Ông Tập: Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu bá quyền

20/04/2021 15:42 GMT+7
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20/4 tuyên bố Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu trở thành bá chủ dù nước này trở nên hùng mạnh ra sao trong tương lai.

Tuyên bố tại lễ khai mạc Diễn đàn Boao cho châu Á ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Dù phát triển mạnh mẽ đến đâu, Trung Quốc cũng không bao giờ tìm kiếm mục tiêu bá quyền, bành trướng sức mạnh hay phạm vi ảnh hưởng”.

Tuyên bố được đưa ra tại thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1 đã tuyên bố tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn với Trung Quốc dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng thông qua cách tiếp cận đa phương thay vì đơn phương. 

Ông Tập: Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu bá quyền - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu trở thành bá chủ dù nước này trở nên hùng mạnh ra sao trong tương lai.

Trước đó, Mỹ và các quốc gia đồng minh ở châu Âu cũng như châu Á Thái Bình Dương nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về hàng loạt vấn đề của Trung Quốc, từ vi phạm nhân quyền đến hành vi thương mại không lành mạnh. Mỹ và khối đồng minh cũng chia sẻ mối quan tâm rằng tầm ảnh hưởng kinh tế - chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc đang đe dọa trật tự an ninh toàn cầu.

Trung Quốc nhiều lần phủ nhận những cáo buộc như vậy. Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ không theo đuổi mục tiêu bá quyền bất kể nước này trở nên hùng mạnh như thế nào trong tương lai. Đây không phải lần đầu ông Tập khẳng định Trung Quốc là quốc gia hành động vì mục tiêu toàn cầu hóa và hệ thống thương mại đa phương. Trong khuôn khổ bài phát biểu, ông Tập kêu gọi một nền an ninh toàn cầu công bằng và bình đẳng, các quy tắc quốc tế không nên do chỉ một hoặc một vài quốc gia đặt ra.

Mặc dù không nêu đích danh quốc gia nào, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh các quốc gia lớn nên hành xử phù hợp với địa vị của mình và có tinh thần trách nhiệm cao hơn. Ông Tập lần nữa khẳng định quan điểm của Bắc Kinh là chống lại chiến tranh lạnh và sự đối đầu về ý thức hệ.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden đã luôn duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc. “Tôi sẽ không làm theo cách của Trump. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế mang tính đa phương… Chúng tôi không cần khơi mào xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt” - Tổng thống Biden tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 7/2, chỉ nửa tháng sau khi nhậm chức.

“Chúng tôi sẽ đối mặt với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ… Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh chừng nào Washington muốn làm như vậy. Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ” - ông Biden tái khẳng định.

Trong tháng này, chính quyền Biden đã củng cố cách tiếp cận cứng rắn này khi thêm hàng loạt công ty công nghệ siêu máy tính Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, viện dẫn quan ngại an ninh quốc gia.

Nhà phân tích Jaret Seiberg từ Cowen Washington Research Group có trụ sở tại Washington DC nhận định: “Chúng tôi tin rằng Tổng thống Biden đang gây tác động đáng kể hơn với các công ty tài chính hoạt động ở Trung Quốc hơn là Tổng thống Trump. Chúng tôi cho rằng đội ngũ của Biden sẽ có chiến lược đa phương và hiệu quả hơn trong cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc”.


NTTD
Cùng chuyên mục