Chuyển động mới tại dự án cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang

31/05/2022 09:47 GMT+7
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên tiếp thu ý kiến của các Bộ, Cơ quan làm căn cứ đề xuất Thủ tướng điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3295/VPCP-CN giao UBND tỉnh Điện Biên là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1. Dự án có chiều dài tuyến từ TP.Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL279.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên tiếp thu ý kiến của các Bộ, Cơ quan tại các văn bản góp ý làm căn cứ đề xuất Thủ tướng điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Qua đó, đảm bảo kết nối đồng bộ, liên thông toàn tuyến, xác định khả năng huy động nguồn lực thực hiện đúng theo các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 và báo cáo Thủ tướng Chính Phủ xem xét quyết định.

UBND tỉnh Điện Biên được giao cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang - Ảnh 1.

Dốc Phadin quanh co, nối Sơn La với Điện Biên huyền thoại. Ảnh: ARTTIMES

Theo nội dung đề xuất của UBND tỉnh Điện Biên, dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 dài 50 km với quy mô 2 làn xe (giai đoạn 2 hoàn thiện quy mô 4 làn xe) dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành từ tháng 6/2026.

Bộ Tài chính cũng đã có góp ý về việc đầu tư dự án Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1), theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030).

Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ GTVT làm rõ sự cần thiết đầu tư, phù hợp với quy mô đề xuất cũng như tính kết nối đồng bộ dự án toàn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên. Dự báo nhu cầu, lưu lượng giao thông trên tuyến làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án sớm hơn so với quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, căn cứ theo quy định tại Luật PPP, việc đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Căn cứ sự cần thiết cũng như những điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện đảm bảo hồ sơ, trình tự thủ tục theo đúng quy định của Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2022, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 (đoạn TP. Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/QL279) theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BTL.

Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 8.177 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 5.900 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.269 tỉ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 2.989 tỉ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn như: ngân hàng, các nhà đầu tư có lợi ích liên quan như bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ.

Thế Anh
Cùng chuyên mục