dd/mm/yyyy

Nhiều tỉnh ở phía Bắc bị thiệt hại nặng do hạn hán

Nắng nóng kéo dài tại miền Bắc đã gây ra tình trạng khô hạn, nhiều diện tích cây trồng thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo Sở NNPTNT tỉnh này cho biết, tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh có 2.474ha cây trồng bị hạn. Trong đó, cây lúa bị ảnh hưởng 615ha với 325ha bị thiệt hại 30-70%; có 194ha thiệt hại 70% và 131ha lúa mùa không thể gieo cấy.

Ngoài ra, có 1.178ha cây ngô, 419ha cây lâm nghiệp bị chết hoặc héo lá và 262ha cây trồng khác cũng chịu thiệt hại vì hạn hán.

Nguyên nhân hạn hán là do thời gian qua, trên địa bàn Bắc Kạn xuất hiện nắng nóng, lượng mưa ít.

Còn tại tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 đợt nắng nóng với nhiệt độ phổ biến từ 37-39 độ C; lượng mưa các tháng 4, 5, 6 giảm xuống từ 38-58% so với cùng kỳ các năm trước, gây thiếu nước cho sản xuất.

Diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng do nắng nóng, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp từ ngày 1/1 đến cuối tháng 6 tại tỉnh là hơn 11.500ha, tổng giá trị thiệt hại gần 752 tỷ đồng.

Một số diện tích cây trồng bị giảm năng suất, sản lượng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Để giảm bớt một phần khó khăn cho người dân, bù đắp một phần công lao động, các chi phí vật tư (giống, phân bón,…), giúp người dân có một phần kinh phí để khôi phục sản xuất, đảm bảo sinh kế, từng bước ổn định đời sống, ngày 17/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Phương án số 304/PA-UBND hỗ trợ thiệt hại diện tích cây trồng bị nắng nóng, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhiều tỉnh ở phía Bắc bị thiệt hại nặng do hạn hán - Ảnh 1.

Sông Nậm Na đoạn chạy qua xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cạn trơ đáy hồi đầu tháng 6/2023. Ảnh: Tuấn Hùng

Đối tượng được hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước là các hộ gia đình, cá nhân có diện tích cây trồng theo quy hoạch, kế hoạch, khung thời vụ và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

Mức hỗ trợ diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ (không hỗ trợ diện tích bị ảnh hưởng dưới 70%). Người dân chủ động khắc phục diện tích cây trồng, thủy sản bị thiệt hại dưới 70% và diện tích cây trồng lâu năm, cây hàng năm.

Kinh phí hỗ trợ khắc phục đối với diện tích mạ, lúa, ngô và rau màu bị thiệt hại trên 70% (khoảng 2.208ha). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự phòng ngân sách cấp huyện, nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của cấp huyện hỗ trợ.

Còn tại tỉnh Hà Giang, từ đầu tháng 4 và cả tháng 5, nắng nóng liên tục kéo dài, nhiệt độ ngoài trời trung bình từ 38 đến 40 độ C; tổng lượng mưa 5 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30 đến 60%.

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Giang, tính đến đầu tháng 6, tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh bị thiệt hại là gần hơn 4.600ha trên địa bàn 6 huyện, trong đó huyện Xín Mần hơn 2.000ha, huyện Hoàng Su Phì hơn 300ha, huyện Đồng Văn gần 1.300ha, huyện Yên Minh hơn 700ha, huyện Quản Bạ hơn 200ha, huyện Mèo Vạc 142ha.

Trong số diện tích cây trồng bị thiệt hại nêu trên, thì cây ngô có diện tích bị ảnh hưởng nặng nề nhất (hơn 3.700ha), trong đó thiệt hại từ 10 đến 30% là 378ha; thiệt hại từ 30 đến 70% là gần 2.000ha; thiệt hại trên 70% là hơn 1.300ha. Tiếp đến là cây đậu tương, diện tích thiệt hại 464ha, cây lúa diện tích thiệt hại là hơn 290ha...

Theo Dự báo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%, trong giai đoạn tháng 6, tháng 7 số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn và sẽ còn xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao. Lượng mưa thấp hơn khoảng 25 đến 50% so với trung bình nhiều năm và cùng thời kỳ nên tình trạng hạn hán, nắng nóng và thiếu hụt nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra gay gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Bình Minh