dd/mm/yyyy

Dân đua nhau mua loại cá chỉ bé bằng đầu đũa, tiểu thương ngày bán vài tạ

Loại cá này chỉ xuất hiện một mùa trong năm và kéo dài khoảng vài tháng là hết, kích thước bé nhưng lại được rất nhiều người chuộng mua về thưởng thức.

Cá linh hay còn gọi là linh ngư là chi cá thuộc họ cá chép. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá linh là loài cá phổ biến vào mùa nước nổi, chúng bơi khắp các đồng rộng, sông dài, kinh to, rạch nhỏ. Chúng có nguồn gốc từ biển Hồ của Campuchia và cá linh thùy chiếm khoảng 60 – 70% tổng số cá trong mùa nước nổi ở An Giang.

Cá linh chỉ bé bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay, đó là “món quà” mùa nước nổi được thiên nhiên ưu ái tặng cho vùng đất miền Tây. Cá được nhiều người nhận xét là chất thịt ngọt, mềm, xương cũng mềm nên ai thưởng thức cũng đều ưa thích. Đặc biệt, cá linh có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau: cá linh kho nghệ, cá linh kho tiêu hay lẩu cá linh…

Dân đua nhau mua loại cá chỉ bé bằng đầu đũa, tiểu thương ngày bán vài tạ - Ảnh 1.

Cá linh có kích thước rất nhỏ, nhiều con chỉ bằng đầu đũa.

Theo anh Cường – một người sinh sống tại An Giang, cá linh đầu mùa là cá linh non, loại cá này chỉ nhỏ bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay, xương mềm, thịt ăn rất ngọt. Vì vậy, đầu mùa, giá cá linh thường cao hơn so với giữa và cuối mùa.

“Những con cá linh được bán ra chợ hay cho thương lái với mức giá 20.000 đồng/kg là loại cá tươi vừa bắt về, loại cá làm sạch thì khoảng 40.000 đồng/kg. Nhưng cá linh có loại nhỏ quá, người miền Tây chỉ để làm mắm thì giá bán chỉ có 7.000 đồng/kg”, anh nói.

Anh cho biết cá linh cuối mùa thường gọi là cá linh già, loại cá này thường có trứng nhưng không còn ngọt như đầu mùa nữa. Những năm trước, mùa nước nổi thường về sớm và nước tràn ngập bờ, lượng cá linh về rất nhiều, có từ đầu mùa tới cuối mùa. Nhưng năm nay nước về muộn lại ít, cá đầu mùa không nhiều.

“Thời điểm này, cá linh xuất hiện khá nhiều. Có gia đình một tối có thể bắt được đến 50kg cá linh để đem bán”, anh chia sẻ.

Dân đua nhau mua loại cá chỉ bé bằng đầu đũa, tiểu thương ngày bán vài tạ - Ảnh 2.

Chị Bích trung bình mỗi ngày bán được khoảng 2 tạ cá linh.

Chị Bích – một đầu mối thu mua cá linh ở An Giang, cho biết thời điểm này cá linh có rất nhiều. Mỗi ngày, chị đi thu mua của nhà dân trung bình được khoảng 200kg cá linh. Sau đó, chị về làm sạch và đóng gói, ủ đá gửi đi cho khách.

Theo chị, cá linh không được cấp đông, nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng chất lượng cá. Khi rã đông, cá linh sẽ nhũn, ăn không còn ngon. Vì vậy, chị chỉ ủ đá và gửi cho khách hàng.

Để đảm bảo chất lượng, chị chỉ bán cho khách ở một số tỉnh ở Đông Nam Bộ và xa nhất là Đà Lạt (Lâm Đồng) vì có xe đi đến tận đó. Hơn nữa, số lượng chị thu mua hằng ngày chỉ đủ bán cho một số lượng khách nhất định.

“Cá linh năm nay cũng ít hơn mọi năm một chút nhưng không phải quá ít nên giá bán vẫn ở mức 40.000 đồng/kg. Thời điểm đầu mùa, vào khoảng tháng 6 đến tháng 8, cá linh non sẽ được giá hơn, có người còn bán đến giá 300.000 đồng/kg. Nhưng năm nào cũng vậy, cá linh giá rẻ hơn khi vào giữa mùa và cuối mùa”, chị nói.

Chị cho biết cá linh non thường có vào đầu mùa khoảng 2-3 tháng, còn lại là cá linh già thường người dân mua về làm mắm. Năm nay, tính từ đầu mùa tới giờ, chị đã bán được khoảng 9 tấn cá linh.  

Theo Nguyễn Thơm (Nông thôn Việt)