OPEC+ hoàn tất thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng: Giá dầu chỉ tăng tạm thời?

13/04/2020 14:26 GMT+7
Giá dầu đã tăng cao trong phiên giao dịch sớm ngay 13/4 (giờ Mỹ) sau khi OPEC+ hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ ngày.
OPEC+ hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng: giá dầu chỉ tăng tạm thời? - Ảnh 1.

Giá dầu tăng trở lại khi OPEC+ hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng có hiệu lực từ tháng 5

GIá dầu WTI của Mỹ tăng vọt 4,88%, giao dịch ở mức 23,87 USD/ thùng trong khi giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 4,26% lên 32,82 USD/ thùng. Có thời điểm trong phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 8% trước khi giảm nhẹ.

Giá dầu tăng mạnh sau thông tin OPEC và các đồng minh hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ ngày sau 4 ngày đàm phán. Đây được xem là thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất trong lịch sử.

Trước đó, OPEC+ đề xuất cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung dầu thế giới. Nhưng Mexico hôm 9/4 đã phản đối mức cắt giảm lên tới 400.000 thùng/ ngày được phân bổ cho quốc gia này, và chỉ đồng ý cắt giảm khoảng 100.000 thùng/ ngày. Theo thỏa thuận mới thông qua, OPEC+ hạ tổng mức cắt giảm xuống 9,7 triệu thùng/ ngày và đồng ý cho Mexico cắt giảm 100.000 thùng/ ngày thay cho phân bổ ban đầu 400.000 thùng.

Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1/5 và kéo dài đến hết tháng 6. Kể từ tháng 7 đến cuối năm 2020, mức cắt giảm sẽ giảm xuống 7,7 triệu thùng/ ngày. Từ tháng 1/2021-4/2021, mức cắt giảm hạ xuống 5,8 triệu thùng/ ngày. Liên minh 23 quốc gia sẽ gặp lại vào lần hội nghị tiếp theo, ấn định vào 10/6 để xác định xem liệu có cần kêu gọi thêm hành động nào tương tự để bình ổn thị trường dầu, đưa giá dầu tăng trở lại hay không. Từ đầu năm nay, giá dầu WTI đã tụt dốc tới 62% còn giá dầu Brent giảm 52% do đại dịch Covid-19 tấn công nhu cầu dầu và nguy cơ chiến tranh giá dầu Saudi Arabia - Nga bùng nổ.

Các nhà phân tích nhận định thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu chưa từng có có thể nâng giá dầu lên khoảng 40 USD/ thùng vào cuối năm nay; nhưng dự kiến giá dầu không tăng nhiều trong ngắn hạn do thị trường cần thời gian để điều tiết.

“Nói một cách đơn giản, thỏa thuận được đưa ra quá trễ để ngăn chặn giá dầu giảm sâu xuống mức 1 chữ số do lượng dầu tồn kho khổng lồ khoảng 1 tỷ thùng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5” - theo chuyên gia Ed Morse từ Citigroup.

Tổng thống Donald Trump, người giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Saudi Arabia và Nga ngồi lại vào bàn đàm phán khi cuộc chiến giá cả nổ ra đưa giá dầu WTI thủng ngưỡng 20 USD/ thùng, đã có động thái ăn mừng trên Twitter ngay sau khi thỏa thuận hoàn tất. “Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khổng lồ của OPEC+ đã hoàn tất. Điều này sẽ cứu hàng trăm ngàn người lao động trong ngành năng lượng của Mỹ (khỏi nguy cơ thất nghiệp). Xin cảm ơn và chúc mừng Tổng thống Nga Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman! Tôi vừa trao đổi với họ từ phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả các bên!”.

Chuyên gia Per Magnus Nysveen của Rystad Energy nhận định: “Thỏa thuận có thể xem là một cái phao cứu trợ tạm thời cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung… Mặc dù mức cắt giảm sản lượng nhỏ hơn những gì thị trường cần và chỉ có tác dụng hoãn lại một số mức giảm trên thị trường chứng khoán”.

Nhà phân tích John Kilduff từ Again Capital thì đặt ra nguy cơ giá dầu trở lại mức 20 USD/ thùng trong vài tuần tới do lượng dầu thô tồn kho tăng vọt.

OPEC+ đang kỳ vọng các quốc gia bên ngoài liên minh bao gồm Mỹ, Canada, Na Uy cũng tiến hành cắt giảm sản lượng dầu trong nỗ lực bảo vệ giá dầu và ổn định thị trường dầu. Nhưng Tổng thống Trump có vẻ không hứa hẹn một mức cắt giảm như vậy, khi tuyên bố chính thị trường sẽ tự điều tiết và kiềm chế sản lượng. 

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette đã lặp lại quan điểm của Trump hôm 10/4, đồng thời nhấn mạnh diễn biến thị trường có thể sẽ loại trừ 2-3 triệu thùng trong nguồn cung dầu của Mỹ vào cuối năm nay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục