và thu hút sự tham gia đầu tư từ phát triển dịch vụ hậu cần, bến cảng cho trới chủ đầu tư các dự án nhà ở tìm kiếm các phân khúc mới nổi như nhà ở công nhân.

O.L
Cùng chuyên mục