Hà Nội "mạnh tay" với xe khách không truyền dữ liệu GSHT

26/04/2021 06:30 GMT+7
Để chấn chỉnh tình trạng xe kinh doanh vận tải "chống đối" việc truyền dữ liệu, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện ngay việc truyền dữ liệu, sẽ kiên quyết tạm dừng cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải.

Trong những tháng đầu năm 2021, tình trạng phương tiện vi phạm truyền dữ liệu GSHT vẫn phổ biến. Đặc biệt, trong tháng 2, trên địa bàn thành phố có hơn 630 đơn vị vận tải với gần 2.000 phương tiện vi phạm về tốc độ; hơn 4.500 đơn vị với 32.484 phương tiện vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 12.138 đơn vị với 69.679 phương tiện vi phạm về truyền dữ liệu GSHT.

Trong tháng 3/2021, có 344 đơn vị với 843 phương tiện vi phạm về tốc độ; 5.420 đơn vị với 35.655 phương tiện vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 12.189 đơn vị với 80.730 phương tiện vi phạm về truyền dữ liệu GSHT.

Hà Nội "mạnh tay" với xe khách không truyền dữ liệu GSHT - Ảnh 1.

Sở GTVT kiên quyết xử lý xe kinh doanh vận tải vi phạm.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện ngay việc truyền dữ liệu; tăng cường công tác quản lý lái xe, kiểm điểm, xử lý đối với các lái xe thường xuyên vi phạm cũng như xử lý trách nhiệm của bộ phận (hoặc cán bộ) quản lý và theo dõi ATGT của đơn vị.

"Các đơn vị chưa thực hiện việc báo cáo, khắc phục vi phạm theo yêu cầu sẽ kiên quyết tạm dừng cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải", Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT thực hiện ngay việc cảnh báo đến các đối tác là đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện không thực hiện đúng các quy định về truyền dữ liệu; tổng hợp danh sách các đơn vị vận tải đã thực hiện cảnh báo việc không truyền dữ liệu gửi về Sở GTVT Hà Nội để xử lý vi phạm.

Theo Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021, xe kinh doanh vận tải hành khách trên 9 chỗ và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, cuối năm 2020, do suy kiệt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị lùi thời điểm áp dụng camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải.

Một số doanh nghiệp cho rằng, nếu thực hiện theo quy định của Nghị định 10 thì số lượng camera phải lắp đặt rất lớn. Nếu một chiếc xe khách 30 chỗ phải lắp tối thiểu 4 camera mới đủ để ghi hình ảnh lái xe, cửa lên xuống và khoang hành khách.

Giá camera với loại có tính năng truyền dữ liệu trung bình khoảng 3 triệu đồng/chiếc và số camera phải lắp cho toàn bộ đối tượng khoảng 900.000 chiếc, cùng với chi phí truyền dữ liệu khoảng 320.000 đồng/tháng.


Thế Anh
Cùng chuyên mục