Anh thanh niên Thanh Hóa 36 tuổi đã có 3 sản phẩm OCOP trong tay từ cây nấm, doanh thu tiền tỷ mỗi năm

Thứ sáu, ngày 25/06/2021 13:25 PM (GMT+7)
36 tuổi, giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã có trong tay 3 sản phẩm OCOP, doanh thu từ thương hiệu nấm Yên Thọ mỗi năm gần 2 tỷ đồng.
Bình luận 0

36 tuổi, giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã có trong tay 3 sản phẩm OCOP, doanh thu từ thương hiệu nấm Yên Thọ mỗi năm gần 2 tỷ đồng. Chưa bằng lòng với điều đó, giám đốc Lê Đình Trúc ở xã Yên Thọ (Như Thanh) khao khát xây dựng HTX có quy mô sản xuất lớn, tập hợp nhiều bà con, sản phẩm nấm không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu.


Anh thanh niên Thanh Hóa 36 tuổi đã có 3 sản phẩm OCOP trong tay từ cây nấm, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Giám đốc Lê Đình Trúc giới thiệu về sản phẩm nấm.


Lập nghiệp từ sự tính toán

Như bao thanh niên khác, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng điện công nghiệp của Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, anh Lê Đình Trúc quyết định bám trụ để lập nghiệp. Có thời gian làm giám đốc công ty kinh doanh thiết bị máy móc, nhưng anh chia sẻ: “Xuất thân thuần nông, bố mẹ nuôi 3 anh em chúng tôi ăn học, nhờ cây lúa củ khoai. Dù ở thành phố nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ nếu có điều kiện sẽ về quê phát triển”.

Tính toán là thế, biến cố gia đình buộc anh về nhà sớm hơn dự kiến: “Kể từ khi bố bị đột quỵ, tôi quyết định về làm đúng lĩnh vực bố đang làm, để thấy những kỷ niệm của bố đang lớn dần lên”. Nhớ lại ngày đầu về quê, sau thời gian dài, rất bỡ ngỡ, song Lê Đình Trúc vẫn nghĩ rằng, cần phải cố gắng để khẳng định mình. Thời điểm đó, việc trồng nấm ở Như Thanh chưa phổ biến, chủ yếu phục vụ gia đình. Nhưng anh nghĩ rất đơn giản: “Con người ta có thể tối giản trong việc mặc, nhưng cái ăn thì không thể. Đặc biệt, khi điều kiện kinh tế tốt hơn, nhu cầu được ăn sạch, nhiều chất dinh dưỡng càng được mọi người quan tâm”.

Lê Đình Trúc biết trên địa bàn huyện Như Thanh sẵn có nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm như mùn keo, mùn rơm rạ, có thể tận dụng khi làm nấm. Khi bắt tay vào trồng, anh Trúc đã phải dựa trên điều kiện nhiệt độ và căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng hệ thống giá kệ, giàn phun, nguồn giống gen, nhà nuôi phù hợp. Thanh Hóa có mùa hè với gió Lào nóng rát. Trong khi trồng nấm phải đảm bảo nhiệt độ ổn định, hạn chế ít nhất điều kiện bất lợi của môi trường nên anh phải thay đổi thời gian, cập nhật nhiệt độ để tính đúng thời kỳ sinh trưởng của cây nấm.

Năm 2016 anh Trúc thành lập HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng và tiến hành xây dựng nhà trồng nấm, đầu tư máy móc từ số vốn tích lũy khoảng 500 triệu đồng. Đến nay, HTX liên tục mở rộng sản xuất, thuê thêm khoảng 5.000m2 đất, tăng diện tích nhà trồng nấm, mua thêm máy móc hiện đại. Anh cho biết: "Do không được đào tạo chính quy về nông nghiệp nói chung và cây nấm nói riêng, nên mất gần 4 năm loay hoay, nguồn vốn trước đây tôi đi làm tiết kiệm được về đầu tư thì thất bại. Rồi tôi phải mang tất cả tài sản cầm cố, có thể vay ai là vay hết vì tôi nghĩ nếu mình dừng là mình chính thức thất bại”. Tôi hỏi: Có lúc nào trên hành trình hơn 5 năm vừa qua anh thấy nản không? Anh cười: “Nhiều lúc cũng thoáng qua chứ, nhưng rồi phải lên dây cót tinh thần đấy: Mệt lắm rồi, nghỉ ngơi tí. Bởi tôi không cho phép mình từ bỏ. Việc này mình làm không được thì chắc chắn nhiều việc khác cũng không làm trọn vẹn”. Đến lúc này, theo Lê Đình Trúc, mọi sự tính toán của anh trên hành trình lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, sau hơn 5 năm, có thể nói là: chưa chệch đường ray.

Cái đường ray tính toán ấy, đôi khi anh phải chấp nhận lùi, chấp nhận tay trắng. Người ta nói liều ăn nhiều, còn với Trúc liều để xây dựng thương hiệu.

Quyết tâm thay đổi nhận thức và tư duy

Nói về khó khăn của việc trồng nấm, liên kết sản xuất và xu hướng tiêu dùng, Lê Đình Trúc bộc bạch hết những nỗi lòng của mình. Anh nói: “Hiện nay thị trường đang cần sản phẩm nấm khô dưới hình thức thực phẩm chức năng. Dĩ nhiên sản phẩm tươi vẫn cần nhưng số lượng không nhiều. Nếu không có dịch

Anh thanh niên Thanh Hóa 36 tuổi đã có 3 sản phẩm OCOP trong tay từ cây nấm, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Việc phối trộn, đóng bịch nấm được máy móc hỗ trợ.

COVID-19, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi mở cửa thì lượng hàng hóa tiêu thụ mới lớn. Còn với hộ gia đình, tuần chỉ từ 1 đến 2 bữa nấm, đó còn chưa kể không phải gia đình nào cũng thích ăn nấm. Nấm cũng như một loại rau, người tiêu dùng thường xuyên phải đổi khẩu vị. Trong khi đó, cây nấm đắt hơn rau rất nhiều so với nhiều loại rau vì giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng quan trọng hơn người tiêu dùng chưa biết chế biến nhiều món ăn từ cây nấm. Tôi vẫn ước ao, nếu có được một kênh dạy chế biến thì chắc chắn nhiều người sẽ biết đến giá trị của cây nấm hơn. Biết là thế, nhưng quả thật, tôi chưa có điều kiện để đầu tư một kênh như vậy”.

Để hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng đầu tư dây chuyền đóng bịch nguyên liệu tự động công suất 2.000 bịch/giờ, dây chuyền khử trùng, đóng gói sản phẩm, nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình GMP (Good

Manufacturing Practices: tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt áp dụng trong sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn đã đăng ký và điều kiện vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất) không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng hiện đã có một cửa hàng chuyên buôn bán các loại nấm và rau củ quả tại thị trấn Bến Sung, ngoài ra còn cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại TP Thanh Hóa, Hà Nội... Riêng nấm linh chi, mộc nhĩ, bào ngư xám được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020 của tỉnh Thanh Hóa. Giám đốc Lê Đình Trúc chia sẻ: “Làm nông nghiệp để thành công là rất khó khăn. Điều tôi mong muốn chính là xây dựng được chuỗi liên kết. HTX của tôi mỗi năm thu hoạch từ 60 tấn nấm trở lên, giá trị trung bình khoảng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, HTX có thể đạt quy mô lên tới 200 tấn. Nếu có người sẵn sàng tham gia vào việc nuôi trồng nấm thì tôi sẽ chuyên tâm làm khâu phân phối giống và thu hoạch để chế biến. Mỗi người làm một mắt xích trong chuỗi dây chuyền thì quy mô lớn hơn nhiều”.

Hiện Lê Đình Trúc đã xúc tiến hướng xuất khẩu nấm Yên Thọ tới thị trường các nước Đông Âu. “Tôi đã gửi mẫu cho họ. Để vào được thị trường này cần phải đáp ứng đủ điều kiện pháp lý, quy trình sản xuất, điều kiện sản xuất và sản lượng. Hy vọng trong thời gian ngắn, nấm Yên Thọ của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng sẽ vào được các thị trường khó tính".

5 năm để xây dựng được thương hiệu là cả hành trình quyết liệt của giám đốc Lê Đình Trúc. Nếu chỉ nói là khó vì thiếu tiền thì chưa đủ, khó là ở sự nỗ lực và ý chí chinh phục. 5 năm qua anh mời chào, tìm đủ mọi cách để có những người cùng ý chí với mình. Lê Đình Trúc đang có dự định mở rộng mô hình sản xuất nấm tại một số địa phương, trực tiếp cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, phát triển chuỗi sản xuất mang giá trị cao, tối ưu hóa lợi nhuận, giúp người nông dân có thêm thu nhập, tận dụng mọi phế phẩm nông nghiệp. Mạnh dạn bước tiếp vì anh tin rằng “về lâu dài, đầu tư vào nông nghiệp là kênh đầu tư bền vững và hiệu quả”.

Bài và ảnh: Chi Anh

Chi Anh (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem