Đó là chia sẻ của ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank; HoSE: HDB), tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, diễn ra sáng nay tại TP.HCM.
Theo ông Thanh, ban đầu, ban điều hành HDBank dự kiến cơ cấu các khoản vay cho khách hàng bị tác động của dịch Covid-19 với dự phóng lên tới 15% dư nợ, nhưng đến nay thì con số tổng thể chiếm thấp hơn, chỉ hơn 3% trong tổng dư nợ (khoảng 5.000 tỷ đồng), do vậy dự kiến kết quả kinh doanh năm nay sẽ tốt hơn.
"Huy động vốn đến hết quý 1 của HDBank đạt hơn 157 nghìn tỷ đồng, tăng 4,61% so với đầu năm; dư nợ hợp nhất tăng 5,92% - mức tăng khả quan. Đến hết tháng 5, tăng trưởng tiếp tục khả quan, dự kiến hết tháng 6 đạt trên 2.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ).
Mức lợi nhuận này đã đạt khoảng 50% chỉ tiêu kế hoạch và thông thường nếu 6 tháng đầu năm mà đạt 50% kế hoạch thì khả năng hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh mà cổ đông giao phó là rất lớn", ông Thanh thông tin đến cổ đông.
Cổ đông quan tâm nhiều đến tiến độ sáp nhập PGBank vào HDBank
Tại đại hội, nhiều cổ đông cũng quan tâm đến tiến độ sáp nhập PGBank vào HDBank tính đến thời điểm hiện tại như thế nào; các hệ sinh thái lõi như Phúc Long, Coorpmart, Vietjet... đang đóng góp vào tăng trưởng ra sao; sự phát triển của mobile money, fintech sẽ tác động thế nào tới hoạt động, ngân hàng đã chuẩn bị ra sao về số hóa?
Trả lời các vấn đề trên, CEO HDBank Phạm Quốc Thanh khẳng định, HDBank đã hoàn tất các thủ tục và gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, chờ duyệt phương án. Tuy nhiên, hiện tại thì HDBank và PGBank đã có những kết nối với nhau để cùng chia sẻ hệ sinh thái khách hàng… Về lĩnh vực số hóa, ngân hàng đã có chiến lược để đi trước nhằm vượt lên và cũng có sự chuẩn bị, bước tiến về số hóa.
"Tới nay, HDBank có phân công một phó chủ tịch HĐQT phụ trách mảng số hóa. Theo đó, HDBank trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai tài trợ thương mại trên nền tảng blockchain; tiên phong mở tài khoản cho doanh nghiệp, chữ ký số để giao dịch ngay lập tức...", ông Thanh khẳng định.
Riêng đối với hệ sinh thái lõi như Vinamilk, Vietjet, Saigon Coorpmart..., HDBank hiện nay đã có tới 60 triệu khách hàng. Các hệ sinh thái đặc quyền này đang phát huy vai trò tích cực, giúp ngân hàng phát triển bền vững và mở rộng thêm hệ sinh thái khách hàng.
Một cổ đông khác lại đặt vấn đề, các ngân hàng đang đẩy mạnh bancassurance, còn HDBank thì sao? Nếu đẩy mạnh bancassurance thì dự kiến mức tăng trưởng của HDBank thời gian tới ra sao?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đặng, phó Chủ tịch HĐQT, cho hay: Về bancasurance, hiện HDBank có hợp tác với một đối tác và đang lựa chọn thêm đối tác khác để cùng phát triển trong thời gian tới.
Dù Covid-19, HDBank vẫn tin tưởng về tốc độ tăng trưởng
Năm nay, HDBank đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.661 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2019. Tổng tài sản dự kiến tăng 33%, đạt 305.372 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt 275.246 tỷ đồng, tăng 35%. Trong đó bao gồm tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay các TCTD khác. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 16%, đạt 177.970 tỷ đồng, tuy nhiên mức dư nợ tối đa sẽ không vượt quá mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng kiểm soát dưới 2%.
Trước kế hoạch kinh doanh khả quan này, nhiều cổ đông thắc mắc, kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ tập trung vào đâu? Tốc độ tăng trưởng từ đầu năm tới nay thế nào và cơ sở nào để HDBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng khả quan như vậy?
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, cho hay: HDBank đã tính tới các yếu tố ảnh hưởng của Covid-19 và hài hòa với năng lực quản trị rủi ro, năng lực tài chính. Vì vậy, HDBank đã đưa ra kế hoạch thận trọng theo truyền thống của ngân hàng, song vẫn theo hướng mà đại hội đồng cổ đông giao phó.
Việc tăng trưởng của năm nay, ngân hàng xác định tăng trưởng vào phân khúc, khu vực nào ổn định. Đối với tín dụng, ngân hàng được giao chỉ tiêu nhưng sẽ xin tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm cao nhất; trong năm nay ngân hàng cũng đầu tư mạnh hơn cho ngân hàng số.
Về đầu tư kinh doanh, trước mắt sẽ tập trung vào các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá, các sản phẩm an toàn mà lợi nhuận cao… Trên cơ sở các hướng đi này, HĐQT tin tưởng kết quả đặt ra sẽ đạt được.
"Điều phấn khởi là trong những tháng đầu tiên mà ông Quốc Thanh làm Tổng Giám đốc, kết quả kinh doanh đạt cao hơn so với cùng kỳ, cũng vượt so với kế hoạch", bà Thảo nói.
Một số cổ đông cũng thắc mắc vì sao HDBank lại quyết định phát hành trái phiếu 1 tỷ USD? Trả lời cổ đông, bà Thảo cho hay, hiện HDBank là ngân hàng có tổng tài sản lớn trên 10 tỷ USD, có mạng lưới rộng lớn và đang hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong năm nay do tác động của Covid-19, các quốc gia đang bơm vốn với lãi suất thấp, dồi dào nên đây là thời điểm huy động vốn tốt với chi phí thấp để bổ sung cho các kế hoạch kinh doanh cũng như hỗ trợ khách hàng phục hồi sau đại dịch…