dd/mm/yyyy

Nâng cao năng lực nông dân để phát triển mô hình tôm lúa bền vững

Đó là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức ngày 31/10.

Mô hình bền vững

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), hình thức nuôi tôm lúa phát triển nhanh ở ĐBSCL, năm 2000 diện tích nuôi tôm lúa là 71.000ha, đến năm 2014 tổng diện tích nuôi tôm lúa ở ĐBSCL đạt gần 153.000ha chiếm gần 28% diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng. Sản lượng tôm nuôi từ hệ thống tôm lúa năm 2014 ước đạt 65.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ vùng ĐBSCL và 11% sản lượng tôm nuôi cả nước.

Nâng cao năng lực nông dân để phát triển mô hình tôm lúa bền vững - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch tôm trong mô hình tôm - lúa.

Đến năm 2018 diện tích nuôi tôm lúa các tỉnh ĐBSCL đạt 185.000ha. Các đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngoài ra tôm càng xanh hỗn hợp giới tính, tôm càng xanh toàn đực, cua biển cũng được nhiều hộ nông dân thả xen ghép trong hệ thống tôm lúa.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều thừa nhận, thực tế đã chứng minh tôm - lúa là mô hình bền vững, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Danh Bộ (ngụ thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu), cho biết: "Năm 2018, tôi thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực luân canh và xen canh trong ruộng lúa. Tôi cải tạo lại công trình nuôi, đào thêm một ao ương để ương giống trước khi thả nuôi. Vụ nuôi năm 2018, tôi áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh lúa mà Trung tâm Khuyến nông đã tập huấn. Cuối vụ, tôm thu được 130 kg/ha/vụ, lúa được 7,6 tấn/ha/vụ, lợi nhuận toàn vụ được khoảng 34 triệu đồng".

Bà Châu Thị Tuyết Hạnh, Vụ Nuôi trồng thủy sản, thông tin: Năng suất nuôi tôm - lúa bình quân khoảng 300-500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35-50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa). Các giống lúa đang được trồng phổ biến ở vùng tôm lúa là các giống ST, Một bụi đỏ, Nàng keo, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677…

"Để giảm những rủi ro về xâm nhập mặn và giúp mô hình duy trì đạt hiệu quả cao cần phải quan tâm đồng bộ các yếu tố như tuyên truyền duy trì thực hiện mô hình, theo dõi và bám sát lịch mùa vụ, cải tiến lại hệ thống đồng ruộng, chủ động hệ thống bơm nước và phát triển theo hướng cộng đồng" - bà Hạnh thông tin.

Chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học

Tuy nhiên, tại diễn đàn nhiều đại biểu cho rằng mô hình canh tác tôm- lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Trong quá trình canh tác, nông dân cần thay đổi tư duy từ chữa bệnh sang phòng bệnh, quan tâm sử dụng chế phẩm sinh học.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: "Cần đánh giá đúng những hạn chế, tồm tại của mô hình để cùng giải quyết, đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, áp dụng các mô hình nuôi tôm lúa hiệu quả. Bên cạnh đó, liên kết chặt chẽ từ cung ứng đầu vào đến đầu ra của con tôm, cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả".

Nâng cao năng lực nông dân để phát triển mô hình tôm lúa bền vững - Ảnh 2.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì Diễn đàn.

Tại diễn đàn, đa số các đại biểu đều nhận định, để phát triển nuôi tôm lúa một cách bền vững cần nâng cao năng lực sản xuất của nông dân và quản lý chất lượng giống, chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu mặn ở môi trường cao hơn 5‰; tập huấn, cung cấp tài liệu kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi tôm giống cho người dân để nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình ương nuôi tôm giống trước khi thả nuôi; chú trọng đến nghiên cứu phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu tôm thương phẩm chất lượng cao từ nuôi tôm lúa vùng ĐBSCL;…

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Minh - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cho biết: Những năm gần đây, nuôi tôm càng xanh trên đất lúa tại khu vực ĐBSCL đang phát triển nhanh. Năm 2018 diện tích thả nuôi tôm càng xanh là hơn 57.700ha (tăng 57% so với năm 2017), sản lượng đạt hơn 21.001 tấn (tăng 59% so với năm 2017).

"Sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh toàn đực là mô hình thủy sản có tính khả thi, có hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để tăng hiệu quả kinh tế. Tôm càng xanh toàn đực đồng đều, trọng lượng trung bình lớn và sạch do mật độ nuôi thấp, môi trường được bảo vệ tốt, sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu" - ông Minh thông tin.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: Mô hình tôm lúa có khả năng phát triển trong điều kiện nước biển xâm nhập, bảo vệ môi trường; sản phẩm lúa an toàn vì nông dân ít dùng thuốc bảo vệ thực vật.

"Để nâng cao hiệu quả mô hình, nông dân cần quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, người canh tác cần chuẩn bị ruộng, mương, hình thức nuôi thật kỹ, đặc biệt là hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn, nhằm cải tạo đất cắt mầm bệnh, tăng hiệu quả" - ông Tiêu nhấn mạnh.

Năng suất nuôi tôm - lúa bình quân khoảng 300-500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35-50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa).
Chúc Ly