dd/mm/yyyy

Nuôi vịt biển an toàn sinh học ở Thanh Hóa: Nông dân đảm bảo nguồn thu trong mùa dịch

Nuôi vịt biển không phải là mô hình quá mới lạ, nhưng nuôi theo đúng kỹ thuật, an toàn sinh học, đảm bảo đầu ra bền vững thì từ 2 năm nay nông dân Thanh Hóa mới chính thức làm quen với mô hình này. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp nhà nông đảm bảo thu nhập trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đúng kỹ thuật, bất lợi thành lợi thế

Từ năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học tại 10 hộ gia đình ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, quy mô 340 con/hộ.

Đây là giống vịt do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên chọn tạo và đã được công nhận là một tiến bộ kỹ thuật năm 2014, nay lần đầu được đưa vào thực hiện trình diễn theo chương trình Khuyến nông Trung ương năm 2020.

Thời điểm đó, các hộ tham gia mô hình chỉ cần đầu tư kinh phí sửa chữa chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chăn nuôi. Chuồng nuôi có thể làm đơn giản bằng lưới, tre, nứa, lá hoặc làm trên bè, nhưng phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Nuôi vịt biển an toàn sinh học ở Thanh Hóa: Nông dân đảm bảo nguồn thu trong mùa dịch - Ảnh 1.

Nhân viên Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên chăm sóc vịt giống. Ảnh: L.T

Sau 52 ngày nuôi, số vịt còn sống là 5.273 con, đạt tỷ lệ 97,65%, trọng lượng trung bình đạt 2,4-2,5kg/ con. Sau khi kết thúc mô hình, số vịt còn sống là 5.224 con, đạt tỷ lệ 96,74%, trọng lượng xuất chuồng toàn đàn đạt trung bình 2,7-2,8kg/con.

Quá trình nuôi, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, vaccine và thuốc sát trùng từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước cho hoạt động khuyến nông. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật về chăn nuôi vịt biển cho các hộ nuôi. Qua đó, giúp các hộ thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật của mô hình trong suốt quá trình chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, đàn vịt sinh trưởng nhanh, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống trung bình toàn đàn đạt hơn 90%.

Tiếp nối thành công trên, năm nay Dự án "Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học" của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã lựa chọn xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) để triển khai mô hình "Chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học" theo hướng thịt với quy mô 5.300 con, 10 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 530 con. Thời gian triển khai từ tháng 4-7/2021.

Mục tiêu của mô hình là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vịt biển vào thực tế sản xuất cho người dân, đồng thời thông qua mô hình giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi vịt nói chung, chăn nuôi vịt an toàn sinh học nói riêng cho người dân trên địa bàn xã.

Được lớn nhất là... kinh nghiệm

Theo các hộ tham gia mô hình, giống vịt này có chất lượng tốt, con giống khỏe mạnh, ít bị mắc bệnh; đồng thời vịt được ăn đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống đầy đủ, sạch, mát; chuồng nuôi, máng ăn, máng uống được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là sử dụng vaccine phòng bệnh đúng, đủ, kịp thời.

Ông Trịnh Văn Châu (ở thôn Đông Thị, xã Hà Vinh) - người có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi vịt, cho biết trước đây gia đình thường nuôi các giống vịt siêu thịt, vịt bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, nay nuôi giống vịt biển này thì thấy vịt khỏe con hơn, những ngày đầu mới bắt về thấy nhanh nhẹn, khỏe mạnh, ăn uống tốt và nuôi úm gần như không hao hụt; giai đoạn sau thì rất nhanh nhẹn, khả năng bơi lội và kiếm mồi rất giỏi.

Cũng theo ông Châu, ưu điểm nổi trội của giống vịt này tự kiếm ăn rất giỏi, trên ruộng lúa sau thu hoạch, đàn vịt nhà ông tự kiếm ăn và ăn tất cả các loại rau bèo, côn trùng, động thực vật thủy sinh... Ông không phải cho ăn thêm mà vịt vẫn sinh trưởng phát triển tốt, nhanh lớn như cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp công nghiệp. Khi thịt, vịt ít mỡ, da mỏng, thịt rất thơm và ngon, hơn hẳn các giống vịt đang nuôi trên địa bàn xã.

Đa số các hộ tham gia mô hình đều cho rằng: Cái được lớn nhất không phải là vịt nuôi có tỷ lệ sống cao, khối lượng xuất chuồng lớn, được giá, cho thu nhập cao mà là có được nhiều kiến thức bổ ích, những bài học kinh nghiệm quý trong chăn nuôi vịt, nhất là trong vấn đề thực hành chăn nuôi vịt đảm bảo an toàn sinh học.

Theo các hộ, sở dĩ đàn vịt nuôi của mô hình thường xuyên khỏe mạnh, ít mắc bệnh, tỷ lệ sống cao hơn hẳn so với trước đây và so với những đàn vịt khác ngoài mô hình là do được sử dụng nước sạch bằng việc bố trí máng uống với đầy đủ nguồn nước sạch gần máng ăn để cho vịt uống, thay vì chỉ sử dụng nước ao, hồ cho vịt uống (sau khi ăn thức ăn vịt tự xuống ao uống nước) như trước đây; việc sử dụng vaccine để phòng bệnh cho đàn vịt đúng, đủ, kịp thời. Đặc biệt, sau khi tham gia mô hình, nhiều hộ đã nhận thức được việc cho vịt sử dụng nước sạch không chỉ giúp vịt khỏe mạnh mà còn tạo ra sản phẩm sạch cho gia đình và người tiêu dùng.

Lê Thành