Chiều nay (15/6), phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội về vấn đề hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dịch bệnh là khách quan nhưng tâm thế và cách thức ứng phó với đại dịch của mỗi quốc gia tạo nên sự khác biệt.
Theo ông, Việt Nam xứng đáng có được tấm "huy chương vàng" đầu tiên trên cấp độ toàn cầu trong phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên tấm huy chương vàng quý giá nhất vẫn là niềm tin của nhân dân vào đất nước.
Chủ tịch VCCI đánh giá, không giống như cuộc chiến chống giặc Covid-19, cuộc chiến chống giặc tụt hậu trong hành trình tái khởi động, phục hồi và phát triển nền kinh tế đang đòi hỏi nỗ lực gấp bội lần.
Dù đồng tình với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP xuống 4,5%, ông Lộc nói chưa yên tâm vì các giải pháp Chính phủ đưa ra chưa đủ mạnh để có thể đạt được mục tiêu đã đưa ra.
Ông Lộc cho rằng, ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công thì các chính sách tài khóa có vẻ còn dè dặt khi chủ yếu dừng lại ở biện pháp giãn, hoãn thời điểm nộp thuế ở một số thời điểm.
"Trong điều kiện tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, không có lãi, Quốc hội có quyết định cắt giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì điều đó cũng không có nhiều ý nghĩa," ông Lộc cho hay.
Theo ông Lộc, với mức nợ công hiện tại, ông Lộc đánh giá vẫn còn dư địa thực hiện biện pháp giãn, hoãn thuế với liều lượng mạnh hơn trong thời gian tới. Ví dụ có thể kéo dài thời gian hoãn, giãn thuế lên 12 tháng thay vì 3 tháng như hiện tại.
Thời gian qua Chính phủ và Bộ Tài chính đã rất thành công trong việc giảm mức nợ công, và bây giờ là thời điểm chúng ta có thể sử dụng chính sách tài khóa ngược chu kỳ để đối phó với thời kỳ hậu Covid-19, tức là giảm nợ công trong gian đoạn kinh tế phát triển thuận lợi để tăng nợ công trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn.
Chính sách tiền tệ được ông Lộc nhìn nhận có vẻ mạnh mẽ hơn nhưng tác động của chính sách này vẫn chưa thực sự rõ nét. Việc cơ cấu hạn nợ và lãi suất mới chỉ giúp doanh nghiệp cầm máu và chưa chữa lành vết thương, tạo động lực mới trong phát triển doanh nghiệp.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ lãi suất chung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, trong các ngành du lịch, hàng không.
"Tất nhiên gói này cũng phải trong giới hạn phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát", Chủ tịch VCCI nói.
Trong khi mục tiêu tăng trưởng 4,5% là khá cao so với đánh giá của quốc tế, ông Lộc cho rằng Chính phủ dường như có phần nới lỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát khi điều chỉnh mức lạm phát từ dưới 4% thành khoảng 4%.
Dù chia sẻ với quan điểm thận trọng, Chủ tịch VCCI tha thiết đề nghị Chính phủ phấn đấu giữ mức lạm phát dưới 4%, vì nó thể hiện uy tín và tầm nhìn của Chính phủ trong dài hạn, là điểm neo giữ niềm tin của người dân và các nhà đầu tư.
"Chúng ta không nên để suy giảm niềm tin đó", ông Lộc nói.
Bên cạnh nhiều thách thức, ông Lộc nói cũng có không ít cơ hội để chúng ta có thể đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát. Giá thịt heo dù vẫn neo ở mức cao, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo trước Quốc hội, nếu không có những diễn biến bất thường thì đến quý IV với nỗ lực tái đàn, dàn lợn sẽ khôi phục lại mức sản lượng tiềm năng trước mùa đại dịch.
Tương tự, với giá xăng, trong thời gian tới liên Bộ Tài chính – Công thương xả quỹ bình ổn giá xăng dầu thì tác động cộng hưởng với những yếu tố này, Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát dưới 4%.
Bên cạnh thách thức của hậu Covid-19 cũng cần nắm bắt cơ hội dịch chuyển làn sóng đầu tư. Chính phủ đã lập tổ công tác đặc biệt để chuẩn bị, nhưng then chốt nhất vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
"2,5 năm đầu nhiệm kỳ việc này được triển khai tốt nhưng hơn 1 năm nay, đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu đang trở thành lỡ hẹn, vì vậy, tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế là nhiệm vụ hệ trọng Chính phủ cần quan tâm", ông Lộc đề nghị.