dd/mm/yyyy

Những cung đường đèo "đắm say lòng người" khi du lịch Yên Bái

Trong hành trình du lịch đến Yên Bái, cùng với thăm quan những thắng cảnh đẹp như Mù Căng Chải, chè xanh Suối Giàng, Hồ Thác Bà… bạn còn có cơ hội trải nghiệm những cung đường đèo vùng cao "bay trong mây" ở nơi này.

Từ Yên Bái, du khách cũng thuận tiện khi muốn di chuyển tiếp đến các vùng du lịch nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Đền Hùng (Phú Thọ) trong hành trình khám phá những miền quê vùng cao.

Dưới đây là những cung đường đèo đưa bạn về với miền quê vùng cao đẹp mê hồn khi du lịch Yên Bái:

Vượt đèo Khau Phạ

Là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Đèo Khau Phạ có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279 liền mạch liên tiếp với đèo Chấu phía trước nó và đèo Vách Kim phía sau trên đường 32. Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H’Mông, Thái.

Đèo Khau Phạ là một trong những địa điểm nên đến khi đi du lịch Yên Bái.
Đèo Khau Phạ là một trong những địa điểm nên đến khi đi du lịch Yên Bái.

Đường đèo Khau Phạ có đến hai phần ba là đường cấp phối, gập ghềnh đá sỏi, chỉ đoạn đi qua Tú Lệ mới được làm đẹp hơn đôi chút. Trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua gấp khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho cánh lái xe vì con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào. Mặc dù là một địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch nhưng bạn vẫn phải thật thận trọng và chắc tay lái nếu muốn khám phá nơi này.

Thăm xã Tú Lệ

Là một thung lũng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ là một trong những điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách yêu vẻ đẹp thiên nhiên.

Ruộng bậc thang ở Tú Lệ.
Ruộng bậc thang ở Tú Lệ.

Tú Lệ giữa mùa Thu, lúa chín vàng ươm rạt rào như sóng núi. Mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm mới theo gió bảng lảng trên chái nhà… Tú Lệ có thể ví như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp.
Không chỉ thu hút du khách bởi những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải tháng 9, Tú Lệ còn hấp dẫn cả những tay săn ảnh khi người Thái nơi đây vẫn lưu giữ được nét sinh hoạt truyền thống là “tắm tiên” bên suối.

Thăm bản Lìm Mông

Bản Lìm Mông.
Bản Lìm Mông.

Bản Lìm Mông xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải -Yên Bái từ bao đời nay vẫn ẩn mình trong mây. Xưa nay, dân xê dịch vẫn thường rỉ tai nhau tứ đại hiểm địa Tây Bắc bởi độ khó hiểm trở của đường đi và cả bởi đó cũng là nơi… tận cùng, và Lìm Mông là một trong số ấy, đầy hấp lực đầy mời gọi và cũng đầy thách thức.

Thăm xã La Pán Tẩn

Xã La Pán Tẩn.
Xã La Pán Tẩn.

Nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa vân tay của trời, La Pán Tẩn không hổ danh là một trong 3 địa phương của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ruộng bậc thang – công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ cuối năm 2007.

Chế Cu Nha

Chế Cu Nha.
Chế Cu Nha.

Một xã của huyện Mù Cang Chải, nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km về hướng Hà Nội, đường vào xã này khá dốc và khó đi, không phù hợp lắm với những bạn đi lần đầu.

Đèo Lũng Lô

Đèo Lũng Lô.
Đèo Lũng Lô.

Đèo Lũng Lô mạn phía Yên Bái tiếp giáp Sơn La cũng trong cảnh tương tự như vậy. Con đèo dài 15 km này nằm trên quốc lộ 37, trong thời kì chống Pháp là một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên. Kể từ đó cho đến nay, con đường dần bị rơi vào quên lãng, nhất là khi đèo Khế nối Yên Bái với Sơn La được mở.

Cánh đồng Mường Lò

Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò. Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.

Cánh đồng Mường Lò.
Cánh đồng Mường Lò.

Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh – Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên). Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu chuyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào.

Về Bản Hốc

Cách Hà Nội gần 200km, Bản Hốc nằm ngay trung tâm của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Với gần 80% là dân tộc Thái, sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp. Nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái.

Bản Hốc.
Bản Hốc.

Đến với Bản Hốc ngoài được khám phá những nét thú vị, đặc sắc của văn hoá dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nghề thủ công hay thưởng thức những ly rượu men lá, rượu cần cùng với điệu xoè say đắm đã đi vào câu thơ, lời hát. bạn còn được ngâm mình trong suối khoáng nóng tự nhiên quanh năm có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ hoặc thử sức với những dãy núi đá vôi khám phá hang Dơi, tham gia đốt lửa trại….

Thăm xã Tà Sì Láng

Xã Tà Sì Láng.
Xã Tà Sì Láng.

Tà Sì Láng là một xã thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Phía bắc giáp Bản Mù, phía Tây giáp Phù Yên (Sơn La), phía Đông và Nam giáp huyện Văn Chấn. Dân cư ở đây 100% là người H’Mong, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương. Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, đường vào Tà Sì Láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường dân sinh nhưng nay cũng đã mở rộng khoảng 4-5m, thường xuyên sạt lở và ách tắc vào mùa mưa bão. Độ dốc của con đường cũng thuộc dạng khủng, từ 15-20%. (So với 6-8% độ dốc trung bình của các con đường khác ở Tây Bắc)

Thăm Bản Mù

Bản Mù.
Bản Mù.

Là một xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm huyện khoảng 12km. Nằm trên độ cao khoảng hơn 1000m so với mặt nước biển, Bản Mù quanh năm sương giăng kín lối với những ngôi nhà của đồng bào nằm lạc lõng trên những sườn núi.

Du lịch Yên Bái

Ngày 19.5.2017 tại Yên Bái, đã diễn ra Hội thảo giới thiệu và xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng của Yên Bái. Qua đó kết nối các tour, tuyến du lịch trong vùng Tây Bắc cùng với cả nước; đồng thời xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Hội thảo do do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức cùng sự tham dự của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tổng cục Du lịch Việt Nam và trên 100 công ty, doanh nghiệp du lịch, hãng lữ hành lớn trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, hiện nay bên cạnh việc chú trọng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Bắc và lân cận, Yên Bái đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để mời gọi nhà đầu tư và du khách du lịch đến nơi đây.

Du lịch Yên Bái, bạn sẽ có dịp thăm quan, khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; săn mây đỉnh Tà Sùa, Tà Sì Nhù huyện Trạm Tấu; trải nghiệm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên mùa vàng” đèo Khau Phạ; du lịch sinh thái mênh mông Hồ Thác Bà; đắm say vòng xòe Thái Mường Lò và du lịch cộng đồng miền Tây Bắc.

T.H (Tổng hợp)