dd/mm/yyyy

Nậm Pồ giúp dân no cơm, ấm áo

“Chúng tôi hiểu rằng làm NTM là làm cho gia đình mình, bản làng mình được ấm cái lưng, no cái bụng; con cháu được học hành… vì thế, dù khó khăn vất vả thì dân chúng tôi cũng tích cực tham gia làm NTM” - lão nông Vàng A Là ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tâm sự.

Nậm Pồ là một trong những huyện nghèo của cả nước. dân cư trong huyện hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nên mục tiêu trước tiên và lớn nhất của tất cả các chương trình kinh tế - xã hội ở đây là giúp người dân no cơm - ấm áo. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây cũng bắt đầu bằng những việc làm rất thiết thực. Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: Nậm Pồ là huyện thuần nông – lâm nghiệp với mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp.

Thực hiện kỹ thuật thâm canh lúa nước giống mới, năng xuất lúa vụ mùa ở Nậm Pồ đã nâng cao hơn so với trước đây, giúp nông dân đảm bảo an ninh lương thực.
Thực hiện kỹ thuật thâm canh lúa nước giống mới, năng xuất lúa vụ mùa ở Nậm Pồ đã nâng cao hơn so với trước đây, giúp nông dân đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đang cố gắng phát huy những nguồn lực và tiềm năng sẵn có ở địa phương để tạo thành thế trận sản xuất hàng hóa nông sản trên địa bàn. Hiện nay, ngoài cây lúa nương, lúa nước và cây ngô truyền thống thì đã có những nông sản mới giá trị thu nhập cao hơn được quan tâm đầu tư phát triển ngày một nhiều: Hơn 900 ha cây chất bột có củ như khoai, sắn, dong giềng; cây công nghiệp ngắn ngày có gần 500 ha như: Bông, Lạc, đậu tương; Cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp và những cây rau, củ, quả có hiệu quả kinh tế cao cũng đang từng bước xuất hiện ngày một nhiều cả về diện tích và sản lượng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu đi vào chiều sâu; từ chỗ chăn thả tự nhiên, đến nay bà con đã trồng hàng trăm ha cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; giúp chủ động nguồn thực phẩm cho gia súc, gia cầm…

Đến thăm trang trại chăn nuôi gia súc của lão nông Lò Văn Thái ở bản Tân Lập, xã Nà Bủng, thấy đàn trâu, bò của nhà ông có tới hơn 30 con và nhiều lợn, dê, gia cầm khác. Ông Thái bảo: Trước đây tôi cũng như nhiều họ dân khác chỉ nuôi gia súc thả rông nên nó mắc bệnh, sống hay chết nhiều khi chính chủ nhà cũng không biết. Khi hiệu quả chăn nuôi thấp thì chả ai muốn nuôi nhiều. Những năm gần đây, huyện và xã quan tâm lắm, cử cán bộ khuyên nông, cán bộ thú y đến tận bản tập huấn kinh nghiệm cho bà con.

Ai quan tâm, mong muốn học hỏi, mạnh dạn đầu tư thì cán bộ lại đến tận nhà hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho đến khi làm được thì thôi. Vì thế bây giờ không chỉ nhà tôi mà nhiều hộ khác cũng trồng cỏ, nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu nhốt chuồng hay nhốt trong vườn. Được ăn no lại chăm sóc tốt nên vật nuôi không chết, bán được nhiều tiền. Nhà tôi mỗi năm thu được cả trăm triệu đồng từ bán gia súc đấy. Nhưng có nhiều hộ còn giỏi hơn tôi, như ông Ngải Cù Lỷ ở Si Pa Phìn còn có tới hơn 100 con trâu, bò, ngựa… Nhà nước quan tâm hướng dẫn, lại tạo vốn vay ưu đãi nên nhiều hộ cũng mạnh dạn đầu tư làm ăn. Bà con cứ nhìn nhau mà làm theo nên cuộc sống thay đổi nhanh lắm. Khi dân đã tin Nhà nước rồi thì giao việc khó dân cũng làm thôi. Nông thôn mới ở Nậm Pồ này đi vào lòng dân bằng cách thiết thực như thế đấy.

Nguyễn Văn Chiến