Bị Thanh tra Chỉnh phủ điểm danh vì giữ lại hơn 73.500 liều vắc xin, VNVC của ông Ngô Chí Dũng làm ăn thế nào?

03/01/2023 07:48 GMT+7
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Bộ Y tế đã quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vắc xin từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Công ty VNVC, dẫn đến việc công ty này giữ lại 73.504 liều vắc xin để tiêm chủng không có trong kế hoạch được phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu làm rõ việc VNVC giữ lại 73.504 liều vắc xin AstraZeneca 

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế.

Theo kết luận Thanh tra, Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vaccine từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC), dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vaccine để tiêm chủng. Và VNVC đã tổ chức tiêm 58.974 liều cho 68.099 người.

Thanh tra Chính phủ nhận định, việc này không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ. Nội dung này đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giữ lại hơn 73.500 liều vắc xin trong kết luận TTCP,  VNVC của đại gia Ngô Chí Dũng làm ăn thế nào? - Ảnh 1.

Bộ Y tế đã quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vắc xin từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Công ty VNVC, dẫn đến việc công ty này giữ lại 73.504 liều vắc xin để tiêm chủng không có trong kế hoạch được phê duyệt. Ảnh minh họa VNVC

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có văn bản đồng ý để VNVC được giữ lại 73.504 liều vaccine và tiếp nhận, phân bổ 1.067.700 liều vaccine (có hạn sử dụng ngắn đến 31/3/2022) cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu để triển khai tiêm chủng.

Việc này là chưa phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 77/TB-VPCP ngày 19/3/2022. Nội dung này cũng đang được Bộ Y tế tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến những vấn đề trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế làm rõ số lượng 73.500 liều vaccine VNVC đã giữ lại. Đồng thời kiểm tra việc tổ chức tiêm gần 59.000 liều vaccine cho hơn 68.000 người của VNVC theo đúng đối tượng, quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo miễn phí theo quy định, trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm việc để VNVC giữ lại vaccine và việc chỉ đạo phân bổ để triển khai tiêm chung số lượng vaccine đang đề nghị giảm giá bằng hình thức cung ứng bổ sung theo hợp đồng giữa VNVC và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Theo giới thiệu, VNVC là hệ thống trung tâm tiêm chủng vắc xin cho trẻ em và người lớn hàng đầu Việt Nam về cả quy mô, dịch vụ, chất lượng và uy tín. VNVC có hệ thống 4 tổng kho lạnh gần 100 kho lạnh đạt chuẩn GSP tại tất cả các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc (tính đến tháng 12.2022) có khả năng bảo quản cùng lúc đến hơn 200 triệu liều vắc xin tại cùng một thời điểm.

VNVC làm ăn thế nào?

Dữ liệu Etime cho thấy, Công ty CP Vaxin Việt Nam (VNVC) thành lập ngày 11/11/2016, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng và tiêm phòng.

Vốn điều lệ thành lập là 10 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hà góp 3 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 3 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 4 tỷ đồng (40%). Ông Ngô Chí Dũng (SN 1974) đồng thời cũng là Người đại diện Pháp luật kiêm HĐQT Công ty.

Đến tháng 5/2018, VNVC tăng vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hà góp 12 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 12 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 16 tỷ đồng (40%).

Đến tháng 10/2018, Công ty tăng vốn lên gấp đôi với 80 tỷ đồng, trong đó,bà Nguyễn Thị Hà góp 24 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 24 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 32 tỷ đồng (40%).

Tại thay đổi ngày 10/7/2020, vốn điều lệ của VNVC được tăng lên 140 tỷ đồng và không rõ cổ đông góp vốn.

Trong liên tiếp trong 2 năm 2017-2018, VNVC liên tục báo lỗ thuần lần lượt là âm hơn 7 tỷ và âm 39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2019, VNVC gây ấn tượng mạnh với doanh thu đạt 2.333 tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2018, lợi nhuận thuần VNVC còn 79,5 tỷ.

 Năm 2020, công ty này thu về hơn 3.800 tỷ đồng, lãi 90,4 tỷ đồng.

Được biết, năm 2021, khi đại dịch bùng phát, VNVC là doanh nghiệp đầu tiên nhập 117.600 liều vaccine Covid-19 từ hãng AstraZeneca.

Doanh nhân Ngô Chí Dũng giàu cỡ nào?

Trước khi có sự xuất hiện của VNVC, doanh nhân sinh năm 1974 Ngô Chí Dũng cũng đã được biết đến nhiều với vai trò sáng lập và điều hành CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - một tên tuổi lớn trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối thực phẩm chức năng.

Eco Pharma được thành lập đầu năm 2008 và là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của ông Ngô Chí Dũng.

Trên website công ty (ecopharma.com.vn), Eco Pharma giới thiệu hoạt động trong 3 lĩnh vực: Nhà nhập khẩu chuyên nghiệp; Mạng lưới phân phối rộng khắp; và hệ thống bán lẻ đạt chuẩn. Trong khi website thương mại điện tử ecogreen.com.vn cũng của doanh nghiệp này thì giới thiệu: “Công ty Dược phẩm ECO là đơn vị chuyên phân phối độc quyền các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ tại Mỹ, hiện đang là công ty dược phẩm hàng đầu của Việt Nam với sứ mệnh mang đến những sản phẩm chất lượng nhất, an toàn nhất dành cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất".

Giữ lại hơn 73.500 liều vắc xin trong kết luận TTCP,  VNVC của đại gia Ngô Chí Dũng làm ăn thế nào? - Ảnh 2.

Ông Ngô Chí Dũng.

Bên cạnh VNVC hay Eco Pharma, trong lĩnh vực bệnh viện, gia đình ông Ngô Chí Dũng cũng sở hữu Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh tại 108 Hoàng Như Tiếp, P. Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, thông qua nắm giữ cổ phần chi phối trong CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bệnh viện này có quy mô hơn 10.000 m2 đi vào hoạt động tháng 9/2016, dù doanh nghiệp dự án được thành lập từ trước đó khá lâu - năm 2007. Cập nhật vào ngày 15/6/2022, bệnh viện này tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, không rõ cổ đông góp vốn.

Ngoài các pháp nhân nói trên, ông Ngô Chí Dũng còn có CTCP Eplus Research và CTCP Dinh dưỡng NutriHome. Trong đó NutriHome ra đời vào cuối tháng 7/2019 với ngành nghề kinh doanh chính là “Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa - mã ngành 8620". Ban đầu, vốn điều lệ của NutriHome là 10 tỷ đồng, trong đó ông Dũng chiếm chi phối 60%, vợ ông là bà Hà Thu Nga cùng một người thân là bà Nguyễn Thị Tập chia nhau nắm giữ 40% còn lại. Đến tháng 8/2020 vốn điều lệ công ty này tăng lên mức 60 tỷ đồng. Đến tháng 4/2021, Công ty tăng vốn lên 120 tỷ đồng.

Trước khi là ông chủ của hệ sinh thái nêu trên, ông Ngô Chí Dũng là Tổng Giám đốc BV Pharma, với nghi án tiêu cực của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vào năm 2011. Vụ việc từng gây bão trên truyền thông và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.




An Vũ
Cùng chuyên mục