Kinh tế Trung Quốc trước triển vọng tăng trưởng 8% trong năm nay

17/06/2021 15:11 GMT+7
Theo nhà phân tích chiến lược toàn cầu cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Cartica Management, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể là mối đe dọa tiếp theo với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Nhà kinh tế Julia Hermann thuộc Cartica Management nhận định rằng ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong nửa cuối năm, điều đó vẫn không gây ra mối quan ngại về quỹ đạo tăng trưởng của quốc gia Đông Á này.

Theo bà Julia, cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia có triển vọng kinh tế tăng trưởng hàng đầu trong năm nay sau khi trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương vào năm ngoái.

Quý I/2021, Trung Quốc báo cáo GDP tăng 18,3%. Con số này thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 19% của các nhà phân tích, nhưng vẫn là mức tăng trưởng ngoạn mục khi nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi hậu đại dịch. So với quý I/2019, GDP Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng 10,3%.

Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP 2,3% trong năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 8,4% vào năm 2021, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Điều này đồng nghĩa mặc dù Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát đại dịch, quốc gia này dường như không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra cho hầu hết các nước còn lại trên thế giới.

Kinh tế Trung Quốc trước triển vọng tăng trưởng 8% trong năm nay - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc trước triển vọng tăng trưởng 8% trong năm nay (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, nhà kinh tế Julia Hermann cũng lạc quan khi dự báo mức tăng trưởng GDP khoảng 8% cho Trung Quốc trong năm 2021, bất chấp nhiều rủi ro. “Tôi cho rằng mối đe dọa với triển vọng tăng trưởng lúc này có thể nằm ở lĩnh vực thương mại. Rõ ràng chúng ta đã chứng kiến một số hạn chế về năng lực cảng biển do sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Một đợt bùng phát dịch Covid-19 tại tỉnh Quảng Đông gần đây đã dẫn đến sự chậm trễ trong hoat động vận chuyển khiến chi phí logistics tại nhiều cảng lớn ở Trung Quốc đại lục tăng đột biến.

“Tất cả chúng tôi đều đang theo dõi và chờ đợi khi nhắc đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng” - bà Julia khẳng định. “Mọi thứ thực sự đang diễn biến tệ đi, vấn đề lớn nhất lúc này là nó sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa như thế nào”.

Triển vọng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số

Nhận định về đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số mà Trung Quốc đang thử nghiệm và sắp tung ra thị trường, bà Julia Hermann cho hay Bắc Kinh phải đối diện với ít thách thức hơn Washington khi tung ra một loại tiền tệ kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương quản lý.

Trung Quốc có thể sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới phát hành phiên bản kỹ thuật số của nội tệ trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh chóng. Không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Trung ương và giá trị thực của nó sẽ ổn định như giá đồng Nhân dân tệ vật lý. Ngoài ra, đồng tệ số không có tính ẩn danh như các đồng tiền ảo khác đang lưu hành trên thị trường, chẳng hạn bitcoin hay ether.

Trong khi đó, dự án đồng USD kỹ thuật số ở Mỹ vẫn còn đang trong giai đoạn thai nghén. Hồi tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Fed cho biết sẽ phát hành một bài nghiên cứu về đồng USD kỹ thuật số trong mùa hè này.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có ít rào cản hơn Mỹ về việc tung ra một loại tiền kỹ thuật số” - bà Julia cho hay. Bởi ở Mỹ, vấn đề quyền riêng tư là một thách thức lớn. Ngoài ra, Mỹ vẫn cần sự chấp thuận của pháp luật đối với đồng USD kỹ thuật số, bà Julia nói thêm.


NTTD
Cùng chuyên mục