"Núi nợ" của Maldives và cuộc chiến "quyền lực mềm" Trung Quốc - Ấn Độ (Bài 2)

15/12/2020 06:00 GMT+7
Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đồng nghĩa với việc Maldives cần phải thận trọng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai gã khổng lồ châu Á.

Maldives "còng lưng" gánh nợ Trung Quốc

Thực chất, các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc triển khai tại Maldives, bao gồm cây cầu hữu nghị Trung Quốc - Maldives trị giá 200 triệu USD, đã để lại 'núi nợ' cho đảo quốc Nam Á này. Sau khi Tổng thống đương nhiệm Ibrahim Mohamed Solih nhậm chức vào tháng 11/2018 kế nhiệm Yameen, chính quyền ông Solih đã gặp khó khăn trong việc tìm hiểu xem liệu Maldives đang nợ Trung Quốc bao nhiêu. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Maldives cho hay chính phủ nước này đang nợ Bắc Kinh 600 triệu USD, cùng với 900 triệu USD khoản vay khác mà chính phủ bảo lãnh cho các công ty trong nước. Nhưng Chính quyền Solih tin rằng các khoản nợ thực tế (bao gồm cả nợ chưa minh bạch) thực sự cao hơn nhiều, lên tới 3,5 tỷ USD - tương đương hơn một nửa GDP quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận con số này.

'Núi nợ' của Maldives và cuộc chiến 'quyền lực mềm' Trung Quốc - Ấn Độ (Bài 2) - Ảnh 1.

Một tấm biển tại công trường xây dựng Cầu Hữu nghị Trung Quốc-Maldives có nội dung: "Ở đây, chúng tôi đại diện cho Trung Quốc!"

David Brewster, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Úc nhận định: “Có rất nhiều quan ngại về khả năng Maldives mất khả năng thanh toán các khoản nợ cho Trung Quốc. Nhiều khoản vay nợ trong đó xuất phát từ các dự án không có tính khả thi về mặt kinh tế”. Khi đại dịch Covid-19 tấn công ngành du lịch toàn cầu, làm mất đi nguồn thu ngoại tệ chính của Maldives, các khoản nợ đó ngày càng gây áp lực lớn lên nền kinh tế đảo quốc Nam Á này.

Ngân hàng Thế giới dự đoán Maldives sẽ là quốc gia Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, với GDP dự kiến giảm tốc 19,5% trong năm nay. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng dự báo Maldives thuộc top có nguy cơ vỡ nợ cao. Trong đó, nợ Trung Quốc chiếm 53% tổng nợ nước ngoài của Maldives. 

Các quan chức Maldives đang cố gắng đàm phán lại các khoản nợ với Trung Quốc. Vào tháng 9, Đại sứ Trung Quốc tại Maldives Zhang Lizhong cho biết Bắc Kinh đã chấp thuận đình chỉ các khoản vay song phương có chủ quyền cho Maldives theo Sáng kiến Đình chỉ dịch vụ nợ của G20. Nhưng Sáng kiến này không áp dụng với khoản nợ hàng trăm triệu USD mà chính phủ Maldives bảo trợ cho các công ty trong nước. 

Hồi tháng 7, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc EximBank đã yêu cầu chính phủ Maldives chịu trách nhiệm thanh toán 10 triệu USD nếu Ahmed Siyam - trùm nghỉ dưỡng Maldives, chủ sở hữu Ahmed Siyam Holdings - mất khả năng thanh toán khoản vay 127 triệu USD. Đến tháng 8, Ahmed Siyam Holdings đã hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, nhờ đó chính phủ không phải đứng ra trả nợ thay. Tuy nhiên, vụ việc vẫn được giới truyền thông Maldives nhắc đến như lời cảnh báo lớn về rủi ro phía sau gánh nặng nợ hàng tỷ USD với Trung Quốc.

Maldives cần trả Trung Quốc 83 triệu USD vào cuối năm nay và 320 triệu USD vào năm 2021. Như vậy, ước tính, 53% nguồn thu ngân sách của chính phủ Maldives trong năm tới sẽ được dùng để trả nợ, 80% trong số đó là các khoản nợ Trung Quốc.

Hướng đến Ấn Độ

Trong nhiệm kỳ chính quyền mới của ông Solih, Maldives ngày càng hướng trọng tâm tới xây dựng lại mối quan hệ với Ấn Độ. Tất nhiên, New Delhi cũng muốn khắc phục mối quan hệ song phương đã rạn nứt dưới thời ông Yameen. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, kể từ khi ông Solih nắm quyền đến nay, ổng hỗ trợ tài chính mà New Delhi cam kết dành cho Maldives đã vượt qua 2 tỷ USD.

'Núi nợ' của Maldives và cuộc chiến 'quyền lực mềm' Trung Quốc - Ấn Độ (Bài 2) - Ảnh 2.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih tại New Delhi vào tháng 12/2018, một tháng sau khi ông Solih nắm quyền

David Brewster cho hay: “Đây là gói hỗ trợ chưa từng có cả về quy mô và tốc độ triển khai với Ấn Độ. Nó khẳng định một điều rằng New Delhi đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của Maldives và sẵn sàng làm mọi thứ để đảm bảo ‘quyền lực mềm’ của mình ở đây”.

Đáng chú ý, chỉ một tháng sau khi ông Solih nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố gói hỗ trợ tài chính 1,4 tỷ USD cho Maldives trong bối cảnh quan ngại về gánh nặng nợ từ Trung Quốc tăng vọt. Vào tháng 8 qua, Ấn Độ tiếp tục công bố gói tài trợ 500 triệu USD cho dự án xây cầu nối thủ đô Malé với hàng loạt đảo Vilingili, Gulhifalhu và Thilafushi.  Gói này bao gồm khoản tài trợ 100 triệu USD và khoản vay ưu đãi 400 triệu USD với lãi suất thấp 1,75%, thời hạn tín dụng là 20 năm. Ngoài ra, Ấn Độ còn cam kết hỗ trợ ngân sách 250 triệu USD cho Maldives để thúc đẩy nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed đã nhận định gói tài chính này “chính xác là những gì Maldives cần”, là “sự giúp đỡ thực sự từ một nước bạn để giúp Maldives xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng chứ không phải những khoản vay thương mại đắt đỏ nhấn chìm Maldives trong nợ nần”.

Một loạt các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng do Ấn Độ tài trợ đang được tiến hành ở Maldives, bao gồm dự án sân vận động và bệnh viện ở Hulhumalé, dự án cảng 300 triệu USD ở Gulhifalhu, tái phát triển sân bay tại Hanimaadhoo và các dự án cấp thoát nước trên 34 hòn đảo.

Theo ông Nasheed, sự khác biệt lớn nhất giữa các dự án đầu tư của Trung Quốc và Ấn Độ là tính minh bạch. Các dự án của Trung Quốc “không có quy trình đấu thầu, Maldives không có quyền quyết định bên nào nhận thầu và giá cả là bao nhiêu”.

Nhưng ông  Manoj Joshi, một thành viên Tổ chức Nghiên cứu Observer Research Foundation (New Delhi) thì cảnh báo sẽ có những giới hạn nhất định với các gói hỗ trợ tài chính và đầu tư mà chính phủ Ấn Độ có thể ung cấp cho quốc đảo láng giềng. Nền kinh tế Ấn Độ đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 sau thời gian dài đóng cửa quốc gia. GDP quý II Ấn Độ giảm tốc 23,9%, mức sụt giảm kỷ lục. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7, khoảng một nửa dân số Ấn Độ có nguy cơ tái nghèo do mất việc làm. “Nền kinh tế Ấn Độ kém phát triển hơn Trung Quốc. Nếu chính phủ rót vốn phát triển cơ sở hạ tầng ở Maldives, người dân địa phương sẽ phản ứng “còn ở trong nước thì sao?””.

Maldives không thể và không định “chia tay” Trung Quốc

Dù đang nỗ lực xích lại gần Ấn Độ nhưng Maldives không đủ khả năng rời xa Bắc Kinh, một phần do gánh nặng nợ khổng lồ và phần khác do ngành du lịch phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn du khách từ Trung Quốc.

Chính phủ của Solih đã nhiều lần đảm bảo với Bắc Kinh về cam kết duy trì quan hệ song phương tốt đẹp. "Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác phát triển kinh tế song phương quan trọng của Maldives", Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã hồi tháng Bảy.

Đồng thời, Maldives cũng đang nỗ lực tiếp cận với các quốc gia lớn như Mỹ và Nhật Bản. Vào tháng 9, Nhật Bản đã đồng ý gia hạn khoản vay 47,5 triệu USD để hỗ trợ Maldives trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Tháng trước, trong chuyến công du 5 ngày ở Nam Á và Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố Mỹ sẽ mở đại sứ quán ở Malé. 

'Núi nợ' của Maldives và cuộc chiến 'quyền lực mềm' Trung Quốc - Ấn Độ (Bài 2) - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih trong chuyến công du hồi cuối tháng 10

Ông Brewster nhận định: “Đây là những hành động của các chính phủ cùng chí hướng nhằm ủng hộ lập trường của Ấn Độ và đảm bảo rằng chính phủ Maldives không chịu ảnh hưởng quá mức từ Bắc Kinh”.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đồng nghĩa với việc Maldives cần phải thận trọng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai gã khổng lồ châu Á.

“Chúng tôi không có ý định cắt đứt quan hệ với Trung Quốc… Nhưng chúng tôi thích những nước bạn cùng chung chí hướng dân chủ, và chúng tôi tin rằng Ấn Độ là một nền dân chủ như vậy” - Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed cho hay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục