dd/mm/yyyy

Nông dân xã nghèo Chiềng Lao giúp nhau phát triển kinh tế

Những năm qua, Hội Nông dân xã Chiềng Lao (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) luôn coi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội.

Nỗ lực vượt khó

Trước đây, người nông dân Chiềng Lao chỉ biết đến canh tác nương rẫy trồng cây ngô, cây sắn, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, định hướng hội viên đưa cây trồng, vật nuôi giống mới và sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là chuyển đổi phương thức sản xuất, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng vụ, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng, nhiều giống cây ăn quả bắt đầu được người dân đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả tốt, đem lại thu nhập khá.

Nhờ phát triển mô hình nuôi cá lồng nên kinh tế gia đình chị Lò Thị Phấn ngày càng ổn định.

Tiêu biêu như hộ gia đình ông Lường Văn Noãn, bản Nà Nong (Chiềng Lao) với mô hình trồng cây ăn quả, buôn bán dịch vụ và cung cấp cây giống, gia đình ông đã có thu nhập khá. Cũng giống như nhiều hộ nông dân khác ở Chiềng Lao, trước đây, hoàn cảnh gia đình ông Noãn khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng sắn trên đồi nương, còn chăn nuôi phục vụ sinh hoạt gia đình là chính vì không biết bán cho ai mua. Nhiều năm gia đình luôn bị cái đói cái nghèo đeo bám. Được Hội Nông dân tổ chức cho đi thăm qua học hỏi cách làm ăn mới ở một số nơi và tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, ông quyết định chuyển đổi hướng làm kinh tế, bỏ cây ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, xoài, mắc ca. Bên cạnh đó, qua nắm bắt nhu cầu thị trường ông mở thêm kinh doanh cây giống cung cấp giống cây trồng cho bà con trên địa bàn, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Với ý chí và quyết tâm vượt khó kinh tế gia đình ông Noãn ngày càng ổn định, khấm khá.

Cũng giống như ông Noãn, chị Lò Thị Phấn, nhờ Hội Nông dân, chị được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, chị đã đầu tư nuôi cá lồng bè trên sông và chăn nuôi đại gia súc, kết hợp với chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đúng phương pháp, cách làm trong sản xuất nên thu nhập của gia đình ngày một ổn định, đời sống gia đình ngày càng nâng lên.

 Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng tại các hộ gia đình.

Ngoài ra, Hội Nông xã còn phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện như Trung tâm dạy nghề, khuyến nông, thú y mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò, cá, trồng cây ăn quả trên đất dốc… thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Tạo sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm, nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo cho hội viên. Đến nay, trên địa bàn đã xây dựng được một số mô hình điểm trong phát triển kinh tế như nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây ăn quả trên đất dốc, nuôi cá lồng… hiện các mô hình này đang phát huy hiệu quả, được các hộ nông dân tiếp tục mở rộng, mở ra hướng đi trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Chiềng Lao.

Phát huy tinh thần đoàn kết

Trao đổi với chị Lò Thị Xuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Lao, được biết: Chiềng Lao là xã vùng 3 của huyện Mường La, kết cấu hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng điều, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn vì địa hình nơi đây hầu hết là đồi núi dốc, khiến việc áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất bị cản trở, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ nông dân. Hiện nay, Hội Nông dân xã có 25 cơ sở hội ở 25 bản, với trên 1.800 hội viên. Để giúp hội viên phát triển kinh tế và giảm nghèo, Hội Nông xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất, từ manh mún, nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

 Nông dân xã Chiềng Lao đang phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn thường xuyên xuống các cơ sở hội, tham gia sinh hoạt, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân, tuyên truyền, vận động hội viên tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ hội viên nghèo vượt khó vươn lên. Cùng với đó, rà soát nhu cầu vay vốn của hội viên, nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH cho hội viên nghèo vay thông qua các tổ vay vốn tiết kiệm, kết hợp với tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cuốn hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia, tạo động lực khích lệ nông dân khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương phát triển kinh tế gia đình. Từ phong trào đã có hàng trăm hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo.

Với phong trào thi đua sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của hội viên nông dân Chiềng Lao ngày càng được nâng lên.

Quốc Định