Nhân viên từng bị khởi tố vì "vu khống" để đòi nợ, Công ty tài chính Mirae Asset kinh doanh thế nào?

17/10/2023 08:36 GMT+7
Từng có nhân viên bị khởi tố vì “vu khống” để đòi nợ trong năm 2022, tuy nhiên, Công ty tài chính Mirae Asset vẫn báo lãi hơn trăm tỷ đồng. Ngoài ra, loạt công ty tài chính khác cũng ghi nhận lãi lớn trong năm vừa qua.

Mirae Asset lãi hơn trăm tỷ

Vào cuối tháng 11/2022, Công an TP. HCM đã có thông tin về vụ án “Vu khống” để đòi nợ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Công ty tài chính Mirae Asset), sự việc này đã thu hút được sự quan tâm của dư luận vào thời điểm này, bởi Công ty tài chính Mirae Asset là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng có tiếng trên thị trường.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Tài chính TNHH Một Thành viên Mirae Asset (Việt Nam) được thành lập vào tháng 9/2011, có địa chỉ trụ sở chính tại Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Nhân viên bị khởi tố vì "vu khống" để đòi nợ, Công ty tài chính Mirae Asset kinh doanh thế nào? - Ảnh 1.

Từng có nhân viên bị khởi tố vì “vu khống” để đòi nợ trong năm 2022, tuy nhiên, Công ty tài chính Mirae Asset vẫn báo lãi hơn trăm tỷ đồng.

Cập nhật tại thời điểm tháng 9/2023, vốn điều lệ Công ty tài chính Mirae Asset đạt 1.500 tỷ đồng, doanh nghiệp này do Mirae Asset Capital Co.,LTD (Hàn Quốc) sở hữu. Ông Lee Jayong (SN 1972, quốc tịch Hàn Quốc) giữ vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Công ty tài chính Mirae Asset đạt 13.453 tỷ đồng, tăng thêm 2.120 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả Công ty tài chính Mirae Asset khoảng 11.718 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, thu nhập lãi thuần tại Công ty tài chính Mirae Asset đạt 2.628 tỷ đồng, tăng thêm 18% so với năm 2021. Đồng thời, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế gần 127 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kì. Lãi lũy kế đến cuối tháng 12/2022 của Tài chính Mirae Asset đạt 625 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp tài chính lãi lớn

Đáng chú ý, trong khi lợi nhuận sau thuế Công ty tài chính Mirae Asset đi ngang trong năm tài chính vừa qua, nhiều công ty tài chính lại báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2021.

Đơn cử, kết thúc năm 2022, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam báo lợi nhuận sau thuế hơn 312 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 234 tỷ đồng cùng kì năm trước đó.

Tương tự, năm 2022 lãi ròng Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam đạt 1.189 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 640 tỷ đồng so với năm 2021.

Công Ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance, UPCoM: TIN) cũng báo lãi ròng năm 2022 đạt 63 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đạt 960 tỷ đồng, tăng 100%.

Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) là đơn vị hiếm hoi trong danh sách các công ty tài chính ghi nhận lơi nhuận âm trong năm 2022, theo đó, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 2.376 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi xấp xỉ 313 tỷ đồng.

Khó khăn bắt đầu bủa vây các công ty tài chính

Tuy nhiên, bước sang 6 tháng đầu năm 2023, nhiều công ty tài chính đồng loạt báo lỗ. Cụ thể, nửa đầu năm 2023, FE Credit lỗ sau thuế 2.996 tỷ đồng. Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam lỗ sau thuế hơn 246 tỷ đồng.

Không đến mức thua lỗ như FE Credit, tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam cũng báo lợi giảm sâu so với năm vừa qua. Theo đó, kết thúc nửa đầu năm 2023, Home Credit báo lãi sau thuế hơn 211 tỷ đồng, mới chỉ hoàn thành được 12% số lãi của năm trước đó (năm 2022 lãi 1.189 tỷ đồng).

Tương tư, lợi nhuận sau thuế của Mcredit cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm 32% so với cùng kì, đồng 328 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty tài chính Mirae Asset vẫn chưa được cập nhật. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, sẽ không bất ngờ nếu lợi nhuận nửa đầu năm nay của Công ty tài chính Mirae Asset cũng suy giảm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định, thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.

Đáng chú ý, tỷ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao, trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.

Theo số liệu của VNBA, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.


O.L
Cùng chuyên mục