Dịch Covid-19 biến hàng loạt doanh nhân Malaysia thành tỷ phú như thế nào?

16/06/2020 10:38 GMT+7
2020 có thể là một năm tồi tệ với kinh tế toàn cầu, nhưng là năm khởi sắc với các công ty sản xuất găng tay y tế, đồ bảo hộ tại Malaysia.

Malaysia là quốc gia sản xuất tới 65% nguồn cung găng tay cao su trên toàn cầu. Khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu găng tay và đồ bảo hộ tăng đột biến, có ít nhất 4 ông chủ công ty sản xuất găng tay tại nước này đã vụt lên thành tỷ phú, bao gồm cả hai công ty mới thành lập trong năm nay.

Nhà sáng lập Thai Kim Sim của Supermax là cái tên mới nhất gia nhập câu lạc bộ tỷ phú với khối tài sản ròng ước tính khoảng 1 tỷ USD do giá cổ phiếu công ty tăng vọt, theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.

Dịch Covid-19 biến hàng loạt doanh nhân Malaysia thành tỷ phú như thế nào? - Ảnh 1.

Tỷ phú Thai Kim Sim, nhà sáng lập công ty sản xuất găng tay cao su Supermax

Nhu cầu đồ bảo hộ cá nhân, trong đó có găng tay cao su tăng đột biến do dịch Covid-19 đã thúc đẩy giá cổ phiếu các công ty này, khiến quốc gia Đông Nam Á Malaysia vụt sáng thành điểm nóng tạo ra tỷ phú. Các ông lớn trong ngành như Hartalega Holdings và Kossan Rubber Industries đều được hưởng lợi nhưng một bước nhảy vọt khi giá cổ phiếu tăng mạnh 5 lần như Supermax là điều không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy những quy chuẩn sử dụng găng tay cho các mục đích khác nhau ngoài y tế, từ đó có lợi cho các nhà sản xuất găng tay trong dài hạn - ông Walter Aw, một nhà phân tích tại CGS-CIMB Research cho biết. Trong đó, câu chuyện của Supermax rất thú vị. Trong khi những nhà sản xuất khác tập trung vào cung cấp găng tay, Supermax tạo nên thương hiệu của riêng mình.

Ông Thai Kim Sim cùng vợ thành lập Supermax năm 1987 và kinh doanh găng tay cao su 2 năm trước khi mở rộng doanh nghiệp thành nhà sản xuất. Đây cũng là nhà sản xuất găng tay cao su đầu tiên ở Malaysia thành lập thương hiệu găng tay riêng thay vì cung cấp cho các thương hiệu khác, khi chính phủ nước này kêu gọi tăng cường các thương hiệu nội địa. Hiện găng tay Supermax có mặt tại hơn 160 quốc gia và cung cấp 12% nhu cầu găng tay trên toàn cầu. Theo hồ sơ doanh nghiệp, Thai Kim Sim và các thành viên gia đình ông này sở hữu 38% cổ phần Supermax.

Báo cáo doanh nghiệp cho thấy doanh số Supermax đã tăng 394% từ đầu năm đến nay, trong khi lợi nhuận ròng tăng 24% trong quý I/2020. Trước đó, công ty xuất ra thị trường 24 tỷ chiếc găng tay cao su hàng năm và đang tìm cách nâng doanh số lên 44 tỷ chiếc trong năm 2024.

Trong khi Supermax chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh 5 lần, Top Glove cũng chứng kiến giá cổ phiếu tăng gấp 3, qua đó nâng giá trị tài sản ròng của người sáng lập Lim Wee Chai lên 2,5 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg. Công ty đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 36% lên mức kỷ lục 348 triệu ringgit (81 triệu USD) trong tháng 3 đến tháng 5/2020, thời điểm dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu. Doanh số bán hàng cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Các doanh nghiệp sản xuất găng tay nội địa khác là Hartalega và Kossan Rubber thì chứng kiến giá cổ phiếu tăng gấp đôi vào năm 2020. Qua đó nâng khối tài sản của gia đình Kuan Kam Hon, nhà sáng lập Hartalega lên 4,8 tỷ USD và Lim Kuang Sia, nhà sáng lập Kossan Rubber lên 1,1 tỷ USD.

Ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su cho thấy nhu cầu găng tay toàn cầu có thể tăng 11% lên 330 tỷ chiếc trong năm nay. Khoảng 2/3 trong số đó có khả năng đến từ Malaysia, “vương quốc găng tay cao su” của thế giới. Malaysia đã trở thành nguồn cung găng tay cao su chính trên toàn cầu từ thập niên 80, khi nhu cầu găng tay tăng mạnh do dịch AIDS. Với chi phí lao động thấp và nguồn cung cao su dồi dào, các doanh nhân Malaysia đã tận dụng để phát triển ngành công nghiệp găng tay cao su lớn bậc nhất thế giới.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục