Dân Việt

Từ chuyến vượt biển năm xưa đến lúc trở về Đất Mẹ khi đại dịch

Quốc Phong 10/06/2020 14:18 GMT+7
Mấy chục năm trước, một nhà văn thuộc chế độ cũ có nói một câu, nghe mà lòng quặn đau: "Nếu như cho đi nước ngoài thì ở Việt Nam, đến cái cột đèn nó cũng muốn bỏ nước mà ra đi". Nhưng giờ đây, Việt Nam đang thu hút nhiều công dân trở về, nhiều chuyên gia đến. Vị thế Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi.

Qua dịch Covid-19, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn đặc biệt đến khó tin nổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và báo chí nước  ngoài cũng phải kinh ngạc, nhất là việc điều trị và phục hồi kỳ diệu của phi công người Anh, bệnh nhân số 91.

Vì vậy mà hàng chục nghìn người Việt ta ở nước ngoài học tập, lao động và làm ăn đã nạp đơn đăng ký lên Bộ Ngoại giao xin được trở về Tổ quốc. Họ đã coi đó nhưng một chỗ dựa tinh thần khi cần trở về quê nhà...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hơn một lần đề cập chuyện Đất Mẹ Việt Nam sẽ không bỏ lại một ai ở phía sau. Đó cũng là thể hiện trách nhiệm, sự nhân văn và cao cả của nhà nước ta trước đồng bào ruột thịt lúc gặp nạn.

Hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước. Trong số này có cả những người từng ra đi và đang có ý muốn ở lại không về, thì lúc gian khó nhất, họ biết rằng, không đâu có được tình người như quê nhà, chưa nói đến khả năng chữa trị cũng cực tốt.

Từ chuyến vượt biển năm xưa đến lúc trở về Đất Mẹ khi đại dịch - Ảnh 1.

Công dân Việt Nam từ Phần Lan, Thụy Điển và các nước Châu Âu khác vừa được đưa về nước hôm 5 và 6.6. Ảnh: BNG.

Nghĩ lại chuyện của 40-45 năm về trước ở nước nhà, chắc nhiều người trong chúng ta hẳn không thể quên được cảnh người thân và bạn bè của mình xuống thuyền vượt biển ra nước ngoài mà lòng buồn đau khôn tả. 

Tôi từng sống ở thành phố Hải Phòng những năm 70 đến những năm 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang vượt biên như một "chiến dịch".

Nhà tôi ở phố Trung Quốc, tức con phố mà suốt cả thế kỷ trước chủ yếu của người Hoa; sau sự kiện người Hoa ra đi, nó được đổi tên thành phố Lý Thường Kiệt. Tôi đã chứng kiến không ít cảnh chia tay trong nước mắt với bạn bè ở tuổi đôi mươi ngày đó. Có bạn tôi đi rồi mất xác ngoài biển do đắm thuyền. Có bạn đi đến 5-6 năm mà vẫn chưa thoát khỏi các trại tỵ nạn ở mấy nước thuộc Đông Nam Á vì chờ phỏng vấn đến mỏi mắt mà vẫn chưa nước nào nhận. 

Có biết bao người, bao gia đình đã bị bọn hải tặc cướp của. Chúng cướp đến chỉ vàng cuối cùng trên người. Chống cự thì cho chết luôn. Rồi ai mà may mắn không bị lật thuyền, thì hoặc đi tiếp dù trong tay không một xu nhỏ hoặc chấp nhận quay về tìm cơ hội đi tiếp...

Thật là muôn hình vạn trạng cảnh vượt biên khắc nghiệt, đau đớn!

Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc ( UNHRC), trong khoảng thời gian 20 năm (từ 1975 đến 1995) có 796.310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển.

Cũng theo số liệu của tổ chức này, trong khoảng thời gian trên có 849.228 người từ Đông Dương vượt biên bằng đường biển hoặc đường bộ (tính cả người Campuchia). Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người từ Việt Nam và Campuchia tới tá túc trên đảo của nước này. Tuy tới từ Việt Nam, nhưng theo thống kê thì 2/3 số người vượt biên là người gốc Hoa chứ không phải là người Việt.  

Tất nhiên, bên cạnh đối tượng vượt biên, trong nước cũng có một lượng người không nhỏ được ra đi hợp pháp nếu thuộc diện HO (có người ruột thịt tham gia chế độ Việt Nam Cộng hoà). Họ được ra đi sau khi người thân đã cải tạo trở về. 

Vào thời điểm sau 1975 cho đến trước thời kỳ đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới, kinh tế nước nhà kiệt quệ và luôn đứng bên bờ vực hiểm nguy. Lòng người khi đó đầy tâm trạng, họ ra đi đâu hẳn do thù hằn chế độ, mà về cơ bản là đất nước bị thiếu đói đến căng thẳng chưa từng thấy. Họ  chấp nhận nguy hiểm ngoài biển khơi cũng là vạn bất đắc dĩ. 

Ngày đó, nhà văn châm biếm Trần Văn Trạch thuộc chế độ cũ có nói một câu, nghe mà lòng quặn đau:  "nếu như cho đi nước ngoài thì ở Việt Nam, đến cái cột đèn nó cũng muốn bỏ nước mà ra đi". Là người có lý trí và sự tự trọng, câu nói đó quả là đau đến tận con tim.

Nhưng ngẫm lại, câu nói đó có ý của nó. Hồi ấy, đất nước ta thiếu điện triền miên. Ngày được cấp, ngày mất điện dù nóng bức đến thế nào. Cũng từ lý do cột điện mà không có điện chạy qua thì đứng đó cũng là vô vị!

Tôi có đọc cuốn  sách "Ông Sáu Dân trong lòng dân" của Nhà xuất bản Tri thức (xuất bản năm 2008). Cuốn sách có những câu chuyện nghe mà cảm động và càng khiến người đọc kính phục cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về lòng vị tha đến vô cùng. 

Ông Võ Văn Kiệt đã đau xót thế nào khi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm và nhói đau mỗi khi biết tin có những trí thức nổi tiếng của chế độ cũ vượt biên. Ông quá biết về họ trong quá khứ. Vốn có thiện cảm với cách mạng, họ từng bị chính quyền cũ coi là "kẻ chống đối". Họ ở lại không phải do "kẹt" không đi nổi trước ngày 30/4, ví dụ như gia đình giáo sư Châu Tâm Luân. Ông Kiệt biết, trong tay họ từng có cả một chiếc máy bay đang chờ cất cánh, thế nhưng vì yêu đất nước, họ không thể ra đi nổi. Họ mong mỏi có ngày Thống nhất "để góp phần xây dựng một đất nước ấm no hạnh phúc", nhưng rồi ông Kiệt "cũng hiểu vì sao chính những người đó về sau đã vượt biên" - (trang 132).

Lòng vị tha và sự sẻ chia rất hiếm có với những trí thức ra đi là điều rất đặc biệt ở ông Võ Văn Kiệt. Nhiều người ra đi không thành và bị bắt. Những trí thức nổi tiếng như thế, ông thường phái người của Thành phố Hồ Chí Minh đi đến từng tỉnh để bảo lãnh, "di lý" về thành phố mình để ông" thụ lý". Chỉ về đến địa hạt của ông, ông lại cho thả ra với lời khuyên chân tình "đừng đi nữa, đi như thế nguy hiểm lắm"!

Trường hợp gia đình giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn ngày ấy cũng thế. Con giáo sư Sơn vượt biên không thành. Ông Sáu Dân tìm đến tận nhà khuyên ở lại. Chờ thêm thời gian nữa, nếu vẫn không hết khó khăn thì ông sẽ tạo điều kiện cho đi đàng hoàng - (trang 131).

Cũng vì vậy, đôi khi ông Võ Văn Kiệt gặp nhưng hệ luỵ nhất định. Song ông vẫn không lấy đó mà ngại ngùng, né tránh.

Cả chục năm sau, ông Võ Văn Kiệt nhớ lại nhưng vẫn ngậm ngùi: "Đau lắm, để họ ra đi là đau lắm! Nhưng mình biết, cái cách của mình lúc ấy không thể nào giữ được họ." (trang 132).

Phải chăng, cụm từ "cái cách của mình" mà ông nêu, đó là chính sách của Đảng và Nhà nước ta ngày ấy có sự xơ cứng, giáo điều, là do chúng ta để dân đói khổ quá lâu. Vậy thì lỗi là có phần từ chúng ta chứ .

Ông Kiệt từng nhiều lần gặp gỡ giới trí thức, kêu gọi họ ở lại. Năm 1978, ông Kiệt nói:" Anh em cố gắng ở lại, trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường".

Lúc đó giáo sư Nguyễn Trọng Văn trả lời ông ,"Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu 3 năm nữa mà tình hình không thay đổi, thì tôi cho rằng, người ra đi không phải là chúng tôi" -  (trang 133).

Chính câu nói như xát muối của giáo sư Văn đã gây rúng động giới trí thức miền Nam ngày ấy. Thành uỷ TP HCM biết chuyện, có ý kiến đề nghị phải bắt giáo sư Văn. "Ông Kiệt chỉ làm  thinh nhưng cặp mắt thì đăm chiêu và buồn".

Ông bày tỏ : "Nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất  sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy anh Văn phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu 3 năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng, người ra đi không thể là các anh ấy" (trang 134).

Cũng nhờ kết luận đó mà giáo sư Nguyễn Trọng Văn không bị bắt.

Và đó cũng là sự "giải mã" cho việc vì sao giới trí thức văn nghệ sỹ của chế độ cũ rất nể trọng và trân quý ông Sáu Dân!

Và đó cũng là những câu chuyện "minh hoạ"cho lối  chỉ trích của nhà văn Trần Văn Trạch mà tôi kể ở trên.

Vào những khúc quanh của lịch sử đầy gian khó, chúng ta có lúc đã thiếu tinh tế khi ứng xử với người ra đi bất đắc dĩ, chưa có sự sẻ chia và cũng chưa thấy có trách nhiệm của mình.

Hơn bốn chục năm đã qua, vị thế của Việt Nam hôm nay quả đã khác xưa rất nhiều.

Về phát triển kinh tế, ở giai đoạn trước khi có dịch, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của khu vực và thế giới, tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Song người hưởng lương từ ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta còn khá thấp. Như vậy, để thu hút nhân  tài trở về Tổ quốc cống hiến, thực sự vẫn còn nhiều thách thức, từ chế độ đãi ngộ chưa đủ thuyết phục, việc tuyển dụng không ít nhiễu nhương, tiêu cực. Đây là câu chuyện còn dài, chưa thể khắc phục được  trong dăm ba năm tới...

Cũng rất may, kinh tế tư nhân  mấy năm gần đây phát triển khá tốt. Nó thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

Một số tập đoàn tư nhân lớn trả lương cho người giỏi khá cao, không hề thua kém các nước. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã sang Việt Nam làm việc. Có tập đoàn tư nhân như tôi biết, họ đang đầu tư nhà máy có công nghệ cao. Họ đã và đang trả lương hàng trăm ngàn USD/tháng cho các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm,từng làm lãnh đạo những hãng nổi tiếng thế giới. Vậy thì chúng ta giờ đây đâu có kém cạnh ai ?

Chính vì vậy, các doanh nghiệp tư nhân có "máu mặt" như thế này đã thu hút khá nhiều người tài về chung sức gánh vác. Họ đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng như đã tiếp cận gần với chế độ đãi ngộ của các công ty với đối tượng là những người tài giỏi ở các tập đoàn lớn trên thế giới. Đó là điều rất đáng mừng và có lẽ chúng ta hy vọng rất nhiều ở cách làm nói trên. Cũng từ đây, sẽ có nhiều người tài tiếp tục trở về xây dựng đất nước. Điều đó cũng không còn là chuyện hy hữu...

Trong trận chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19, thế giới đã đánh giá rất cao vị thế của Việt Nam và cách điều hành của Chính phủ Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam là quốc gia chiếm được uy tín cao trong dân chúng khiến họ có thể gửi gắm lòng tin vào chính quyền, là chỗ dựa đáng tin cậy của người dân, thậm chí của những người Việt Nam đang làm ăn, học tập ở nước ngoài bị dịch bệnh đe doạ. Đây quả là điều khiến chúng ta không thể không hãnh diện.

Khó khăn chắc chắn còn rất rất nhiều và đang ở phía trước, thậm chí quá lớn. Song, chúng ta cũng hy vọng mở ra một trang mới trong lịch sử nước nhà nhất là về lĩnh vực y tế. Lâu nay, có nhiều lĩnh vực y tế, người Việt chúng ta  phải  sang nước ngoài chạy chữa. Điều này khiến tổn hao ngoại tệ một cách rất không đáng có, mà thực chất, y học trong nước đủ sức chữa trị tốt.  Có thể là từ đây chúng ta sẽ thu hút được nhiều hơn người nước ngoài thuộc khu vực Đông Nam Á và châu Á sẽ sang Việt Nam chữa  bệnh.

Hậu dịch Covid-19, hy vọng trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định chọn Việt Nam làm điểm dừng chân lý tưởng. Họ có nhiều lý do để tin tưởng vào Việt Nam hơn xưa, xét ở nhiều khía cạnh: Từ thành công trong kiềm chế dịch, chia sẻ vật tư y tế với các nước bạn bè và đối tác để cùng ngăn chặn dịch, những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ để tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng hơn những năm qua...

Chắc chắn rằng, vị thế của Việt Nam hôm nay, dù cho còn nhiều hạn chế, khó khăn nhất định, nhưng đã khác xưa và khác rất nhiều. Một Việt Nam thật đáng tự hào!