Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô: Muốn hiệu quả thì phải…nhanh

23/06/2020 14:20 GMT+7
Việc xây dựng một Nghị định mới trong bối cảnh “thời chiến” của dịch Covid-19 cần phải rất nhanh. Đặc biệt, với Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô chỉ có hiệu lực trong một thời gian ngắn từ nay đến cuối năm. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý không làm nhanh thì không thể phát huy được hiệu quả mong muốn

Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ thông qua Nghị định về giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp. Việc giảm 50% phí trước bạ hiện hành 10% -12%, người tiêu dùng Việt mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ chỉ phải đóng 5% đến 6% phí trước bạ khi đăng ký lần đầu xe ô tô.

Với các dòng xe phân khúc phổ thông, mức giảm phí trước bạ sẽ dao động từ vài chục triệu đồng tùy phiên bản và nơi đăng ký như Hyundai Accent có giá lăn bánh của xe giảm 21-33 triệu đồng, Toyota Vios giá lăn bánh giảm từ 23-35 triệu đồng, với Mazda 3, giá lăn bánh sẽ giảm 36-55 triệu đồng....

Đối với các dòng xe cao cấp như dòng VinFast Lux A2.0 có thể giảm khoảng 55-73 triệu đồng; dòng SUV VinFast Lux SA2.0 có thể giảm 79-100 triệu đồng.

Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô: Muốn hiệu quả thì phải…nhanh - Ảnh 1.

Ô tô lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, với mức giảm khá lớn này, có thể kích thích người dân tăng mua xe hơi thời điểm hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, việc ban hành chính sách hỗ trợ này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

"Bởi trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ bình thường mới sau dịch thì chính sách có tác động kích cầu tốt, tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hoá, đẩy mạnh sản xuất và phục hồi nền kinh tế", ông Long cho hay.

Trên thực tế hiện nay nhu cầu mua xe ô tô đã tăng mạnh so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhưng so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng giảm hơn nhiều. Vì vậy, trong lúc chờ Chính phủ thông qua Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhiều hãng xe nội địa đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá xe để kích cầu.

Như vậy, thời điểm này nếu Nghị định có hiệu lực người tiêu dùng sẽ được "hưởng lợi kép" từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và chính sách khuyến mãi của doanh nghiệp bán hàng.

Tuy nhiên, theo ông Long, cần phải xem xét Nghị định có quy định nào cần phải giải thích bằng Thông tư hay không? Nếu có Thông tư hướng dẫn, Bộ Tài chính cần phải làm ngay để khi Chính phủ thông qua người dân sẽ không còn phải chờ đợi.

Trên thực tế, Nghị định hỗ trợ này chỉ có tác động trong một thời gian ngắn từ nay đến cuối năm, nếu cơ quan quản lý không làm nhanh thì không thể phát huy được hiệu quả như mong muốn. Vì người mua xe tất nhiên sẽ tiếp tục phải chờ đến khi nào được áp dụng chính sách mới.

Một chuyên gia tư pháp cũng thừa nhận, việc xây dựng một Nghị định mới trong bối cảnh "thời chiến" của dịch Covid-19 cần phải rất nhanh. Với Nghị định giảm lệ phí trước bạ xe ô tô, theo vị này, không cần phải ban hành Thông tư hướng dẫn, bởi quy định đã rõ ràng ngay trong nội dung Nghị định.

Được biết, hiện nay việc áp dụng thu lệ phí trước bạ cho tất cả các loại xe ô tô, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ đang được thực hiện theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP. 

Nhật Minh
Cùng chuyên mục