dd/mm/yyyy

Những cử nhân mang hoài bão ruộng vườn

“Vừa tốt nghiệp đại học, không lo kiếm việc làm mà lại ra đồng trồng rau, rồi đi bán rau… nên gia đình em lo lắng lắm, có lúc còn tưởng em thất nghiệp nên… làm bừa”! Câu chuyện với cô nông dân trẻ Nguyễn Thị Đào (quê An Giang, sinh năm 1992) bắt đầu như thế, khi phóng viên TTV nghe cô kể về hành trình từ giảng đường ra… đồng ruộng.

Nông dân trẻ Nguyễn Thị Đào thuyết phục khách mua sản phẩm rau sạch do mình trồng.

Không riêng Đào, khởi nghiệp với nông nghiệp không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ ở TP.HCM thời gian gần đây.

Gác bút nghiên đi trồng rau

Tốt nghiệp Đại học KHXH&NV TP.HCM, thay vì “rải” đơn xin việc khắp phố phường như nhiều bạn trẻ khác, Đào cùng chồng là Phạm Thế Tư (cử nhân IT, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sinh năm 1991) lại cùng nhau về Hóc Môn (TP.HCM) thuê đất trồng rau.

Vương mong muốn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về trùn quế tại Việt Nam. Việc này vừa giúp cung cấp nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời, giúp bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho nhiều năm về sau.

Để “thử nghiệm”, hai vợ chồng trẻ thuê mảnh đất rộng gần 3.000m2 ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM) trong 5 năm với giá 15 triệu đồng/năm để trồng rau. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, Đào và Tư chỉ dám trồng những loại rau đơn giản như rau muống, dền, đay, mồng tơi, rau cải các loại... Những loại này dễ trồng, dễ phát triển nhưng khi trồng theo hướng hữu cơ, Đào – Tư cũng nhiều phen “hú vía” vì bị sâu phá hại.

Hay như chuyện của Lê Minh Vương – Trưởng nhóm Thế hệ ưu tú gồm 5 bạn trẻ cùng đam mê nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Bắt đầu với dự án trồng dưa lưới nhưng rồi “xôi hỏng bỏng không” vì dưa bị ngập úng, không cho trái. Không chùn bước, Vương cùng nhóm bạn tiếp tục thai nghén nhiều đề tài khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, từ nuôi trùn quế, cải tạo bùn đáy ao tôm làm phân bón…

Qua nghiên cứu, Vương nhận thấy rằng, trùn quế là một loài sinh vật có rất nhiều ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với tất cả các loại cây trồng, giúp tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây, giữ ẩm cho đất, tăng tỉ lệ nảy mầm của hạt giống…

Với những lợi thế sẵn có để nuôi trùn quế như nguồn phụ phẩm từ các nhà máy đường, nhà máy bia, từ các ao nuôi tôm hay phụ phẩm nông nghiệp từ các trang trại trái cây, phân trâu bò…

Vương tính, dự án tiếp theo của nhóm sẽ là Tour du lịch sinh thái nông nghiệp cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các loại phân sạch từ trùn quế. Từ đó, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và mở rộng các mô hình này.

Kỳ vọng sức trẻ

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit nhận định, so với cách đây vài năm, giới trẻ đã quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp.

Ông Viên chia sẻ, thế giới đang rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch từ các nước phát triển, tốt cho sức khỏe, sắc đẹp và tuổi thọ của con người. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam xưa nay là thị trường tiêu thụ, là đầu ra của sản phẩm. Do vậy, bài toán thị trường rất quan trọng.

“Cái khó là sản phẩm làm ra phải bán được, vì nông sản rau, củ, quả các loại… sau khi thu hoạch buổi sáng mà đến buổi chiều không bán được thì có thể đã thành… rác. Muốn sản phẩm đứng được trên thị trường, muốn có người chịu bán giúp mình… phải có sự khác biệt so với sản phẩm khác”, ông Viên nhấn mạnh.

Ngày càng nhiều những thanh niên khởi nghiệp với nghề nông.

Còn với đạo diễn trẻ Phạm Công Chính, từng bỏ ngang công việc để… về trồng rau. Ban đầu, anh thuê 6.000m2 đất của một người bạn tại quận 9 (TP.HCM) để khởi nghiệp trồng rau. Sau nhiều lần mày mò nghiên cứu, anh Chính áp dụng mô hình thủy canh, vừa trồng rau vừa nuôi cá.

Nhiều người gọi anh là “Chính khùng”, vì dám về quanh quẩn vườn tược, rau cà. Cũng nhiều người cho rằng, anh Chính chưa từng “dính dáng” tới nông nghiệp, sẽ khó thành công. Thế nhưng, anh Chính lại nghĩ, người nông dân cũ có kinh nghiệm nhưng thiếu công nghệ, làm theo lối mòn, có kỹ sư hướng dẫn thì thay đổi trong lúc đó nhưng khi “hết dự án” thì đâu lại vào đấy.

Trong khi đó, nhiều người trẻ làm nông nghiệp sạch có lợi thế về việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và các mô hình mới trên thế giới. Tư tưởng của các bạn trẻ bây giờ cũng thoáng hơn, nhanh chóng tiếp thu những góp ý từ thị trường, người tiêu dùng…

 “Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh các tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, thực hiện các công trình chống ngập, phòng chống lụt bão, triều cường, giao thông nông thôn, đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường”, 
Ông Trần Tấn Quý.

“Khác với lúc ở trường quay, làm nông nghiệp khiến tôi thấy mình mạnh mẽ hơn. Tôi hy vọng nhiều vào những bạn trẻ khởi nghiệp với nông nghiệp. Bằng sự thay đổi từ nhiều bạn trẻ thì môi trường nông nghiệp của mình mới sạch lên từ từ”, anh Chính nhận định.

Sẽ có 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp

Theo mục tiêu của Sở NN&PTNT TP.HCM, đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động. Kế hoạch này phụ thuộc khá lớn vào lực lượng thanh niên khởi nghiệp trong lúc lao động ngành này đang bị già hóa.

Để xây dựng được “đội quân” này, bình quân mỗi năm TP.HCM sẽ có khoảng 250 doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới. Ông Trần Tấn Quý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, ngành nông nghiệp đang rất ưu tiên cho những doanh nghiệp trẻ, đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp hiện có. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ các cơ sở, trang trại, HTX, THT… hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có mong muốn thành lập doanh nghiệp.

Cũng theo ông Quý, TP.HCM hiện có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự kiến, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp sẽ tăng trong thời gian tới, cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực NNCNC, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của thành phố.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, liên kết, vốn, đất đai… cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng logo, nhãn hiệu, website…

Về đào tạo nghề nông thôn, sau khi tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo, dạy nghề cũng như mong muốn thành lập doanh nghiệp của các đơn vị, định kỳ hằng năm, thành phố sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo các kiến thức liên quan tới “khởi nghiệp doanh nghiệp”.

Khải Huyền