Chứng khoán ngày 25/11: VCB và VNM "ngược lối", VnIndex giảm tiếp phiên thứ 4

25/11/2019 17:17 GMT+7
Dù thu hẹp biên độ giảm điểm xuống mức 1,17% ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, song VCB vẫn là cổ phiếu tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhất lên các lên chỉ số.
Chứng khoán ngày 25/11: VCB và VNM "ngược lối", VnIndex giảm tiếp phiên thứ 4 - Ảnh 1.

VnIndex đã thu hẹp đà giảm song chủ yếu là nhờ lực kéo từ các cổ phiếu trong nhóm VN30.

Biểu đồ thể hiện diễn biến của chỉ số VnIndex ngày 25/11 vẫn có thấy sự phập phù, tâm lý lo ngại và kịch bản rung lắc trước thời điểm đóng cửa, vốn đã từng xảy ra ở rất nhiều phiên giao dịch trước đây. 

Theo đó, chỉ số VnIndex xuất hiện với sắc xanh ngay ở thời điểm mở cửa phiên sáng, song chỉ ít phút sau đã nhanh chóng bị nhấn chìm trong sắc đỏ do sức ép đến từ bộ ba "cổ phiếu họ Vin".

Nhưng rồi từ thời điểm 10h, thị trường bắt đầu đảo chiều, các chỉ số "leo dốc" về ngưỡng tham chiếu. Thậm chí, sắc xanh đã xuất hiện ở chỉ số VnIndex trong một số khoảng thời gian nhờ lực cầu tới từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thuộc nhóm VN30.

Theo đó, có thời điểm nhóm cổ phiếu VN30 ghi nhận tới 16 mã tăng giá, 7 mã giảm giá và 7 mã đứng giá, còn chỉ số VN30-Index tăng hơn 3 điểm. Tuy nhiên, với việc đa phần sắc xanh trong rổ đều dưới 1%, với vài ngoại lệ đến từ VNM, FPT, SAB, MSN, BVH và CTD. Vậy nên, VnIndex chỉ đang tăng nhẹ trên mốc tham chiếu.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến chỉ số VnIndex lùi về vùng 970 điểm. Trong đó, VCB bị khối ngoại "xả" mạnh trong phiên chiều, có thời điểm giảm gần 3% so với mức giá tham chiếu. Cộng thêm biên độ tăng giá của VNM, SAB và MSN đều thu hẹp, còn VHM đảo chiều giảm giá. Tất cả đã khiến VnIndex khiến giảm hơn 5 điểm. 

Song về cuối phiên giao dịch, VnIndex lại thu hẹp đà giảm nhờ sự phục hồi của nhiều cổ phiếu trụ cột. Trong đó, BVH tăng 1,7% lên 72.100 đồng, CTD tăng 1,7% lên 66.700 đồng, FPT tăng 1,1% lên 56.600 đồng, PLX tăng 1% lên 59.000 đồng, TCB tăng 1,1% lên 23.300 đồng, VNM tăng 1,2% lên 122.900 đồng.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quan, sức ảnh hưởng của các "cổ phiếu họ Vin" là VIC, VHM, VRE hay VCB, BID, SAB vẫn lớn hơn so với nhiều cổ phiếu khác trong nhóm VN30. Vậy nên, khi sắc đỏ đồng loạt xuất hiện ở các cổ phiếu này, chỉ số  VnIndex đã kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11 với mức giảm 1,43 điểm (0,15%) xuống 976,35 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 177 mã giảm và 75 mã đứng giá.

Về giao dịch khối ngoại trên TTCK Việt Nam, ngày 25/11, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên cả ba sàn với tổng khối lượng mua ròng đạt 5,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 64 tỷ đồng.

Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng đạt 5,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng trở đạt 63 tỷ đồng. Cụ thê,r CCQ ETF nội E1VFVN30 dẫn đầu danh sách được khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị mua ròng lên đến 67,6 tỷ đồng. Cổ phiếu DHC xếp thứ hai với giá trị mua ròng đạt 16,8 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VCB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị bán ròng lên tới 56 tỷ đồng. VCI và SSI xếp thứ hai và ba khi lần lượt bị bán ròng với giá trị 12 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng 1,2 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 464.821 cổ phiếu. Còn trên sàn UpCom, khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với giá trị mua ròng đạt 81,76 triệu đồng. 

Tổng kết lại, trái với dự báo của một số chuyên gia về nhịp hồi phục kỹ thuật và tăng ngắn hạn, phiên giao dịch ngày 25/11 đã kết thúc với sắc đỏ xuất hiện ở chỉ số VnIndex. Dù đã xuất hiện diễn biến khá tích cực ở một số cổ phiếu trong nhóm VN30 nhưng như vậy là chưa đủ để tạo sự lan tỏa ra thị trường rộng hơn.

Việc các chỉ số phục hồi thất bại và tiếp tục giảm sâu cho thấy rủi ro ngắn hạn đang hiện hữu và nhà đầu tư cần tập trung quản trị rủi ro cho danh mục thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.

Hoàng Nhật
Cùng chuyên mục